Xuất khẩu khoáng sản: Địa phương “chiều” doanh nghiệp

ThienNhien.Net – Việc đề nghị cho doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản được tồn kho vượt quá công suất khai thác, giấy phép được cấp tại một số tỉnh đang khiến dư luận nghi ngờ khả năng doanh nghiệp lợi dụng xuất khẩu để hợp thức hóa các khối lượng không thuộc diện được xuất khẩu.

Bộ Công thương vừa từ chối cấp khối lượng xuất khẩu theo như đề nghị của một loạt doanh nghiệp và UBND các tỉnh, bởi cho rằng, có sự bất hợp lý giữa năng lực sản xuất và khối lượng tồn kho của doanh nghiệp.

Tại Văn bản 725/BCT- CNNg, Bộ Công thương chỉ cho phép các doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An được xuất khẩu 214.000 tấn quặng sắt và 120.000 tấn quặng mangan tồn kho.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các cơ quan chức năng cho xuất khẩu 471.000 tấn quặng sắt và 200.000 tấn quặng mangan nghèo. Tuy nhiên, con số này được Bộ Công thương cho rằng quá lớn, không phù hợp với trữ lượng mỏ và công suất khai thác ghi trong các giấy phép do chính UBND tỉnh Nghệ An cấp.

Việc cho phép xuất khẩu số lượng khoáng sản thấp hơn so với đề nghị của UBND tỉnh theo lý giải của Bộ Công thương là được xác định theo nguyên tắc lấy bằng sản lượng khai thác hai năm 2011-2012, theo đúng công suất đã được quy định trong các giấy phép khai thác. Đáng nói là, số lượng khoáng sản mà UBND tỉnh đề nghị cho xuất khẩu này được đưa ra sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành của chính tỉnh Nghệ An làm việc thực tế.

Ảnh minh họa: Vinacomin
Ảnh minh họa: Vinacomin

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, trong Văn bản 1981/BCT-CNNg có 4 doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoặc bị Bộ Công thương từ chối chưa xem xét, hoặc không cấp số lượng theo đề nghị của UBND tỉnh và doanh nghiệp.

Trong số này, doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác mỏ sắt Hoan tại huyện Đồng Hỷ (với công suất 186.000 tấn/năm, trong thời hạn 14 năm) chưa được xem xét xuất khẩu trong lần 1. Ở lần thứ 2, UBND đề nghị cho xuất khẩu 150.000 tấn quặng sắt tồn kho, nhưng Bộ Công thương chỉ cho xuất khẩu tối đa 100.000 tấn quặng sắt với hàm lượng Fe từ 54% trở lên. Phần còn 50.000 tấn để lại cung cấp cho CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco).

Cũng từ chối khối lượng 230.000 tấn tinh quặng của Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công theo đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Công thương đã chỉ cho xuất khẩu tối đa 100.000 tấn quặng sắt có hàm lượng từ 54% trở lên. 130.000 tấn quặng còn lại được Bộ Công thương yêu cầu cung cấp cho Tisco.

Đối với công ty TNHH Vương Anh, Bộ Công thương chỉ giải quyết cho xuất khẩu 85.000 tấn tinh quặng sắt đủ điều kiện xuất khẩu. Trước đó, doanh nghiệp này đã đề nghị được xuất khẩu 103.897 tấn.

Dư luận ở Sơn La thời gian gần đây xôn xao vụ việc Công ty Tuấn Đạt xin xuất khẩu quặng tồn kho, nhưng thực chất là xin giấy phép để “bán” cho doanh nghiệp khác ở Lào Cai xuất khẩu khoáng sản được thu gom trái phép.

Một số cơ quan ngôn luận cũng vào cuộc để tìm hiểu vụ việc, nhưng hiện chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng địa phương đối với khối lượng khoáng sản mà doanh nghiệp xin xuất khẩu với lý do tồn kho. Thậm chí, đang có tình tiết doanh nghiệp ở Sơn La, nhưng lại ủy thác cho doanh nghiệp tại Lào Cai xuất khẩu hộ quặng sắt với khối lượng lớn hơn khả năng có thể tận thu.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho hay, trong số các doanh nghiệp xin cấp phép xuất khẩu khoáng sản, chỉ một số doanh nghiệp ở Phú Thọ có hóa đơn nộp thuế tài nguyên, chứng tỏ khối lượng khai thác được hàng tháng. Còn lại, đa số doanh nghiệp không có hóa đơn này, vì kêu khó khăn, không có tiền nộp thuế tài nguyên.

Ông Quân cũng nhấn mạnh, tỉnh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nguồn gốc khoáng sản xin xuất khẩu và tại nhiều địa phương đã có cả cơ quan công an tham gia xác định khoáng sản tồn kho.

Hiện tại, đã có khoảng 13 địa phương được Bộ Công thương cấp phép cho phép xuất khẩu khoáng sản tồn kho. Khi cấp phép, ngoài kết quả kiểm tra của UBND tỉnh và công suất các giấy phép khai thác tận thu được UBND cấp, một số mỏ còn phụ thuộc cả vào hợp đồng tiêu thụ khoáng sản trong nước đã được ký.

“Cũng có tình trạng, một số doanh nghiệp trong nước không có tiền và đang giảm công suất sản xuất, nên không mua khoáng sản. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cho doanh nghiệp khai thác xuất khẩu toàn bộ khoáng sản tồn kho như đề nghị, bởi dễ xảy ra tình trạng khi sản xuất trong nước phục hồi thì không có nguyên liệu”, ông Quân nói.