Năm 2009: Bước vào một Thế giới đang ấm lên

ThienNhien.Net – Kỷ nguyên của sự thay đổi khí hậu đang đến gần, làm thế nào để con người chúng ta có thể chế ngự và tiếp tục tồn tại. Và tới năm 2101, không biết bằng cách nào mà loài người đã sống sót được qua thời kỳ tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu – nhiệt độ cao, mực nước biển dâng lên, hạn hán và bão lũ khắc nghiệt, không những thế loài người còn thành công trong việc ổn định khí hậu Trái đất. Nồng độ các khí gây hiệu ứng nhà kính đã vượt qua đỉnh cao nhất và có chiều hướng đi xuống trong thế kỷ 22. Sự gia tăng nhiệt độ Trái đất đã chậm lại và thế giới tự nhiên đang dần dần được phục hồi. Xã hội được giữ vững. Và con người lúc này thì có cuộc sống no đủ, khỏe mạnh và thịnh vượng hơn thế kỷ trước.

Viễn cảnh tương lai này đã đặt ra một câu hỏi lớn: Chúng ta phải làm gì trong thế kỷ 21 – đặc biệt là trong năm 2009 và những năm tiếp theo – để có được một tương lai tươi đẹp và chế ngự hoàn toàn các thảm họa khí hậu mà các nhà khoa học đang chỉ ra. Câu hỏi này chính là chủ đề của báo cáo “Tình trạng Thế giới năm 2009” do Viện nghiên cứu Worldwatch thực hiện: Biến đổi khí hậu sẽ tiếp diễn như thế nào trong thế kỷ tới, và ngay lúc này chúng ta cần phải làm gì?

Năm 2009 được xem là năm then chốt của vấn đề khí hậu Trái đất. Các nhà khoa học cảnh báo rằng, chúng ta chỉ còn một vài năm để đảo ngược tình trạng gia tăng phát thải các khí nhà kính nhằm tránh những biến đổi khí hậu bất ngờ và thảm khốc. Cộng đồng Thế giới hiện cũng đã đồng ý để đàm phán một thỏa thuận mới ở Copenhagen vào tháng 12 năm 2009. Cùng năm đó, một vị tổng thống mới cũng sẽ nhậm chức ở Mỹ, và chắc chắn quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới này sẽ có những thay đổi phù hợp bằng cách xây dựng luật pháp về biến đổi khí hậu.

“Tình trạng Thế giới năm 2009” hy vọng sẽ thúc đẩy cuộc đàm phán giữa các quốc gia về vấn đề khí hậu bằng việc nêu ra những hậu quả sâu sắc và lâu dài do những việc loài người đã làm với khí quyển Trái đất, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những ảnh hưởng của sự thay đổi đó đến sức khỏe con người và hệ sinh thái tự nhiên. Cuốn sách này cũng sẽ xem xét để đưa ra những thay đổi chính sách cần thiết nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu, đồng thời tìm hiểu và đánh giá những lợi ích kinh tế bắt nguồn từ sự chuyển đổi này. Đó là khả năng tạo ra những ngành công nghiệp mới, những ngành nghề mới ở cả những nước giàu và nước nghèo.

Xuất phát từ những cuộc tranh luận gay gắt về chính sách khí hậu ở nhiều quốc gia, lần xuất bản thứ 26 của loạt sách “Tình trạng Thế Giới” sẽ đưa ra được những giải pháp có hiệu quả về mặt kinh tế. Điều này cho thấy rằng các chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến mức độ và khoảng thời gian của các vấn đề khí hậu để tập trung giải quyết. Việc giải quyết các vấn đề khí hậu là vì sự phát triển của loài người, do đó việc đưa ra những giải pháp lớn sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn những chính sách nhỏ đã từng rất khó khăn trong suốt hai thế kỷ qua.

Có rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra trong cuốn “Tình trạng Thế giới 2009” như: Chúng ta – không chỉ là những cộng đồng hay quốc gia mà với tư cách là một loài – phải thay đổi như thế nào trước những cảnh báo rằng chúng ta đã cùng đường, và chúng ta không thể làm gì hơn được nữa? Chúng ta sẽ xử sự như thế nào trước một nghịch lý rằng hậu quả về khí hậu sẽ nặng nề nhất ở các nước gây biến đổi khí hậu ít nhất? Và khi sự nỗ lực để cải thiện mức sống vẫn tiếp diễn, và dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng ít nhất là trong một vài thập kỷ tới, thì làm thế nào mà chúng ta có thể duy trì được mức phát thải nghiêm ngặt để khắc phục mức độ ô nhiễm hiện nay? Những công nghệ mới, những hành động mới, những thể chế, thỏa thuận và những phương pháp mới nào sẽ được các nhà cầm quyền áp dụng để đối mặt với thách thức này? Nghiêm trọng nhất là những người nghèo sẽ sống như thế nào trước những rủi ro về biến đổi khí hậu mà sự phát triển kinh tế thế giới gây ra? Và với những giải pháp và bước đi đúng đắn liệu chúng ta có thể làm cho thế giới này tôt hơn không?

“Tình trạng Thế giới 2009” được xây dựng dựa trên những ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu của Viện Worldwatch và từ các nhà khoa học, các chuyên gia về chính sách trên thế giới. Trong đó, các chương viết về sự phát triển công nghệ và thể chế mới là để giúp con người tránh được những biến động của Trái Đất đã được cảnh báo.

Trong cuốn sách này, bao gồm các chủ đề là: những công nghệ mới hứu hẹn loại trừ sự phát thải khí nhà kính ra khỏi khí quyển, những thỏa thuận có tính pháp lý cho các quốc gia, những cá nhân cắt giảm được sự phát thải, những chiến lược mới cho các nước nghèo trước sự biến đổi khí hậu và những ý tưởng để thế giới tự nhiên tồn tại trước những thay đổi bất thường.

Đây không chỉ là một cuốn sách. Nó là một phần của chiến lược hai năm nhằm huy động toàn thế giới chống lại sự biến đổi khí hậu . Với sự tham gia của rất nhiều thành viên của Worldwatch trên toàn thế giới, dự án này hiện đang nhắm tới những quốc gia chính là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Trong đó các đối tượng chính được nhắm đến bao gồm: những người làm luật, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, giới truyền thông, cộng đồng người thất nghiệp, và giới trẻ sống ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Worldwatch cũng có kế hoạch tạo ra một diễn đàn trực tuyến có thể giới thiệu nhiều ý tưởng hơn những gì cuốn sách này mang lại. Và Worldwatch sẽ ủng hộ cho một cuộc đối thoại tích cực về những giải pháp cho vấn đề khí hậu mà có thể thu hút tất cả mọi người từ Thủ tướng, những người lãnh đạo cấp cao đến mọi công dân quan tâm và cả thế hệ con cháu của họ.