Yên Bái: Thành công từ mô hình chuyển đổi

Là xã vùng thấp của huyện Văn Yên (Yên Bái), kinh tế của Ngòi A chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp. Trong những năm qua, địa phương đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 11%, phát huy tốt nội lực nên kinh tế của Ngòi A đang đà khởi sắc.

Là xã chiếm tới 80% số hộ dân làm kinh tế từ nông lâm nghiệp, do vậy việc vươn lên làm giàu bằng cây lúa, cây màu, trồng rừng được Đảng bộ, chính quyền ở đây đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, việc đưa các giống lúa lai, lúa thuần vào thâm canh được người dân áp dụng trên 10 năm qua, nhưng mỗi năm một khác, năng suất lúa cho thu hoạch năm sau đều cao hơn năm trước. Giống lúa ngắn ngày, kháng bệnh, chịu được hạn nhưng năng suất, chất lượng vẫn cao. So sánh với 10 năm về trước, cũng những cánh đồng này, vụ đông xuân hay vụ mùa cũng chỉ cho năng suất 30 đến 35 tạ/ha/vụ, thì nay diện tích lúa 2 vụ của Ngòi A được mở rộng lên 164ha với cơ cấu giống cấy ổn định, năng suất 52 tạ/ha/vụ.

Ngòi A chỉ đạo kiên quyết để nhân dân áp dụng tốt lịch gieo cấy và khung thời vụ, cơ cấu giống áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật (KHKT) để gieo cấy. Đặc biệt, là lúa mùa sớm để trồng ngô đông trên đất 2 lúa. Sản xuất lúa thuần có chất lượng cao, theo cơ cấu giống đã quy hoạch, sử dụng giống đã được lựa chọn và đưa vào gieo cấy để dần xây dựng thành thương hiệu hàng hoá khi bán ra thị trường.

Ngoài cây lúa, xã còn chỉ đạo cho nhân dân ổn định trồng diện tích cây ngô đông trồng trên đất 2 vụ lúa đạt 30ha trở lên; cây ngô hàng năm đạt trên 70ha, năng suất trung bình đạt 28 tạ/ha; rau màu các loại đạt trên 20ha, góp phần tăng giá trị kinh tế trên ha diện tích đất canh tác của địa phương, đạt 50 – 60 triệu đồng/năm.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây con, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay nhiều gia đình ở Ngòi A đã phá bỏ vườn tạp, cây ăn quả giá trị kinh tế thấp để trồng sắn cao sản. Diện tích sắn trong năm 2007 đạt tới 415ha, tổng sản lượng sắn tươi đạt 9.720 tấn, cây sắn đã cho thu nhập gần 10 tỷ đồng. Nhiều hộ còn sử dụng diện tích đất của gia đình để đào ao thả cá, trồng quế, bồ đề, keo, cải tạo chè…

Cùng với đó là phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, qua khảo sát, đàn trâu, bò xã có 848 con, đàn lợn 2.125 con và trên 22 ngàn con gia cầm các loại. Kinh tế phát triển đúng hướng góp phần đưa mức thu nhập đầu người của xã đạt 6 triệu đồng/người/năm. Xã có nhiều hộ đầu tư máy chế biến nông sản, đầu tư máy làm đất nông nghiệp, máy tuốt lúa, dịch vụ làm nghề mộc, mở lò sấy sắn vật liệu xây dựng… đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng.

Kinh tế phát triển, hệ thống giao thông của Ngòi A càng được xây dựng khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các vùng. Hệ thống kênh mương thuỷ lợi hàng năm được tăng cường kiên cố hoá, đáp ứng nhu cầu đủ nước tưới tiêu cho các cánh đồng. Nông nghiệp ở đây đã mang tính sản xuất hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân.

Hướng phát triển kinh tế năm 2008 của Ngòi A là nâng mức tăng trưởng kinh tế đạt 12%/năm; thu nhập trên 6 triệu đồng/người/năm; xây dựng mô hình thâm canh diện tích có thu nhập giá trị 60 triệu đồng/ha/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,4% mỗi năm… Với những quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền của địa phương, cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, Ngòi A đang vững bước trên con đường Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.