Nuôi cá trên núi

Mấy năm gần đây, nhờ Trường Cao đẳng Kinh tế – kỹ thuật Quảng Nam hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, cựu chiến binh Cơlâu Blưa, 70 tuổi, thôn Voòng, xã Tr’ Hy (Tây Giang) đã mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư, mở rộng diện tích ao nuôi. Đến nay, ông đã sở hữu 4 ao cá nước ngọt và hàng chục nghìn con cá giống…

Từ Trụ sở UBND xã Tr’Hy (Tây Giang) vào trang trại nuôi cá của già Cơlâu Blưa chưa đầy cây số, nhưng phải leo lên mấy ngọn đồi và băng qua hai con suối nhỏ. Cạnh nhà có ao cá rộng khoảng 1 sào, 3 ao còn lại nằm rải rác dưới chân núi. Cơlâu Blưa dẫn ra tận các ao cá, trước để “khoe” thành quả tạo lập được, sau muốn chuyển thông tin đến các đại biểu Quốc hội khóa XII nhân chuyến đoàn về tiếp xúc cử tri ở xã Tr’Hy vào ngày 22/04.

Già Cơlâu Blưa nói chắc như đinh đóng cột rằng, đồng bào vùng cao chắc chắn sẽ cải thiện đời sống từ mô hình nuôi cá, nếu Nhà nước có hướng đầu tư đúng. Già kể: “3 năm trước, già nuôi thí điểm 1 ao cá rô phi. Thời điểm này, thường xuyên có cán bộ kỹ thuật của tỉnh, huyện về hướng dẫn cách thức nuôi. Cán bộ bảo sao, già làm y vậy. Khoảng 3 tháng sau, họ lên lại và gật đầu khen ngợi cách nuôi cá mát tay của già. Họ tiếp tục đem giống lên hỗ trợ và khuyến khích già mở rộng ao nuôi”.

Ban đầu, già Cơlâu Blưa chỉ nuôi 2.000 con cá rô phi giống, giờ nuôi thả thêm cá chép, trắm cỏ… Từ năm 2006, ao cá của ông đã cung cấp cá giống cho toàn xã Tr’Hy. Thời điểm này, toàn xã có gần 60 hộ dân nuôi cá. Phần lớn bà con đều nuôi theo kiểu tự phát, chủ yếu cải thiện bữa ăn trong gia đình. Nắm bắt được nhu cầu này, Blưa đã không ngần ngại bỏ ra hơn 10 triệu đồng từ tiền bán trâu, bò để mua thêm cá giống. Đến 2007, già nhẩm tính bán trên dưới 20 nghìn con cá giống, thu về 40 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi gần 20 triệu đồng.

“Thiên nhiên, khí hậu vùng cao mát mẻ. Nguồn nước lại trong lành, không bị ô nhiễm… là những điều kiện thuận lợi cho mô hình nuôi cá nước ngọt phát triển. Ở đây, già nuôi cá quanh năm suốt tháng. Ngoài nguồn cá giống cung cấp, gia đình còn có cá để ăn và đãi khách” – già khẳng định.

Mô hình nuôi cá nước ngọt của Cơlâu Blưa thực sự đem lại giá trị kinh tế, tiếng lan khắp vùng khu 7 (thuộc các xã vùng biên giới của Tây Giang). Khách hàng liên tục đến đặt hàng, có thời điểm cung không đủ cầu. Theo nhiều người dân nuôi cá ở đây cho biết, mua cá giống của Blưa không sợ cá chết ngạt, giá cả cũng phải chăng, lại ít tốn công và chi phí vận chuyển.

Bà Cơlâu Bhơơch, một người dân nuôi cá nước ngọt ở đây, thổ lộ: “Cách đây 3 tháng, mình bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua cá chép của nhà Cơlâu Blưa về nuôi. Mình ưng cái bụng là, ổng đến tận nơi giúp mình kỹ thuật nuôi cá, chẳng khác như một cán bộ thực thụ. Cả làng này ai cũng quý ông ấy!”.

Trước đây, đồng bào Cơtu phải vất vả xuống đồng bằng mua cá giống, nhưng thường về đến nơi thì cá đã chết, hoặc thoi thóp, do vận chuyển đường rừng khó khăn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển bình thường của cá. Từ thực tế này, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh – Sở Thủy sản (nay thuộc Sở NN&PTNT) đã đầu tư một số trung tâm cung cấp cá giống ở các huyện miền núi, nhưng cũng chỉ ưu tiên ở nơi trung tâm thị trấn. Hiện tại, huyện Tây Giang vẫn chưa hình thành cơ sở mua, bán cá nước ngọt quy mô. Do vậy, mô hình nuôi thả cá nước ngọt của Cơlâu Blưa được xem là bước đột phá mới ở vùng biên.

Nhận xét về Blưa, Trưởng thôn Voòng Cơlâu Hhớ tấm tắc khen: “Ông ấy là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của địa phương. Không chỉ bán cá giống rẻ cho dân làng, ông còn không quản ngại đến các bản làng xa xôi, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho đồng bào. Từ lèo tèo vài hộ nuôi cá, đến nay, cả thôn Voòng (86 hộ, 377 nhân khẩu) đã nhân rộng mô hình này lên gần 30 hộ”. Đây là một tín hiệu vui đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Tây Giang.