Đồng Nai – Rừng xanh ngày càng mở rộng

ThienNhien.Net – Từ năm 1997, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định đóng cửa rừng và chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, Đồng Nai là một trong số ít địa phương được đánh giá là có tỷ lệ rừng che phủ cao. Trong đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2010 là đạt tỷ lệ che phủ rừng từ 27% lên 30%.

Tăng màu xanh của rừng

Rừng ở Đồng Nai khá đa dạng, phong phú, nhất là cây họ dầu – loài thực vật đặc trưng vùng Đông Nam bộ. Rừng nơi đây hình thành và phát triển trên những diện tích tập trung lớn, dọc các con sông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; điều hòa khí hậu; giữ được nước và giảm thiểu ô nhiễm…

Thực tế những năm qua, do được bảo vệ nghiêm ngặt nên diện tích rừng ở Đồng Nai không ngừng được nâng lên. Kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng vào cuối năm 2008 cho thấy, diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh có hơn 177 ngàn hécta (chiếm 30% diện tích tự nhiên của tỉnh). Trong đó, có hơn 145 ngàn hécta rừng, bao gồm: rừng tự nhiên 110 hécta (lấy số tròn), rừng trồng: 35 ngàn hécta và rừng tái sinh: 14 ngàn hécta. Về chức năng, rừng đặc dụng chiếm 99 ngàn hécta; rừng phòng hộ 40 ngàn hécta và rừng sản xuất 37 ngàn hécta.

Ngoài ra, Đồng Nai hiện còn có hơn 9 ngàn hécta rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp, do các đơn vị lực lượng vũ trang và các tổ chức, hộ gia đình đang quản lý, sử dụng. Đối với rừng tự nhiên, phần lớn nằm ở phía Bắc của tỉnh, thuộc trách nhiệm quản lý của Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu; Công ty lâm nghiệp La Ngà và Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú.

Có thể nói, quá trình tồn tại và phát triển, rừng ở Đồng Nai đã thực hiện tốt chức năng trong việc phòng hộ đầu nguồn; đảm bảo tỷ lệ che phủ hợp lý ở những nơi có độ dốc lớn như lưu vực hồ Trị An và các hồ thủy lợi, sông suối… Ngay cả ở những địa phương đang phát triển, việc quy hoạch mảng xanh cảnh quan ở các khu đô thị, khu công nghiệp cũng được quan tâm nên đã hạn chế được mức độ ô nhiễm không khí; đồng thời tạo nơi vui chơi, giải trí lành mạnh cho người dân.

Cơ sở nào để phát triển rừng bền vững?

Trong lần về kiểm tra rừng ở Đồng Nai mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị cho rằng, Đồng Nai là một trong số ít tỉnh trên cả nước giữ được rừng. Đây là cả quá trình nỗ lực của lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan chức năng và nhân dân trong công tác bảo vệ và phát triển vốn quý rừng. Đáng kể là nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Điều này chứng tỏ, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương thực hiện khá bài bản và có hiệu quả.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, để rừng ở Đồng Nai phát triển bền vững, điều khó nhất là làm sao đảm bảo được cuộc sống của những hộ dân quanh vùng đệm. Lâu nay, người nhận khoán bảo vệ rừng không thể sống tốt từ việc trồng và giữ rừng. Nguyên nhân là do các chính sách, cơ chế chưa thực sự thuyết phục. Vì vậy, ở một vài địa điểm của một số nơi có rừng, vẫn còn tình trạng người dân tác động đến rừng và làm tăng sức ép đối với chính quyền địa phương. Đây chính là những bất hợp lý mà Bộ sẽ phải tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới.

“Tôi nghĩ, nếu đời sống nhân dân ở những nơi có rừng được nâng cao; cuộc sống của CB,CNV làm công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng khá hơn; công tác phát triển du lịch sinh thái nhằm phát huy giá trị văn hóa, kinh tế trên địa bàn đạt hiệu quả… thì đây chính là cơ sở để duy trì rừng bền vững. Chiến lược này, không chỉ là yêu cầu của riêng Đồng Nai, mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam!” – Thứ trưởng nói.