Săn "báu vật lòng sông"

Dòng sông Nậm Mu đổ dọc huyện Than Uyên thuộc tỉnh Lai Châu là nơi sinh sống của cá chép lớn và đặc biệt là cá chiên – một loại cá quý hiếm được các nhà khoa học coi là "báu vật lòng sông". Thế nhưng, những “báu vật” này lại đang bị khai thác đến cạn kiệt. ThienNhien.Net xin giới thiệu bài viết của tác giả Yến Thanh đã đăng trên VTC News về vấn đề này.

Bây giờ mùa xuân nên dòng sông Nậm Mu đã cạn nước, lòng sông trơ ra toàn đá là đá, lởm chởm ngổn ngang khắp cả mọi nơi, nhưng không vì thế mà con nước về đây kém phần chảy xiết. Nó vẫn ầm ì, róc rách, chảy xuyên qua những ghềnh, những thác bên cạnh những dãy núi hùng vĩ, âm u, mọc toàn cỏ lau bạt ngàn…

Và cũng chính vào thời điểm này, khi con nước ở sông Nậm Mu đã bớt phần hung hãn thì cũng là lúc người dân sống ở dọc hai bên bờ sông bắt đầu bước vào mùa săn cá.

Về nơi có nguồn gen quý…

“Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên”, câu nói ấy quá đủ cho “hành trang” của tôi để đến với huyện miền núi nghèo nhất, xa nhất của tỉnh Lai Châu. Dù chưa một lần đến nhưng chỉ một lần nghe câu nói ấy, chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều mường tượng, hình dung ra rằng: nơi ấy, “nước độc rừng thiêng”, nơi ấy còn cách xa nền văn minh đến cả chục năm ròng.

Lên nơi ấy, những gì mắt thấy tai nghe, tôi còn biết ở đây lưu giữ một nguồn gen khá quý hiếm ở dòng sông Nậm Mu, về một trong hai loài cá nước ngọt lớn nhất Việt Nam. Đó là, loài cá Chép và cá Chiên.

Cá Chép ở sông Nậm Mu là một loài cá chép khá lớn. Bình quân, mỗi con nặng từ 5-7kg (có con nặng tới 10kg) sống thành từng đàn theo dọc dòng sông. Một loài cá khổng lồ khác nữa là cá Chiên (trông nó tựa loài cá trê nhưng lớn hơn gấp rất nhiều lần) trung bình mỗi con cá Chiên nặng từ 25-40kg.

Con sông Nậm Mu bắt nguồn từ đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên, chảy ngoằn ngoèo qua địa phận của xã Ta Gia, Khoen On, Tà Hứa, Pa Mu, Tà Mít… thuộc huyện Than Uyên (Lai Châu) rồi đổ vào con sông Đà rộng lớn. Đây là nơi sinh sống của 8 dân tộc trong huyện (bao gồm Mông, Lào, Khơ Mú, La Hủ, Kháng v.v…) và cũng chính dòng sông này đã cho những sản vật nuôi sống không biết bao nhiêu con người bám dọc các dòng sông.

Bình thường, dòng Nậm Mu hiền lành chảy qua các rặng núi. Chỉ khi lũ đổ về thì dòng nước ở đây mới trở nên vô cùng hung dữ, nước cuồn cuộn chảy, những hòn cuội cứ lăn rầm rầm. Dường như bao nhiêu đá ở dãy Hoàng Liên Sơn đều lũ lượt kéo về đây làm xáo trộn hết dưới lòng sông. Sau mỗi mùa lũ người dân ở đây gọi là mùa đá mọc. Nhưng không chỉ có đá mà mỗi mùa lũ đổ về còn mang theo rất nhiều các loại cá, đó là sản phẩm mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây.

Câu chuyện của phường săn

Đầu xuân, sương mù giăng rắc trên những tán cây trên những cánh rừng già dọc hai bên bờ sông. Hai chiếc thuyền độc mộc lao vun vút, như xé đôi dòng nước yên lặng, chở tôi cùng đám phường săn cá lao về phía thượng nguồn dòng sông Nậm Mu.

Bây giờ khoảng 9 giờ sáng, những đám sương mù còn bay lảng vảng trên những tán cây dọc hai bên bờ sông, khiến chúng tôi không còn nhìn rõ được cảnh vật ở trên cao nữa. Con thuyền lắc lư, lách một cách thiện nghệ qua những tảng đá. Tựa như một người nghệ sĩ múa, người chèo thuyền chở tôi có cái tên mà khiến tôi đọc mãi mới đúng: Lò Văn Cưn.

Theo anh Cưn và đám phường săn của anh kể lại: “Vào những năm trước đây mỗi lần đến mùa, đám phường săn lại thắp hương để cùng nhau bước vào mùa săn cá. Mùa săn bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, trong mỗi lần đi săn như vậy đám phường săn của các anh đi về mỗi chuyến không dưới một tấn cá.

Có những năm “trúng lớn” phường săn các anh bắt được hàng chục con cá Chiên nặng từ 30-40kg, trông nó mốc thếch, mỗi khi vận chuyển thì một người vác nặng. Nhưng mấy năm trở lại đây, lượng cá ở sông Nậm Mu ít dần, bởi nạn đánh bắt vô độ và nhất là một số người dùng thuốc nổ để đánh cá dẫn đến sự hủy diệt hàng loạt các loài sinh vật ở đây.

Chính vì thế, đám phường săn của các anh họp lại, cùng những người dân sống ở các xã có con sông Nậm Mu chảy qua đã xây dựng một “hương ước” cấm nghiêm ngặt việc dùng chất nổ để đánh cá. Nếu ai vi phạm bắt được sẽ bị dân bản phạt thật nặng.

Mải trò chuyện, chiếc thuyền đã đưa tôi đến một khoảng sông khá rộng, nước xanh leo lẻo nhìn rõ những đám rêu đá mọc khá dầy dưới làn nước. Lúc này mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, dưới cái ánh nắng gay gắt, khung cảnh ở đây hiện ra khá hùng vĩ. Từng dãy núi đá sừng sững soi bóng xuống dưới dòng sông.

Anh Cưn buông chèo, để thuyền trôi một cách tự nhiên, rồi ra hiệu cho đám phường săn cập bến. Nhảy xuống, lấy đồ nghề ở trên thuyền lên, anh lựa một phiến đá bằng phẳng trông thật đẹp rồi bảo tôi và đám phường săn nghỉ ngơi cho lại sức để chuẩn bị bước vào “cuộc chiến”. Gói cơm nắm được mở ra, có rượu, có thịt, cả đám phường săn cùng nâng chén cầu chúc cho đợt săn được an toàn, may mắn, cầu cho thần sông phù hộ cho phường săn…

Cởi bỏ quần áo, anh Cưn cùng hai người nữa, bắt đầu lấy thính ra làm mồi ỏi cá. (Thính ở đây được làm bằng sắn được ủ thối cùng mầm thóc, đây là loại thức ăn mà cá chép và cá chiên rất thích). Anh Cưn vừa thả từng vốc xuống lòng sông, thả thính xong, anh Cưn cùng hai người ở đám phường săn bẻ cành lá cùng mấy cây nứa mang theo để đánh dấu. Cắm 4 cây nứa làm thành từng ô vuông, anh bắt đầu giăng chài, chiếc chài của đám phường săn khá rộng và to do các anh tự làm lấy.

Theo anh Cưn, người giăng chài phải là người giỏi nhất của đám phường săn, giăng chài làm sao khi cá vào ăn, thấy động, chài rơi tự do xuống phải đều, nhanh, khiến cho cá không sao chạy thoát được.

“Thịt” nguồn gien quý

Mất cả tiếng đồng hồ, gần chục chiếc chài đã được giăng xong. Các anh bơi lại chỗ tôi ngồi, trèo lên, nghỉ ngơi, đốt thuốc vặt, chờ đợi. Đây là giây phút hiếm hoi nhất của đám phường săn. Bỗng cành cây đánh dấu chỗ rắc thính ở ngay chỗ chúng tôi ngồi động đậy, rồi “ùm” nước bắn tung tóe. Nhanh như cắt các anh lao người xuống ngụp lặn như những con rái cá. Trong làn nước xanh thăm thẳm ấy, hết lặn lên, lại ngụp xuống.

Mỗi người đưa ánh mắt căng thẳng nhìn nhau, không ai nói một lời nào, cứ người kia trồi lên, người khác lại ngụp xuống. Rồi chiếc chài từ từ được kéo lên, hai người trong đám phường săn vừa giữ sao cho chặt, vừa giúp anh Cưn kéo chài lên. Chiếc chài đã được kéo lên phân nửa, tôi nhìn thấy một con cá chép nặng chừng 6-7 kg đang cố mình quẫy đạp làm nước bắn tung tóe. Vất vả lắm các anh mới đưa được con cá chép đến chỗ tôi ngồi. Lúc này, mới thấy các anh mỉm cười và nói: “Bây giờ “cuộc chiến” mới bắt đầu…”.

Nậm Mu

Liên tục có những chiếc chài chỗ các anh được thả rơi xuống. Mỗi lần như vậy, các anh lại nhanh chóng lao người xuống, quẫy đạp, vật lộn, vất lên bờ chỗ tôi ngồi những con cá chép nặng gần chục cân.

Chẳng mấy chốc, xung quanh chỗ tôi ngồi đã có khoảng hơn chục con cá chép, đỏ au, đang quẫy đạp một cách vô vọng. Mải ngắm nhìn đống cá, bỗng tôi giật mình bởi tiếng quát của anh Cưn : “Có cá chiên đấy! ” Sau tiếng quát của anh Cưn là một tiếng “ùm” khá lớn của chiếc chài rơi xuống, dòng nước bỗng sủi lên ùng ục, một vệt cày dài dưới làn nước của chú cá chiên vướng chài lao thục mạng, anh Cưn dường như đã đoán được ý đồ của con cá. Mặc cho nó lao loạn xạ, anh cùng mấy người trong đám phường săn giữ chặt chiếc chài ghì xuống dưới đất. Mất một lúc khá lâu vật lộn, con cá dường như đã thấm mệt, những cú lao thục mạng cứ đuối dần, đuối dần… rồi im hẳn.

Đến lúc này, anh Cưn mới cầm một chiếc móc sắn mà anh tự chế lấy, lần tìm đến gần chỗ con cá, ấn mạnh xuống bởi đôi bàn tay to khoẻ nổi những đường gân guốc trông tựa như rễ cây rừng, khuôn mặt anh đỏ au bỗng chốc chuyển màu từ đỏ sang tái. Thấy đau, con cá quẫy mạnh khiến anh Cưn ngã vật ra đằng sau. Mấy lần làm đi làm lại con cá đuối sức hẳn, các anh mới kéo lại gần bờ.

Trước mắt tôi là một con cá Chiên khổng lồ, nặng chừng khoảng 30kg (có lẽ nó là con cá nước ngọt lớn nhất từ trước đến giờ mà tôi đã được nhìn thấy). Mình nó mốc thếch, trên lưng phủ một lớp rêu xanh, sợi râu của nó tôi đo phải được gần 20cm. Nó to đến mức anh Cưn phải ghé vai vác nó vất lên đống cá chỗ tôi ngồi.

Sau một ngày vật lộn cùng đám phường săn, khi mặt trời đã khuất dần sau những rặng núi, anh Cưn giục chúng tôi chuẩn bị ra về, để còn kịp mang cá ra chợ bán. Chiếc thuyền độc mộc xuôi dòng trở trên mình nó ngoài chúng tôi còn có thêm những chú cá chép, cá chiên mà đám phường săn vừa bắt được. Anh Cưn cười lớn, tiếng cười lan dần trên mặt nước.

Những người thợ săn luôn sảng khoái như những hảo hán trong Thủy Hử vậy, họ không mấy quan tâm đến một ngày không xa nguồn gien quý hiếm này sẽ biến mất.

Rồi mai đây hậu thế sẽ oán trách chúng ta về điều đó…