Hà Tĩnh: Nóng bỏng nạn khai thác quặng trái phép

Tự ý mở đường vào khu vực có quặng, đào bới quặng làm lở cả núi, cạn cả hồ, thậm chí ngang nhiên thu gom tuyển quặng ngay trước mắt chính quyền… Điều đó cho thấy sự nóng bỏng của nạn khai thác quặng trái phép đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Thủ đoạn tinh vi

Từ giữa năm 2007 đến nay, việc khai thác mua bán vận chuyển quặng sắt, quặng măng-gan trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) diễn ra hết sức phức tạp. Các chủ đầu nậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xúi giục người dân tiến hành khai thác.

Chẳng hạn tại địa bàn xóm 6 xã Đức An (huyện Đức Thọ), chủ đầu nậu dùng thủ đoạn mua lại vườn tạp rồi tiến hành đào đắp cải tạo vườn nhưng thực chất là đào bới quặng. Một số nơi ở Nghi Xuân, Lộc Hà, đầu nậu sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để người dân “thấy của hám lợi” bất chấp luật pháp.

Không phải ngẫu nhiên mà ở xã Tân Lộc huyện Lộc Hà, người dân ngang nhiên mở đường giữa lòng hồ Khe Hao, đưa máy xúc, xe ô tô tải trọng lớn tiến hành đào bới cả ngày lẫn đêm. Diện tích đào bới ở khu vực hồ Khe Hao hiện đã lên tới 2000 m2, với lượng quặng nguyên khai thất thoát lên tới 3000 m3. Khi nước hồ Khe Hao dâng cao, người dân huy động hàng chục chiếc thuyền vận chuyển tấp nập giữa lòng hồ.

Tại xã Cương Gián huyện Nghi Xuân, người dân còn liều lĩnh hơn khi xẻ một con đường dài 3 km từ cửa rừng vào khu vực có quặng, rồi ngang nhiên chặn suối đắp hồ lấy nước rửa quặng. Chỉ trong vòng vài tháng nơi đây đã có khoảng 1000 m2 diện tích bị đào bới với 1000 m3 quặng măng-gan nguyên khai được chở đi.

Tại xã Phú Lộc (Can Lộc) người dân bỏ cả công việc đồng áng đổ xô lên khu vực Núi Bụt đào quặng. Hàng trăm con người đã biến Núi Bụt nhanh chóng trở thành hòn núi nham nhở chỉ trong vòng 3 tháng. Từ tháng 02/2008 đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ lượng quặng từ Núi Bụt lên tới 35 tấn, thế nhưng trong thực tế quặng măng – gan “bốc hơi” từ Núi Bụt còn lớn gấp nhiều lần…

Theo điều tra, hầu hết lượng quặng nguyên khai sau khi khai thác trái phép được đóng vào bao xi măng rồi vận chuyển ra thành phố Vinh tỉnh Nghệ An tiêu thụ. Địa điểm tập kết nhiều nhất là khu vực Núi Quyết phường Bến Thuỷ – Thành phố Vinh.

Chính quyền thờ ơ

Được biết, lượng khoáng sản măng –gan trên địa bàn Hà Tĩnh đã được khảo sát đánh giá và lập bản đồ hiện trạng. UBND tỉnh đã chính thức giao cho Tổng công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh lập kế hoạch khai thác từ nhiều năm qua.

Chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm giám sát quản lý mọi hoạt động khai thác vận chuyển chế biến tài nguyên trên địa bàn. Thế nhưng đáng tiếc là lãnh đạo các địa phương lại hết sức thờ ơ. Trong khi đó Tổng công ty Khoáng sản thương mại dù rất “xót của” nhưng vì nhiều lý do tế nhị trong mối quan hệ với địa phương nên trong nhiều trường hợp đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hậu quả là nạn khai thác quặng măng-gan và quặng sắt ngày càng lan rộng.

Một số nơi như xã Phú Lộc (Can Lộc), xã Đức An (Đức Thọ), không biết vô tình hay hữu ý, chính quyền địa phương còn đồng ý cho các chủ đầu nậu vào mua đất ở những nơi có quặng, dù liên tục được cảnh báo rằng việc mua đất cải tạo vườn tạp chỉ là hành vi lợi dụng.

Ông Phạm Như Tâm –Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh bức xúc: “Địa phương biết mà vẫn cho đầu nậu vào mua bán những ô đất có quặng thức chất là hành vi tiếp tay. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng tôi”.

Không những khai thác, chủ đầu nậu còn ngang nhiên tiến hành các hoạt động tuyển quặng, chế biến quặng ngay tại địa bàn như một sự thách thức.

Chẳng hạn từ tháng 03/2008 lại nay, tại khu vực bờ nam Sông Lam (cạnh khách sạn Sinh Thái, xã Xuân An huyện Nghi Xuân), có một tổ chức không rõ lai lịch đứng ra thu mua, tuyển quặng. Tổ chức này đã tập kết tới hơn 1000 m3 quặng nguyên khai, sử dụng một máy rửa cánh vuông và một máy xúc để tuyển quặng. Toàn bộ bùn đất chất thải đổ xuống Sông Lam. Vậy nhưng chính quyền xã Xuân An và huyện Nghi Xuân lại không hề hay biết (?).

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Sở Tài nguyên môi trường, Công an tỉnh, chính quyền các địa phương phối hợp cùng Tổng công ty Khoáng sản thương mại có biện pháp ngăn chặn. Trên thực tế lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ được một số trường hợp với lượng quặng bị thu giữ lên tới gần 100 tấn. Thế nhưng bắt chỗ này dân lại đào chỗ khác. Hàng trăm hàng ngàn tấn quặng cứ thế “đội nón ra đi”. Tài nguyên quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng.

Theo ông Võ Kim Cự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thì đây là điều không thể chấp nhận được đối với bộ máy quản lý. Do vậy trong thời gian tới Uỷ ban tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý mạnh tay và đâu đó nếu có dấu hiệu tiếp tay thì sẵn sàng kỷ luật cán bộ.