Biến đổi khí hậu đã về đến Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Bên lề hội thảo “Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam” vào cuối tháng 2 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận xét biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh đến Tây Nguyên. Một trong những nguyên nhân tăng nhanh tác động của biến đổi khí hậu đến cuộc sống người dân chính là dòng chảy di dân. Dân di cư tự do đến nơi ở mới cần có đất, vậy là họ phá rừng không theo một kế hoạch nào. Rừng mất đi khiến hạn hán lũ lụt ngày càng khó kiểm soát…

Những chuyện chưa từng xảy ra

Mới 4h chiều, bầu trời xầm xì, những đám mây đen lang thang khắp nơi trên xã Đắk Sin, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. Trời u ám như những ngày lạnh giá nhất của Hà Nội. Màu xanh của điều, cà phê, tiêu cũng nhuộm sắc buồn. Vậy mà lãnh đạo xã đều mừng rỡ. Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Văn Quyền vừa bước chân thoăn thoắt ra khỏi phòng vừa nói: “Trời thế này là sắp mưa rồi”. Chủ tịch UBND xã Hoàng Xuân Quý cười tươi, giải thích với chúng tôi: “Mỗi cơn mưa trái mùa tiết kiệm cho chúng tôi biết bao nhiêu tiền tưới. Mỗi lần tưới cũng mất đến 2,8 triệu đồng tiền dầu, chưa kể tiền nhân công đang lên. Có ngày phải tưới tới 6 lần.

 Tây Nguyên
Mây đen lấn át màu xanh của bầu trời

Ngoài việc hành chính ở xã, hầu hết lãnh đạo xã Đắk Sin đều có vài ha trang trại trồng cây công nghiệp. Bởi vậy, họ cũng rất quan tâm đến chuyển biến của thời tiết. Anh Quý bảo: “Khô hạn thì mệt nhà nông lắm. Khí hậu ngày càng khô hạn khắc nghiệt, trồng điều, cà phê, tiêu mà không tưới nước thì đừng nói chuyện thu hoạch. Chúng tôi giờ lúc nào cũng mong mưa”. Mong muốn đó có cơ sở vì trong 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học luôn đưa ra cảnh báo về tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên.

Vào cùng thời điểm này năm ngoái, ông Ngô Chí Bình, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: “Tháng 3, cả Tây Nguyên đang đối diện với một mùa khô khốc kiệt. Mưa ít và kết thúc sớm khiến mực nước và lượng nước trên các hệ thống sông, suối, hồ đập chính ở Tây Nguyên hụt nhanh. Tại tỉnh Đắk Lắk, hai con sông lớn chảy qua tỉnh là Serepốk và Krông Ana, mực nước chỉ còn dưới 60% so với cùng kỳ nhiều năm”.

 Tây Nguyên
Tiêu sống leo lét trên thân cây rừng

Khô hạn kéo dài khiến công sức lao động đằng đẵng mấy tháng trời của người nông dân cứ thế trôi tuột. Theo báo cáo sơ bộ của Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trên 2.000 ha cây trồng vụ đông xuân, trong đó chủ yếu lúa nước, bị khô hạn, mất trắng; trên 2.000ha cây cà phê bị thiếu nước khô héo, rủ lá. Nhiều xã như Ea Yông (huyện Krông Pách), 143 ha lúa nước bị khô cháy (mất trắng trên 90ha); 312ha cà phê thiếu nước trầm trọng.

Bên cạnh đó, thời tiết khô nóng tại khu vực Tây Nguyên khiến số điểm cháy rừng tăng đột biến. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 2 ngày 12 và 13/3/2008, đã có 86 điểm cháy rừng trên toàn quốc. Bốn tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên cũng là nơi có số điểm cháy rừng xảy ra nhiều nhất.

Yếu tố bất thường xuất hiện thường xuyên khiến việc dự báo thời tiết trở thành trở nên khó khăn hơn. Mới đây, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thời tiết Tây Nguyên sẽ có mưa rào và giông rải rác, nhưng không ngờ mưa lớn và có cả mưa đá đã trút xuống thị xã Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Đắk Hà. Nhiều tuyến đường của thị xã Kon Tum ngập chìm trong biển nước. Nhiều diện tích lúa, cà phê của bà con nông dân bị dập nát.

Bà Nguyễn Thị Hiền Thuận, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học KT-TV&MT tại TPHCM, cho biết: Trong 3 tháng cuối năm 2007, lượng mưa ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên vượt từ 100% – 150% so với trung bình nhiều năm đã gây ra sáu trận lụt liên tiếp chưa từng có ở khu vực này.

Trận lũ tháng 08/2007 ở hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk làm hơn 20 người thiệt mạng, nhấn chìm hàng ngàn căn nhà cùng hàng trăm ngàn ha hoa màu.

Không chỉ hạn hán mà lũ lụt cũng ngày càng trở nên quen thuộc một cách bất đắc dĩ với người dân nơi đây.

Có thể di dân theo diện rộng

Các nhà khoa học đã từng đề cập đến những dấu hiệu của biến đổi khí hậu cách đây hơn 10 năm. Trong bài báo “Biến đổi dị thường của thời tiết, khí hậu thủy văn ở Tây Nguyên”, kỹ sư Nguyễn Văn Thường, Đài Khí tượng – Thủy văn Tây Nguyên, nhận định: “Năm 1997 thời tiết khí hậu thủy văn ở Tây Nguyên có những biến dị khác thường. Nhiều người cho rằng: Đó là sự biến đổi khí hậu đột biến hay điểm nút của một chu kỳ khí hậu”.

TSKH. Nguyễn Duy Chinh, Viện Khí tượng thủy văn cũng đề cập đến sự biến đổi khí hậu Tây Nguyên trong nghiên cứu “Dao động và biến đổi khí hậu ở Việt Nam” (1995-1999). Ông khẳng định: “Có một “mùa khô thực sự” (từ tháng 12 đến tháng 3) ở Tây Nguyên”.

Cùng với thời gian, ngày càng có nhiều nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở vùng đất đầy nắng và gió này. Trong báo cáo “Biến đổi khí hậu và khả năng thích nghi với những tác động” thuộc tuyển tập báo cáo Hội thảo Khoa học Viện Khí tượng Thủy văn (năm 2004), kỹ sư Lê Nguyên Tường nhận xét: “Tây Nguyên hầu như năm nào cũng có hạn gay gắt hơn trong mùa khô. Các thập kỷ gần đây hạn có phần nhiều hơn các thập kỷ trước.”

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường xếp Tây Nguyên vào “vùng thường xuyên bị hạn hán và đang có xu thế hoang mạc hóa”. Pleiku, và đặc biệt là Buôn Ma Thuột, luôn đạt kỷ lục về sự thiếu hụt lượng mưa trong các đợt El Nino.

Ông Lê Nguyên Tường, trưởng Phòng khoa học đào tạo và hợp tác quốc tế, Viện Khí tượng thủy văn cho biết: El Nino là hiện tượng nóng lên bất thường của nhiệt độ mặt nước biển Thái Bình Dương, làm thay đổi hoàn lưu khí quyển. Năm 1997 – 1998, Hiện tượng El Nino đã gây ra hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ với thiệt hại 312 triệu USD.

Trong 11 đợt El Nino ở Việt Nam diễn ra gần đây, riêng Buôn Ma Thuột có 10 đợt. Buôn Ma Thuột cũng là vùng có thời gian thiếu hụt lượng mưa kéo dài kỷ lục trong 1 đợt El Nino: 13 tháng (4/1991 – 4/1992), và có mức thâm hụt lượng mưa lớn nhất trong 1 đợt El Nino (69%) (1968 – 1970).

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – nhận xét một trong những nguyên nhân tăng nhanh tác động của biến đổi khí hậu đến cuộc sống người dân ở Tây nguyên chính là dòng chảy di dân. Dân di cư tự do đến nơi ở mới cần có đất ở và đất sản xuất, họ phá rừng không theo một kế hoạch nào. Rừng mất đi khiến hạn hán lũ lụt ngày càng khó kiểm soát.

 Tây nguyên
Con người sẽ đi đâu khi chặt phá hết rừng?

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Hòe thường xuyên nhấn mạnh đến nguy cơ khởi phát luồng di dân trên diện rộng do biến đổi khí hậu. Bởi vì “đất lành chim đậu”. Con người luôn có xu hướng tìm đến nơi ở có lợi cho mình. Điều này không sai nhưng khi đến nơi ở mới, họ tiếp tục các hoạt động phá vỡ môi trường như từng làm ở nơi ở cũ để phục vụ nhu cầu cá nhân. Mọi thứ lặp lại, mảnh đất mới sẽ lại trở thành “đất dữ” như đất cũ và con người lại di cư. Đất lành ngày càng ít, hạn hán lũ lụt ngày càng nhiều. Những cuộc di cư sẽ ngày càng nhiều trên diện rộng và tranh chấp đất đai sẽ gia tăng. Nếu con người không học cách chung sống hòa bình với môi trường, bảo vệ môi trường thì sẽ chịu nhiều hậu quả hơn từ biến đổi khí hậu. Lúc đó, sẽ không thể kiểm soát được biến đổi khí hậu.

Vị giáo sư nhiều năm nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh quốc gia khẳng định: “Tôi tin rằng chúng ta không thể quản trị được biến đổi khí hậu nhưng chúng ta có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu. Hiện nay, khi biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề bức xúc thì thái độ thờ ơ và vô tư là không thể chấp nhận được”.

“Chiến lược Quốc gia của Việt Nam về Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” nhấn mạnh: Cần nâng cao khả năng, mức chống lũ của đê miền Trung, Tây Nguyên.