Trao giải thưởng báo chí viết về môi trường

Sáng 29/04, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ trao giải thưởng cho các tác phẩm báo chí đoạt giải trong cuộc thi “Giải thưởng báo chí viết về môi trường” năm 2007. Giải thưởng là sự ghi nhận nỗ lực của các cá nhân, tập thể cơ quan thông tin đại chúng có thành tích trong việc nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường.

Giải thưởng báo chí viết về môi trường được phát động từ tháng 1 đến tháng 12/2007, thu hút 200 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi đã thể hiện được những vấn đề nóng về môi trường hiện nay như rác thải, phá rừng, buôn bán động vật quý hiếm. Sau hơn 1 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 200 bài viết có chất lượng từ hàng chục cơ quan báo chí khắp cả nước.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm tham gia cuộc thi năm nay có chất lượng tốt hơn năm ngoái. Nhiều tác phẩm đã có tính định hướng và tìm ra các giải pháp hữu ích để bảo vệ môi trường. Kết quả, có ba giải A, 5 giải B, 10 giải khuyến khích và 10 giải tập thể.

Các phóng viên đoạt giải cao nhất là Dương Thanh Tùng (báo Thanh Tra) với tác phẩm “Vĩnh Phúc: Của “trời cho” và một dự án “trò chơi”; Phương Liễu (báo Đồng Nai) với tác phẩm “Dịch vụ rác thải công nghiệp-ai quản lý” và phóng viên Phạm Huyền (báo An ninh Thủ đô) với tác phẩm “Nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ lò cao” và ” Xót xa việc nhập rác”.

Những bài báo về Dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo; Xử lý rác thải khu công nghiệp Biên Hoà hay Những sai phạm trong việc nhập khẩu phế liệu của 1 doanh nghiệp tại Hưng Yên… viết năm 2007 đã nhận được phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng, sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận.

Giải thưởng “Báo chí viết về môi trường” là một hoạt động của giới truyền thông, phục vụ cho chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Từ giải thưởng đầu tiên này, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) dự định sẽ tổ chức thành cuộc thi thường niên.

Phát biểu tại lễ trao giải, đại diện Ban tổ chức cuộc thi nhận xét: “Trong tổng số hơn 200 bài viết mà Ban tổ chức đã nhận được, có rất nhiều bài viết chất lượng, mang tính chất dự báo – cảnh tỉnh dư luận khi môi trường bị xâm hại. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số bài viết “dễ dãi”, chỉ sử dụng các tư liệu có sẵn nên bài viết chưa thực sự sâu sắc và bộc lộ sự thiếu hiểu biết của nhà báo, phóng viên về đề tài môi trường”.