Làng “đội đá”

Làng Thượng Lâm (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nằm ở km 28 Quốc lộ 9. Cả làng có 240 hộ thì đã đến 200 hộ kiếm sống bằng nghề khai thác, bốc vác đá thuê. Nhiều người gọi làng này là làng đội đá kiếm cơm. Để kiếm được mỗi ngày vài chục ngàn đồng, không ít người dân của làng Thượng Lâm phải mất mạng hoặc bị tai nạn mang thương tật suốt đời.

Suốt đời làm thuê

Ầm ầm ầm, làng Thượng Lâm lại rung lên vì tiếng nổ mìn đánh đá mỗi ngày ở 4 mỏ đá xung quanh.Nhiều người phải giật mình, ngồi co người lại khi nghe tiếng mìn nổ quá gần. Một phụ nữ bán quán bên đường nói con của chị hồi mới sinh nhiều hôm đang ngủ trong nôi bỗng khóc thét lên vì chưa quen tiếng nổ chát tai như vậy. Người lớn ở đây nghe mìn nổ cả ngày rồi nên quen riết.

Bước ra mỏ đá, chị Phan Thị Lợi, 45 tuổi: “Đi bốc vác đá thuê mỗi ngày kiếm được 30 ngàn đồng. Tối về đến nhà cả người mệt mỏi đau nhức vì làm công việc quá sức mình. Nhưng không bốc đá thuê thì biết làm gì để sống? ” Cách nay một năm, chồng chị Lợi đột ngột qua đời vì một tai nạn. Hai con của chị một cháu bệnh tim nặng. Tiền làm đá mỗi ngày không đủ mua thuốc cho con. Tết vừa qua gia đình chị không có Tết. Với nhà nghèo như chị, Tết đến là buồn. Với chị, mỗi ngày nghỉ Tết bị mất đi ba mươi ngàn đồng. Chưa kể những ngày chị ốm thì coi như mấy mẹ con chẳng có cái để ăn.

Tại mỏ đá lèn 1, ông Nguyễn Văn Khoa làm tổ trưởng cùng 12 người đang bốc vác đá thuê. Ông Khoa nhận khoán lại của một chủ đá. Bốc đầy mỗi xe ô tô đá được 45 ngàn đồng. Mỗi ngày trung bình mỗi người bốc được một xe. Nhưng không phải ngày nào cũng có việc để làm. Sống với nghề làm đá biết khổ cực, nguy hiểm, cái chết có thể xảy ra bất cứ khi nào nhưng vẫn không có ai từ chối cái nghề nặng nhọc này. Hoàn cảnh của gia đình ông Khoa cùng hơn mười người còn lại trong tổ bốc vác đá này chẳng có ai sung sướng. Họ đi làm đầu tắt mặt tối suốt ngày mong kiếm đủ bữa ăn cho gia đình.

Không bảo hiểm, không hợp đồng

Chỉ tay về những người đang bốc vác đá, ông Nguyễn Phương Vũ – Phó Bí thư Chi bộ làng Thượng Lâm, nói: “Đa số người dân làng Thượng Lâm đi làm thuê ở các mỏ đá chẳng ai có bảo hiểm, hợp đồng lao động. Ai kêu gì làm đó, miễn sao tối ngày bà con có tiền mang về mua gạo cho gia. Nhiều người đang bốc vác đá ở lèn 1 (phần khai thác của Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông) khi hỏi cho biết không có ai ký hợp đồng lao động với các chủ đá. Họ làm việc thời vụ. Không có việc làm nên khi nghe chủ đá kêu đi bốc vác, quá mừng nên chẳng ai đòi hỏi phải có hợp đồng lao động và bảo hiểm.

Cắt nghĩa cho cái sự liều mạng của người dân, ông Nguyễn Phương Vũ cho biết do điều kiện sống của bà con quá khó khăn. Cả làng có 240 hộ nhưng không có ruộng, nương rẫy, đất nông nghiệp cũng không có. Toàn bộ chỉ có 7 ha đất chia đều ra cho bà con làm nhà ở. Vậy nên người dân làng Thượng Lâm đa số đi bốc đá thuê.

Ông Vũ băn khoăn: “Thế hệ thanh niên của làng lớn lên rồi không có việc để làm. Các công ty dần dần cơ giới hóa máy móc, không còn bốc vác đá bằng thủ công như hiện tại thì người dân làng miền núi này không biết làm gì mà ăn. Không sống nổi với nghề đá, nhiều người dân trong làng đã dời nhà đi chỗ khác mong kiếm được việc làm đỡ hơn”.

Liên tiếp xảy ra tai nạn

Cả làng Thượng Lâm có hàng chục người bị thương và chết vì khai thác đá. Tôi đến nhà nạn nhân Nguyễn Hòa Thuận, ở ngay đầu làng. Mới ngoài 50 nhưng trông ông Thuận già hơn tuổi rất nhiều. Suốt cuộc đời sống với nghề đá cho đến khi tai nạn xảy ra ông Thuận cũng không xây nổi ngôi nhà cấp bốn cho vợ con ở. Ông kể cách đây mấy năm ông làm thuê bốc vác đá cho Công ty TNHH Minh Hưng. Một hôm đang bốc đá thì bị một hòn đá từ trên mỏ rơi xuống trúng ngay trán, ông đổ người xuống không biết gì nữa.

Tai nạn xảy ra, phía công ty TNHH Minh Hưng bồi thường cho ông 5 trăm nghìn đồng rồi phủi tay. Vợ con ông phải vay đến 22 triệu đồng lo tiền thuốc thang cho chồng đến nay vẫn chưa trả xong nợ. Bà Mai Thị Ngoạt, vợ ông Thuận mỗi ngày phải đi bốc đá thuê kiếm tiền nuôi chồng thương tật và 2 con.Tôi hỏi không sợ chết hay sao mà cứ tiếp tục nghề nguy hiểm này? Bà Ngoạt thở dài và hỏi lại tôi:“Không bốc vác đá thuê thì làm việc gì để kiếm ra tiền nuôi sống gia đình?” Nói rồi bà chỉ tay về phía trước: “Nhà ở ngay cạnh gia đình tôi cũng có người vừa bị tai nạn ở mỏ đá ”

Tai nạn từ các mỏ đá ập đến với người dân làng Thượng Lâm đủ tình huống nên không biết đâu mà tránh. Ông Lê Xuân Thành, 51 tuổi – Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) chỉ vào đầu của mình, nói: “Cách đây gần một năm, tôi bị đá từ trên lèn 1 bay vào đầu, may nhờ cái mũ cối cản bớt. Hôm ấy tôi đi làm về, khi đến đoạn Công ty Cổ phần xây dựng Giao thông Quảng Trị báo hiệu mọi người đi trên Quốc lộ 9 phải dừng lại vì đang đánh đá, vẫn lo sợ, tôi đứng lùi thêm 10 mét nữa so với điểm an toàn nhưng viên đá to bằng nắm tay từ điểm đánh đá vẫn bay trúng ngay chiếc mũ cối rồi đập vào phần bụng”. Gia đình phải đưa ông Thành cấp cứu, phẫu thuật hai lần ở bệnh viện Quảng Trị, kinh phí điều trị hết 8,6 triệu đồng.

Rồi làng đá chứng kiến cảnh cháu Trần Phương Thảo, 11 tuổi chuẩn bị bó nhang đi thắp hương cho bố tôi thấy thật xót xa. Cách đây hai năm, anh Trần Duy Minh, bố của cháu qua đời vì một tai nạn lao động trong lúc làm việc đá tại mỏ đá ở lèn 1. Bên vệ đường km 28, hai nông dân vừa rời khỏi mỏ đá đưa tay quệt vội vào quần rồi bưng tô cơm ra ăn. Họ tranh thủ nghỉ một tí để bắt đầu vào làm ca chiều từ 12h 45 phút. Gạn hỏi tên mấy lần, người phụ nữ không chịu nói và không dám kể hết sự gian khổ của đời bốc đá kiếm cơm vì sợ chủ đá đuổi việc.