Gã trai đi múc nước cống

Sài Gòn giữa trưa nắng như lửa đốt, người ta thường thấy một gã trai khệ nệ xách chiếc thùng nhựa to tướng đi múc nước cống… Gã trai làm chuyện lạ đời ấy là kỹ sư trẻ Doãn Bá Nhựt.

Ý tưởng bên chiếc… cầu cá

“Khi tham gia Mùa hè xanh hồi còn sinh viên, mình đi ngang qua cầu cá của một hộ dân, thấy ao có nhiều nước thải chảy vào mà cá lại sống được. Mình chợt thấy trên mặt nước có nhiều cây rau nhút nên đặt nghi vấn và từ đó bắt tay vào nghiên cứu thử” – Nhựt kể. Về lại Sài Gòn, Nhựt liền bắt tay vào việc. Ngày ngày, anh khệ nệ chở chiếc thùng nhựa đi múc nước cống để nghiên cứu khả năng xử lý chất thải hữu cơ của rau nhút, mặc cho sự hiếu kỳ pha lẫn mỉa mai của người khác.

“Trong suốt 3 tháng, mình phải đi xin… để múc nước cống, nhưng nhiều khi bị hiểu lầm là người của sở môi trường gì đó, sợ bị phạt, họ không cho mình múc luôn. Không ngờ, xin nước cống còn khó hơn xin nước uống nữa. Sự nỗ lực này hoàn toàn xuất phát từ lòng say mê nghiên cứu của một sinh viên ngành môi trường (ĐH Bách khoa TP.HCM)” – Nhựt cười nói.

Công trình nghiên cứu của Nhựt được các giảng viên trường ĐH Bách khoa đánh giá cao. Do đó, Nhựt đã đăng ký đề tài: “Triển khai dự án xử lý nước thải sinh hoạt bằng cây rau nhút” để tham dự cuộc thi “Phát minh xanh Sony”. Năm ngoái, Nhựt lại đăng ký tiếp cuộc thi “Dự án xanh Sony” và triển khai đề tài của mình ra thực tế. Đồng hành cùng Nhựt để triển khai dự án là cô bạn cùng quê Đắc Lắk Nguyễn Thị Hồng Hà.

Suốt một năm qua, nhất là những ngày đầu triển khai dự án, dù những lúc mưa bão, rồi bộn bề công việc ở công ty, bộ đôi Nhựt – Hà tuần nào cũng phải chạy xe máy từ TP.HCM xuống Tiền Giang để trông coi các ao rau nhút. Có những lúc thời tiết khắc nghiệt, rau nhút chết, người dân không chịu trồng tiếp, khiến cả hai lắm phen “mất lửa”. Nhưng nhờ an ủi nhau, Nhựt và Hà cố gắng làm công tác tư tưởng cho bà con để cây rau nhút sống và phát triển ở các ao hồ ấp Trường Xuân A, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo.

“Điều tạo ra động lực lớn nhất cho tụi mình đứng dậy trước khó khăn đó là lợi ích lâu dài và nhiều mặt đối với bà con. Tụi mình sẽ cố gắng nhân rộng mô hình này cho bà con nhiều tỉnh miền Tây, giúp cải thiện môi trường sống của bà con” – Hồng Hà tâm sự.

“1 cây rau, 3 điều lợi”

Ngày 29/03, Ban tổ chức cuộc thi cùng các giám khảo đã có chuyến thực địa đến ấp Trường Xuân A để khảo sát và chấm điểm dự án. Tại cuộc khảo sát, Ban tổ chức và các giám khảo thể hiện sự ưng ý với dự án đang được làm thí điểm tại hơn chục hộ dân.

“Mình sẽ đưa dự án này triển khai tại chiến dịch Mùa hè xanh của các trường ĐH trong năm nay được không thầy?”, nghe câu hỏi bất chợt của Nhựt, tiến sĩ Chế Đình Lý – Phó viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên, là giám khảo của cuộc thi, hào hứng nói ngay: “Quá tốt, ý kiến hay đó em, triển khai đi. Làm sạch môi trường nước bằng cây rau nhút có đến 3 cái lợi, không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho bà con mà nó còn rất hợp với nét văn hóa sinh hoạt của người miền Tây nữa”.

Phó giáo sư Bùi Lai, thuộc Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM cũng đánh giá cao dự án. Ông cho rằng việc phát hiện ra khả năng xử lý ô nhiễm hữu cơ trong môi trường nước của cây rau nhút là một thành công của hai bạn trẻ. Điểm đặc biệt là cây rau nhút sau khi trồng trong môi trường nước thải này vẫn hoàn toàn bảo đảm độ an toàn vệ sinh thực phẩm của nó.

Trước kia, nước ao nhà anh Trần Văn Bảy (ấp Trường Xuân A) khá đục và bốc mùi hôi, nhưng từ khi hai kỹ sư trẻ hướng dẫn gia đình anh trồng rau nhút, nước ao trong hẳn ra và gần như được khử sạch mùi hôi. Cứ khoảng hơn 3 tuần là anh Bảy lại cắt rau nhút đi bán, mỗi lần cắt cũng được 3, 4 chục kg nên cả nhà anh có thu nhập đều đều. “Hạn chế của cây rau nhút là không xử lý được nguồn nước bị ô nhiễm quá nặng. Do vậy mà tụi mình phải lấy mẫu nước, đo nồng độ và kiểm nghiệm rồi mới triển khai trồng rau” – Hồng Hà nói.

Cuộc thi “Dự án xanh Sony” năm 2007 có 3 dự án đăng ký. Các thí sinh tham gia sẽ chọn những ý tưởng trong cuộc thi “Phát minh xanh Sony” (từ năm 2000 đến nay) để triển khai ra thực tế.