Bảo tồn biển ở Việt Nam

Vịnh Nha Trang của Việt Nam là một trong 3 điểm bảo tồn biển thử nghiệm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, bảo tồn biển đã được tiến hành song song với việc cải thiện sinh kế người dân…

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (KHCN) Nguyễn Giang Thu, kiêm Giám đốc Hợp phần Sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) đã trao đổi về việc phát triển các khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Kinh nghiệm này, sẽ được các chuyên gia Việt Nam chia sẻ với bạn bè thế giới tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về đại dương, vùng bờ và hải đảo, diễn ra từ 7-11/04/2008 tại Hà Nội sắp tới.

Người dân được hưởng lợi sau 3-5 năm thành lập

Thưa bà, bảo tồn biển (BTB) được xem là một vấn đề mới mẻ ở VN, Xin bà cho biết bảo tồn biển mang lại lợi ích gì cho người dân?

Các khu (BTB) được quản lý hiệu quả sẽ mang lại lợi ích rất lớn và lâu dài cho người dân và nền kinh tế. Trước tiên, nguồn lợi thuỷ sản ở quanh khu bảo tồn biển sau 3 – 5 năm sẽ tăng lên rõ rệt và duy trì ổn định. Ngư dân khai thác tại các vùng đó sẽ được hưởng lợi trực tiếp, đời sống của họ sẽ được nâng cao và ổn định.

Mặt khác, khu BTB sẽ là nơi cung cấp các dịch vụ môi trường và sinh thái rất đa dạng như thu hút khách du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí… Nếu chúng ta có một chiến lược phát triển du lịch bền vững đồng thời có những cơ chế để người dân địa phương được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch thì lợi ích này của khu bảo tồn sẽ còn mãi.

Đánh giá của bà về thực trạng của khu bảo tồn biển Việt Nam hiện nay?

Việt Nam có ba khu BTB mới được thành lập trong vòng 5 năm vừa qua là khu BTB Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm và Phú Quốc. Hai khu bảo tồn Vịnh Nha Trang và Cù Lao Chàm đã được thành lập với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ Đan Mạch, Quỹ môi trường toàn cầu và Ngân hàng Thế giới thông qua các dự án ODA. Riêng khu bảo tồn Phú Quốc là khu đầu tiên được thành lập chủ yếu do nỗ lực của tỉnh Kiên Giang với sự hỗ trợ của Bộ Thuỷ sản trước đây và với rất ít tài trợ của các tổ chức nước ngoài nếu so với 2 khu đi trước là Cù Lao Chàm và Vịnh Nha Trang.

Các khu BTB hiện nay ở Việt Nam đều còn rất non trẻ và vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì nguồn tài chính bền vững cho quản lý bảo tồn biển. Khung pháp lý và thể chế chưa đầy đủ trong lĩnh vực này cũng là một thách thức lớn. Đặc biệt, để quản lý bảo tồn biển hiệu quả không chỉ một đơn vị hay một ngành có thể làm được mà nó đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp với người dân địa phương.

Bảo tồn biển gắn với cải thiện sinh kế người dân

Thưa bà, các khu bảo được phân vùng như thế nào, chi phí có tốn kém không?

Các khu BTB tuỳ thuộc vào mục tiêu quản lý sẽ được phân thành một số vùng khác nhau nhưng ít nhất phải gồm có 3 phân khu là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu phát triển trong đó phân khu phục hồi nghiêm ngặt chiếm ít nhất 10-20% diện tích của khu BTB để tối ưu hiệu quả bảo tồn.

Bảo tồn biển là một vấn đề mới mẻ ở Việt Nam, ngân sách đầu tư ban đầu cho một khu bảo tồn biển trung bình là rất lớn, khoảng 16 tỷ đồng bao gồm các hoạt động: điều tra, khảo sát, xây dựng trụ sở, thả phao phân vùng, hoạt động thường xuyên cho ban quản lý… Những khu bảo tồn biển có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Những khó khăn ban đầu khi thành lập khu bảo tồn?

Thời gian từ 3-5 đầu sau khi thành lập là rất khó khăn bởi vì lợi ích về thuỷ sản của ngư dân sẽ bị giảm đáng kể do việc phân vùng bắt buộc phải có những phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân vốn khai thác lâu đời tại đó và gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội ngay vùng đó.

Do “tài sản” của các khu bảo tồn biển hầu hết nằm ở dưới nước, không dễ để nhìn thấy được như các khu bảo tồn trên cạn (như rừng) nên rất khó thuyết phục người dân cũng như các cấp lãnh đạo về lợi ích do khu BTB sẽ mang lại và lôi cuốn họ tham gia bảo tồn biển. Bảo tồn biển sẽ mang lại những lợi ích trong trung hạn và dài hạn chứ không nhìn thấy ngay được như khi chúng ta xây dựng một khu resort hay một dự án phát triển. Các khu BTB được quản lý hiệu quả chỉ có thể mang lại lợi ích về thuỷ sản sau 3-5 năm.

Các Khu BTB được phân vùng mà ở đó các hoạt động khai thác bị cấm hoàn toàn, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng, họ sống bằng nghề gì?

Do những người dân sống ở khu bảo tồn biển sống chủ yếu dựa vào khai thác, đặc biệt là thanh thiếu niên nếu không đi biển thì không có việc gì để làm. Ngoài việc nâng cao nhận thức cho người dân, dự án chúng tôi còn quan tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế cho người dân như hỗ trợ tín dụng nhỏ, chuyển đổi nghề nghiệp và đa dạng hoá sinh kế.

Hiện nay, chúng tôi đang có một chương trình phối hợp với Trường dạy nghề Hoa Sữa thí điểm đưa thanh niên của khu bảo tồn đi học 1 năm làm các nghề dịch vụ ở các khu du lịch, giải trí xung quanh các khu bảo tồn; hỗ trợ người dân học các nghề thân thiện với môi trường và sắp tới sẽ triển khai chương trình tín dụng nhỏ để họ có thể thu nhập từ nhiều nghề khác nhau và tiến tới không phụ thuộc vào khai thác biển nữa.

Ngoài ra, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề phát triển cộng đồng như: cải thiện điều kiện sống của người dân, hỗ trợ người dân có điện để dùng ở đảo, giúp họ giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường như phân loại và xử lý rác thải tại Cù Lao Chàm, giáo dục môi trường cho học sinh, đào tạo y tá cho đảo…

Tuy nhiên, để làm cho người dân nhận thấy lợi ích lâu dài của bảo tồn biển là một việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, khi đã nhận thức được lợi ích do khu bảo tồn biển mang lại và cuộc sống của người dân ít bị ảnh hưởng thì họ sẽ tham gia tích cực các quy định của khu bảo tồn biển.

Năm 2015, Việt Nam có 15 khu bảo tồn biển

Việt Nam có kế hoạch gì cho việc xây dựng các khu bảo tồn biển dọc 28 tỉnh từ Bắc đến Nam?

Các khu BTB đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của vùng biển của nước ta. Các khu BTB chính là các ranh giới “mềm” khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng hệ thống 15 khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam đã có sự góp ý của tất cả các cấp, các ngành. Chúng tôi hi vọng đến năm 2015 chúng ta có có 15 khu bảo tồn biển với sự nỗ lực rất lớn của quốc gia qua các chương trình như chương trình Điều tra tổng thể tài nguyên và Môi trường biển, chương trình bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đều có các nội dung là ưu tiên xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển cùng với sự giúp đỡ của các nước và các tổ chức quốc tế.

Xin cảm ơn bà!