Từ Tam Đảo I đến Tam Đảo II: Vài điều cảnh báo

ThienNhien.Net – Thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo 1) với diện tích hơn 250 ha, nằm lọt trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo. Thị trấn nhỏ bé này được người Pháp khám phá và xây dựng từ đầu thế kỷ trước, sau này trở thành điểm nghỉ dưỡng lí tưởng cho mọi người. Tuy nhiên, nơi đây không chỉ lặng lẽ và thơ mộng như nhiêù người vẫn nghĩ.

Thịt thú rừng có ngay!
Chỉ cần có một chút kỹ năng đóng vai và giao tiếp tốt, bạn có thể dễ dàng đặt một bữa ăn với các món thịt thú rừng tại các nhà hàng ngay trong thị trấn mặc dù lướt qua menu thì chẳng hề có. Những món “đặc sản” từ mèo rừng, hoẵng, lợn rừng, don, cầy, sóc, rắn, kỳ đà, và rất nhiều loài động vật rừng chỉ cần một cú phôn điện thoại của chủ nhà hàng đều sẽ có để “chiều lòng quý khách”.  
Trong nhiều năm qua, thị trấn Tam Đảo đã bị lợi dụng bíến thành một trong những trung tâm tiêu thụ động vật hoang dã của miền Bắc. Kết quả điều tra không chính thức của một tổ chức phi chính phủ khoảng 2 năm trước đây cho thấy đa số các nhà hàng, khách sạn ở Tam Đảo đều phục vụ “đặc sản thú rừng”, tuy nhiên thường là “bí mật” để tránh sự kiểm soát của lực lượng kiểm lâm và các tổ chức bảo tồn. Động vật bị bắt về được chia nhỏ thành nhiều phần và ướp lạnh, do những người thu gom mua lại từ thợ săn và mang đến các nhà hàng khi được yêu cầu. Trong báo cáo của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GTZ) phối hợp với cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR) thực hiện năm 2001 cho thấy một số địa điểm thường xuyên diễn ra hoạt động mua bán động vật hoang dã như: thôn Thai Bạ (xã Thiện Kế), thôn Đồng Phai (xã Hợp Hòa), thôn Khuân Nanh, Đầm Làng (xã Yên Lãng), thôn Chiểm 1 và Hòa Bình 2 (xã Quân Chu), xóm Chuối (xã Ký Phú) thuộc vùng đệm VQG.

Thịt Đon ở xã Quân Chu (Nguồn ảnh: GTZ)

  
Ngoài mục đích phục vụ cho các nhà hàng đặc sản, động thực vật ở đây còn bị khai thác để ngâm rượu (rắn, tắc kè, kỳ đà, bìm bịp, ong) và làm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch (rùa đất xpeng-lơ, rùa sa nhân và cá cóc – loài lưỡng cư quý hiếm chỉ có ở Tam Đảo và một số ít vùng lân cận). Tình trạng này chỉ mấy năm trước đây vẫn còn diễn ra khá công khai.  
Bên cạnh đó, Tam Đảo được coi là nơi buôn bán cũng như trung chuyển côn trùng. Sự săn bắt quá mức đã làm suy giảm đáng kể lượng côn trùng ở đây, đặc biệt là các loài rất quý hiếm như bướm Phượng Teinopalpus spp. và cặp kìm Odontolabis cuvera.  
Việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trên địa bàn thị trấn Tam Đảo gây ra những tác động mạnh đến “an toàn sinh học” tại VQG Tam Đảo. Thống kê cho thấy trong tổng số 64 loài bị săn bắt và buôn bán tại Tam Đảo có tới 31 loài quý hiếm. Nhiều loài động thực vật, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế đã bị khai thác cạn kiệt hoặc không còn tồn tại. Điều này xảy ra đối với các nhóm: Linh trưởng, Thú họ Mèo, nhóm Gấu, Thú gặm nhấm, nhóm chim và nhóm rùa.
Các nhà khoa học nhận định tình trạng khai thác và buôn bán lâm sản, đặc biệt là động vật hoang dã (ĐVHD) ở VQG Tam Đảo là một trong các tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng sinh học của khu vực Tam Đảo.  
Trên gây bẩn dưới chịu 
Dòng suối Bạc chảy qua thị trấn Tam Đảo. Đây cũng là nơi tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt của trên 300 hộ dân và các nhà hàng, khách sạn kinh doanh tại thị trấn và đổ xuống xã Hồ Sơn, nơi có hàng nghìn người dân sinh sống và sử dụng nguồn nước này cho tưới tiêu và sinh hoạt. Mức độ ô nhiễm nước suối Bạc tập trung vào mùa du lịch bởi trong khoảng thời gian này trung bình mỗi tuần thị trấn Tam Đảo đón khoảng 1.400 du khách đến tham quan, nghỉ mát.  

 Bãi rác tại Tam Đảo 2 (Ảnh: ThienNhien.Net)

Một trong những điểm quan sát của chúng tôi trong chuyến lên Tam Đảo lần này là bãi rác của thị trấn. Rõ ràng Tam Đảo chưa hề có một khu quy hoạch xử lý rác độc lập. Rác được dồn đổ đống về một góc khuất của thị trấn, bị đổ tràn lan và trở thành ổ sản sinh ruồi nhặng. Một cán bộ kiểm lâm cho biết khi mưa xuống rác thường bị cuốn trôi và theo dòng suối đổ về vùng dân cư dưới chân núi.  
Chúng tôi đến thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, nơi dự kiến sẽ chịu nhiều ảnh hưởng do việc xây dựng con đường nối giữa Tam Đảo 1 và 2. Những người dân nơi đây – có lẽ chưa từng được đặt chân lên thị trấn Tam Đảo – khi được hỏi đã từng nghe nói tới Tam Đảo 2 chưa còn ngơ ngác lắc đầu. Họ chỉ biết phàn nàn về con suối chảy qua làng đang ngày càng bị ô nhiễm và đục. Một người phụ nữ trạc 50 cho biết “Nếu mưa lớn thì suối ở đây trông ghê lắm. Rác rưởi đủ loại trôi từ đâu ra chẳng biết. Mấy hôm trước mưa lớn, nước đục mất 1,2 ngày chúng tôi nghĩ chắc sạt núi ở đâu. Sau thấy mấy người bán hàng trên thị trấn về bảo người ta đang làm đường ở trên đỉnh”. Được biết, đa số người dân trong thôn vẫn sinh hoạt chủ yếu bằng nước suối. Nhiều người lớn, trẻ em mắc các bệnh ngoài da và họ không hề biết rằng mình đang dùng dòng nước “rửa rác, rửa sỏi đá” của thị trấn Tam Đảo và đoạn đường mới mở vùng thượng nguồn.  

 Tắm rửa nước từ dòng suối chảy qua thôn, cháu bé đã bị nhiễm trùng những vết thương ngoài da. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Đơn kiến nghị của người dân thôn Đồng Bùa lên chính quyền xã và huyện được gửi ngày 30/06/2004 với đầy đủ chữ ký của các ban ngành, đoàn thể địa phương, trong đó có đoạn: “Chúng tôi là tập thể và nhân dân thôn Đồng Bùa kiến nghị với các cấp có thẩm quyền giải quyết về vấn đề môi trường nước sạch của nhân dân Đồng Bùa như sau. Hiện nay, rác thải của thị trấn Tam Đảo đổ về lòng suối mang đủ các loại trên đời: đồ vệ sinh của chị em phụ nữ, xi lanh, ống tiêm, chai lọ, bông băng trạm xá, đủ các kiểu không còn thiếu thứ gì làm ảnh hưởng lớn đến môi trường nước sạch thuộc địa phận Đồng Bùa, Tam Quan chúng tôi gây nên bệnh tật, ốm đau nhiều…”. Được biết, Đồng Bùa chỉ là một trong nhiều địa điểm chịu hậu quả trực tiếp từ việc ô nhiễm chất thải du lịch do thị trấn Tam Đảo I gây ra. Về lâu dài, sự việc này nếu không được giải quyết dứt điểm, sẽ là một mối đe dọa lớn tới sức khỏe của bộ phận dân cư trong vùng đệm VQG Tam Đảo. 

 Đơn kiến nghị của người dân thôn Đồng Bùa. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Nhìn những gì đang diễn ra ở Tam Đảo 1 mà liên tưởng tới những gì sẽ đến nếu nay mai hình thành thêm khu du lịch Tam Đảo 2. Liệu những người dân vùng đệm VQG Tam Đảo, những người sống “tựa lưng vào rừng” có được đổi đời nhờ chủ trương này của tỉnh hay không và rồi tương lai của VQG Tam Đảo sẽ đi tới đâu?