Ô nhiễm vùng đầm phá Tam Giang: Ai giải quyết?

Những năm gần đây, môi trường của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã bắt đầu bị ô nhiễm nghiêm trọng và mức độ ô nhiễm đang ngày càng gia tăng. Nên vấn đề bức bách hiện nay là bảo vệ môi trường cho vùng đầm phá này…

Ô nhiễm ngày càng gia tăng

Trải dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa biển Tư Hiền, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai với diện tích 22.000ha, lớn nhất Đông Nam Á, là “chiếc máy điều hòa khí hậu” khổng lồ, góp phần chống xâm nhập mặn, là nơi cung cấp nguồn tài nguyên thủy, hải sản rất lớn…

Tuy nhiên, trước sức ép của con người lên hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, hiện nay nó đang bị ô nhiễm, nghiêm trọng nhất là ô nhiễm do các chất thải, ô nhiễm dầu và bên cạnh đó là sự thay đổi lớn về diện tích mặt nước, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy hải sản.

Ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TT-Huế cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở vùng đầm phá do nuôi trồng thủy sản ồ ạt thiếu quy hoạch, việc khai thác đánh bắt hải sản quá mức, việc sử dụng phương tiện đánh bắt hủy diệt, cùng với những hoạt động của một lượng lớn ghe thuyền hàng ngày, chất thải sinh hoạt của người dân…

Cụ thể hơn, theo kết quả ngiên cứu của Sở Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên Huế: Độ mặn đầm phá Tam Giang trong khoảng 0,1-330/00, độ pH 6,8-8,0 và thay đổi liên tục là yếu tố bất lợi cho sinh vật. Việc sản xuất nông nghiệp ven bờ đã thải ra một dư lượng thuốc trừ sâu gây ô nhiễm. Kết quả phân tích gần đây của Sở Tài nguyên – Môi trường Thừa Thiên Huế cho thấy, tích tụ dư luợng thuốc trừ sâu trong nước là 0,62mg/l, trong trầm tích 33,5/l… “.

Còn theo ông Võ Văn Cho, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, nước thải từ nông nghiệp bị ô nhiễm thuốc trừ sâu là thảm họa cho môi trường vùng nuôi tôm hơn 300ha của xã, dẫn đến dịch bệnh…

Hiện đang có khoảng 300.000 cư dân sinh sống ở 41 xã chung quanh phá. Đời sống của các hộ dân này gắn liền với khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn tài nguyên trong đầm phá hoặc ven phá.

Ông Lê Văn Thu, chuyên gia môi trường, cho biết: Lượng rác thải sinh hoạt của người dân sống trên phá đang ngày một nhiều lên. Chúng không chỉ có mặt ở ven phá mà đang hiện diện ở khắp nơi trên mặt nước. Trong đó có những chất thải rất khó phân hủy bao ni lông, bịch nhựa có thể tồn tại hàng chục năm và ngày một nhiều lên, gây ô nhiễm cho môi trường của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Con tôm hay môi trường?

Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm sú đã mang lại lợi ích kinh tế cho người dân Thừa Thiên Huế nhưng cũng vì thế mà đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đang ngày càng bị các hồ nuôi tôm lấn dần.

Diện tích các hồ nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá hiện nay trên 5.000ha và vẫn đang còn tiếp tục gia tăng. Các hồ tôm ngày càng nhiều là nguyên nhân gây ra những cản trở của sự lưu thông dòng chảy đầm phá. Do nuôi tôm, ngày càng nhiều các chất thải công nghiệp, các hóa chất và thức ăn cho nuôi trồng thủy sản đang được đổ vào vùng đầm phá, gây ra những ô nhiễm cục bộ nghiêm trọng.

Môi trường không đảm bảo tất yếu sẽ xảy ra những dịch bệnh không kiểm soát được và gây tác động xấu trở lại đối với cuộc sống của con người. Điều này đã liên tục xảy ra đối với những người dân nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế. Từ năm 2005 đến nay, dịch bệnh đốm trắng, vàng mang… đã gây ra tình trạng tôm chết hàng loạt ở các vùng nuôi tôm của các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà… Nhiều hộ dân nuôi tôm trắng tay vì dịch bệnh.

Ngoài ra, vấn đề khai thác và đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy, hải sản với nhiều phương tiện đánh bắt hủy diệt, nhiều dụng cụ khai thác có tính chất càn quét cũng là nguyên nhân là ô nhiễm môi trường và cạn kiện tài nguyên. Anh La Nghĩa, một ngư dân ở Quảng Điền cho hay: “Tui làm nghề đánh bắt tôm cá trên phá đã hơn hai chục năm nay. Trước đây cá tôm vô kể, còn bây giờ đã cạn kiệt, nghề không đủ nuôi sống gia đình nên đành phải nuôi cá lồng “.

Vấn đề ô nhiễm môi trường ở hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã được đề cập đến nhiều, nguyên nhân cũng đã được nhiều người phân tích. Tuy nhiên, những công việc cụ thể để bảo vệ môi trường ở đây xem ra vẫn chưa có hướng giải quyết.