Những con đường… rác

Vùng ven TP. HCM sống chung với rác đã đành, nội thành cũng đang kêu cứu vì những bãi rác, xà bần tự phát.

Đêm đổ…
 
Đường Bến Chương Dương trở thành nơi tập kết của rác, xà bần từ khi dự án đại lộ Đông Tây khởi công. Dọc con đường này là vô số bãi xà bần với đủ thứ bùn đất, gạch vụn, ni lông… nằm vương vãi. Thuộc loại lớn là bãi xà bần nằm ngay ngã ba Bến Chương Dương – Đề Thám, Bến Chương Dương – Trần Đình Xu, còn những bãi nhỏ thì nhiều vô kể.
 
Điều đáng nói là nơi nào có biển đỏ “Cấm đổ rác, xà bần” của UBND phường Cô Giang, quận 1 là xà bần “tập kết” càng nhiều. Giờ cao điểm, các chủ xe ba gác máy hoạt động là từ 1 giờ đến 4 giờ sáng. Đêm khuya vắng người, nơi này tấp nập hẳn lên. Chị Bé, công nhân vệ sinh của Công ty Công trình Công cộng quận 1, bức xúc: “Mỗi ngày chúng tôi đi hốt 3 – 4 lần mà vẫn không hết, hốt hoài còn hoài”.
 
Ngay dưới chân cầu Điện Biên Phủ, một bãi rác tự phát xuất hiện đã 2, 3 năm nay. Người dân ở quanh khu vực này cũng góp phần làm cho đống rác thêm “hoành tráng” với những bịch cơm thừa, rau úa.
 
… ngày cũng đổ
 
Đường Hàm Nghi, quận 1 là con đường đẹp giữa trung tâm TP. Vậy mà rác cũng không chừa.
 
Ông Dũng, chạy xe ôm ở đường Hàm Nghi 10 năm nay, cho biết bãi rác ngay công trường xây dựng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng xuất hiện từ sau Tết 2007. Càng ngày, lượng rác càng tăng lên, rộng ra với đủ thứ thúng mủng, bao tải, thùng xốp, cơm hộp… cùng với mùi khai bốc lên nồng nặc.
 
Khác với bãi rác ở đường Bến Chương Dương, bãi rác này thường được giới xe ba gác chọn thời gian “tập kết” rác từ 11 giờ đến 13 giờ và từ 17 giờ đến 18 giờ 30. Lúc lực lượng trật tự đô thị nghỉ ngơi thì xe ba gác đổ trộm hoành hành. Ngay vỉa hè Trung tâm Đo lường Chất lượng 3, số 49 Hàm Nghi, một đống xà bần nằm chễm chệ đã ba ngày, chưa biết bao giờ mới được giải tỏa và chúng sẽ được dời đến vỉa hè nào!?
 
Tình trạng xảy ra tương tự tại đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, đối diện với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một đống xà bần kéo dài khoảng 5 m nằm trên lòng đường dành cho người đi bộ. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn vỉa hè kéo dài từ Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Gia Định đến Trường Tiểu học Hồng Hà, gần ngã tư Hàng Xanh, cũng là nơi xà bần thường xuyên trú ngụ, lại thêm vỉa hè xuống cấp trầm trọng.
 
Không cần mất nhiều thời gian, người đi đường có thể nhìn thấy những bãi rác với quy mô lớn có, nhỏ có, vừa vừa cũng có trên khắp các con đường TP. Vỉa hè, góc đường nào hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là rác và xà bần “tập kết” khiến cho những bãi rác tự phát ngày càng nhiều giữa lòng TP.