Đan Lai – khát vọng giữa ngàn xanh

Không phải ai cũng từng nghe về một dân tộc thiểu số có tên gọi Đan Lai. Đường sá xa xôi, cách trở, nguy hiểm; trận lũ trước đó, hai chiến sĩ biên phòng (Con Cuông, Nghệ An) đã hy sinh khi cứu dân. Sự mong manh của phận người nơi đây đã không ngăn nổi bước chân quyết tâm tìm vào bản.

Truyền thuyết và hiện thực

Dọc theo đầu nguồn Khe Choăng, Khe Khặng của con sông Giăng bắt nguồn từ Thượng Lào đổ về Con Cuông, Nghệ An, rừng nguyên sinh Pù Mát từ khoảng 300 năm trước đã trở thành tiểu vũ trụ xanh che chở cho một tộc người đến đây sinh sống – tộc người Đan Lai.

Xa xưa lắm, không ai biết chính xác tên gọi họ là gì. Một số tài liệu ít ỏi có nói về họ với cái tên kép Đan Lai – Ly Hà, chỉ một bộ phận người Kinh dời từ Đan Nhiệm – Thanh Chương đến Con Cuông (Nghệ An) để tránh tai họa “thuyền liền chèo, trăm cây nứa vàng” do quan trên trát xuống với cái án tru di cửu tộc. Đan Lai – Ly Hà chính là tên gọi hai nhánh cổ của sông Lam chảy qua huyện Thanh Chương – Nghệ An.

Người Đan Lai và người Ly Hà kết nghĩa anh em, cùng bám mé sông Giăng, tiến sâu vào trong vùng lõi của rừng Pù Mát cắm bản. Vượt qua 100 con thác, 100 con vực, theo cách nói của người Đan Lai, là họ đã đi đến chốn tận cùng của đất trời. Thời gian và sự đồng hóa sắc tộc khiến cái tên Ly Hà dần dần bị loại khỏi cuộc sống cộng đồng, còn lại Đan Lai.

Nghe kể, trước kia, người Đan Lai từng dựng chòi phủ cành cây ở tạm và ngủ ngồi, dùng chạc cây chống cằm để phòng thú dữ, cứ đến độ lá vàng trên mái lều rụng xuống là họ lại bỏ đi để dựng một cái lều mới. Nhưng bây giờ thì đó chỉ là những lều tạm của người đi làm nương trong vài ngày, may thay!

Đầu năm 2008, Con Cuông đã dựng nhà tái định cư được cho 42 hộ, với 193 nhân khẩu Đan Lai ra lập bản mới Thạch Sơn. Sâu trong rừng Pù Mát chỉ còn 2 bản là Cò Phạt và bản Búng, với khoảng 150 hộ, 800 nhân khẩu.

Bữa ăn của người Đan Lai có được con cá mát là nhờ sông, miếng thịt thơm là nhờ rừng. Tối đến, nhà nào có chút ánh sáng là nhờ những viên đá cuội to một ôm nặng được xếp chồng lên nhau thành cái “đập thuỷ điện” bên dòng sông Giăng. Nhưng chủ yếu, các căn gác sàn đều nhờ nhờ le lói ánh đèn cù, hoặc tối thui lọt thỏm giữa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với những con người chẳng có gì giải khuây ngoài việc… đi ngủ.

 
Ba chiếc thuyền của đoàn nhà báo nối nhau tìm vào bản, dù trời đang mưa. (Ảnh:Hòa Bình).

Vượt ghềnh vào chốn thôn lâm

Ba chiếc thuyền ngược sông Giăng vào Đan Lai, mang theo nặng trĩu những tấm lòng từ thiện (một phần thuốc chữa bệnh, quần áo, sách báo… – trong tổng trị giá 80 triệu đồng, do Đoàn thanh niên Hội Nhà báo Việt Nam phát động) dành tặng cho bà con nghèo xã Môn Sơn.

Ra xuôi, về ngược. Thuyền gỗ tự đóng được gọi là thuyền (hoặc đò), không đủ tiêu chuẩn đăng kiểm, chỉ chở được 7 – 8 người. Ngồi trên thuyền, phải quấn thật kỹ thuốc men, máy ảnh, máy quay, bởi chỉ cần chạm mạnh vào đá ngầm là có thể lật thuyền. Ngược dòng nên liên tục phải vượt ghềnh. Mỗi lần thuyền chao nghiêng trong tốc độ chừng 20k/h, nước té vào ràn rạt. Mới đi được nửa tiếng, toàn đoàn đã ướt sũng.

Tuy thế, cảnh sắc đẹp đến mê hồn. Sơn thuỷ hữu tình, gió núi mây ngàn, thật khó có tour du lịch nào sánh kịp. Đương mùa nước còn cạn, nhiều khúc sông, nước chỉ lưng bụng chân, trong vắt, có thể nhìn rõ những viên đá cuội cựa quậy ghột ghệt nơi đáy thuyền, làm chao đảo những người đang gửi mình giữa lênh đênh. Đây đó, vẫn còn những túp lều vương vấn khói cơm thơm của người Đan Lai đi làm nương, thảng hoặc lại gặp vài bé trai lách nhách lội giữa dòng suối dữ, vung cần hòng kiếm vài con cá.

Qua hai lần “tăng bo” tránh thác dữ, lội bộ qua những bãi đá hoang sơ đẹp như cổ tích, Đan Lai đón chào cả đoàn tại ngôi nhà đầu tiên là trạm biên phòng Khe Khặng. Ở đây không có điện thoại. Trạm trưởng – thượng uý Trần Văn Đông – trạc 30 tuổi, để lại vợ con ngoài huyện Anh Sơn để vào đây “3 cùng” với bà con. Anh vừa bị ném đá trong một lần đuổi theo hai người mang vật liệu nổ vào rừng đánh cá, vết thương làm tím bầm cả quầng mắt bên trái.

Đan Lai nghèo nhưng bản Đan Lai rất đẹp theo cái nghĩa hoang sơ rừng núi của nó. Nhà nào cũng phên dậu gọn gàng, khá một chút thì ở nhà gỗ, nghèo thì ở nhà tre. Người Đan Lai không có văn hóa riêng biệt, tiếng nói lai giữa Thái và Kinh, người già nhuộm răng đen, mặc váy thổ cẩm, vấn khăn chàm trên đầu kiểu người Thái, người trẻ thì ăn vận như người Kinh.

 
Đôi mắt trẻ thơ ở Đan Lai. (Ảnh: Hòa Bình).

Từng bầy trẻ chân đất, lem luốc và nhếch nhác, đứa có quần thì không có áo, đứa có áo lại cởi truồng, lốc nhốc theo già bản ra nhận quà. Các cô gái chừng 15 – 17 tuổi địu trẻ trên lưng, thoạt trông tưởng chị bế em, thoắt một cái, đã thấy vạch bầu cho con bú. Hỏi ra, em Cung, sinh năm 1987; em Thoa sinh năm 1986… đều đã hai con.

Lần đầu tiên có người đến phát quà, hỏi ai cũng chung tâm trạng sung sướng, mừng vui. Có cụ già tròn 100 tuổi cũng ra sân trường để các bác sĩ khám bệnh và nhận vài món thuốc bổ.

Người Đan Lai đẹp, đặc biệt là đôi mắt to tròn, bờ mi cong, rất sáng. Những cô gái sớm thành thiếu phụ ở tuổi 14 – 15, bản năng làm mẹ bộc lộ mạnh mẽ song vẫn còn vấn vương nét thơ ngây hoang dã của lứa tuổi, của núi rừng, đôi mắt đầy khát vọng khiến lòng tôi se lại. Vài người chỉ một chị sinh năm 1980 nhưng đã 6 con. Thoắt cái, chị đã chạy đâu mất, chắc là sợ bị phỏng vấn.

Con đường nào cho Đan Lai bớt xa xôi?

Đến “ngôi nhà sàn” của chị La Thị Mại, sinh năm 1978, lấy chồng năm 1999, nay đã đẻ 7 con, đứa lớn nhất 9 tuổi, đứa nhỏ nhất 8 tháng tuổi, đã lại có một cái thai vài tháng trong bụng!!!

Bảy lần, chị đều đẻ ngay trong góc nhà sàn. Chị bảo: “Ở đây kiêng, không ra trạm y tế, vì không thể để người khác nhìn thấy… cái của đàn bà, chồng cũng không được nhìn, chỉ được mần thôi”.

Anh cán bộ văn hóa xã kể thêm, đẻ xong, người ta nhai một miếng cơm bón vào miệng trẻ, rồi cho ra tắm sông Giăng luôn, cháu nào đề kháng tốt thì sống. Nhìn vào cái sàn nứa chông chênh có những hố trống hoác khắp nơi mà lo cho những đứa trẻ trứng gà trứng vịt kia có thể ngã lao đầu xuống đất bất cứ lúc nào. Nhưng chúng cứ lăn lóc thế. Từ bao đời đến bây giờ.

Anh Doãn Anh Thơ, Chủ tịch huyện Con Cuông thừa nhận, vì ít người, vì nghèo, lại xa xôi cách trở, nên vẫn có trường hợp kết hôn trong nội tộc, khiến tuổi thọ rất thấp, trẻ em thì rắn rỏi nhưng thấp bé và ngơ ngác. Chính quyền không làm sao ngăn được nạn tảo hôn.

Người Đan Lai thường bảo: “Con gái phổng phổng một tí là đẻ được rồi! Mà cứ đẻ hết trứng thì thôi”, nên nhà ít nhất cũng có 4 con, nhà nhiều nhất có tới 14 con. Cả bản có một trường mẫu giáo và một trường tiểu học 5 lớp gồm 50 học sinh. Chỉ có ở nhà cô giáo, nhà trưởng thôn và trạm biên phòng là “gặp” ti vi. Bữa cơm hầu như chẳng nhà nào có gì, chiếc mâm trống trơn chỉ có rá cơm nguội, trẻ con đánh rơi bát lại nhặt cơm lên, mỗi đứa cầm một cục nguội ngắt!

Huyện Con Cuông vẫn đang từng bước cố gắng thực hiện di dân tái định cư, tạo điều kiện để người Đan Lai sớm hòa nhập vào cuộc sống mới. Tại vùng tái định cư, người Đan Lai có cuộc sống khấm khá hơn, có điện, có giao thông, có ruộng đất để cấy lúa năng suất cao, trẻ em đã được học tại những ngôi trường khang trang, sạch sẽ. Nhưng nhiều người bảo, chúng tôi ở đây quen rồi, không muốn đi đâu cả.

Thật không dễ gì khiến người nghèo rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng họ có phần đúng. Bởi nơi đây quá đẹp. Rừng nguyên sinh Pù Mát là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Sông Giăng nhiều ghềnh thác nhưng đặc biệt nên thơ, quyến rũ. Thế nên, vẫn còn đó những đôi mắt Đan Lai tràn đầy khát vọng với ngàn xanh.

Đứng trước bản Đan Lai, đứng trước những đôi mắt to tròn, sáng rỡ, toát lên sự thông minh, nhanh nhẹn nhưng vẫn trong leo lẻo như nước sông Giăng, một câu hỏi chợt hiện ra: Một tour du lịch có phải là giải pháp cho Đan Lai ngày sau? Hay một con đường bớt nguy hiểm hơn để đồng bào có thể thỏa nguyện gắn bó nơi chôn rau cắt rốn nhưng vẫn không bị tách biệt với sự phát triển ngày một đi lên của các dân tộc anh em?