Xứng danh Lụa Vạn Phúc

ThienNhien.Net – Trong các điểm du lịch của Thủ đô nghìn năm văn hiến, có một địa điểm mà ai cũng muốn giới thiệu với khách du lịch gần xa, đó là làng nghề truyền thống – Lụa Vạn Phúc. Từ lâu, Lụa Vạn Phúc đã được biết đến là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất cả nước. Tấm lụa mịn màng và những sản phẩm đặc sắc nơi đây đã vượt xa lợi ích kinh tế đơn thuần để vươn đến sự sang trọng, tinh tế trong nét mặc, thể hiện nét đẹp văn hoá Việt Nam.


Mềm mại như một dải lụa, làng Vạn Phúc duyên dáng nằm giữa lòng thị xã Hà Đông (nay đã là một quận của Hà Nội). Cảm nhận đầu tiên của bất cứ ai khi bước chân vào làng là không khí nhộn nhịp, sầm uất như một phố nghề nội thành. San sát những cửa hàng cửa hiệu trưng bày, quảng cáo giới thiệu sản phẩm với những gian hàng đầy ắp và những sản phẩm đa sắc màu rực rỡ. Người ra vào làng nghề, mua bán lụa lúc nào cũng tấp nập, khách nước ngoài đến từng đoàn hết tốp này đến tốp khác càng làm cho không khí nhộn nhịp hẳn lên.

Ghé thăm xưởng dệt lụa của nghệ nhân Triệu Văn Mão – Người đã đạt rất nhiều các danh hiệu: Nghệ nhân làng nghề; giải thưởng bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian… xưởng dệt của ông có tiếng ở Vạn Phúc không chỉ bởi có nhiều khung dệt (hơn mười khung) mà còn nổi tiếng bởi chất lượng các mặt hàng lụa truyền thống, chất lượng cao.

Chị Nguyễn Thị Tâm – con dâu cụ Mão- Giám đốc xưởng dệt lụa tơ tằm đang chuẩn bị lên khuôn cho một mặt hàng hết sức độc đáo phục vụ trong dịp lễ hội 1.0000 năm Thăng Long Hà Nội. Đó là mặt hàng lụa vân có hình rồng chầu Thăng Long. Chất liệu lụa vân là chất liệu độc đáo của làng nghề. Được biết đây là mặt hàng mà ở Vạn Phúc, gia đình nghệ nhân là một trong những hộ rất hiếm dệt được. Chị Tâm cho biết, đây là mặt hàng cao cấp vừa mát, mềm, không nhăn, không phai, được may áo dài mặc trong dịp quốc lễ. Kết hợp phối màu vừa truyền thống nhưng vẫn có nét hiện đại khiến mặt hàng này vừa mang nét độc đáo của Việt Nam vừa có nét đặc trưng riêng của làng nghề Vạn Phúc.

Từ bao đời nay, nghề dệt lụa đã trở thành nghề truyền thống của làng Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc không giống bất kỳ một loại lụa nào được dệt ở những nơi khác bởi chất liệu mượt mà, mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ, từng hoạ tiết trang trí. Chính vì thế lụa Vạn Phúc không chỉ là đặc sản của làng mà còn là một thứ quà quý, một thứ đặc sản truyền thống của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó lụa Vạn Phúc đã có mặt rộng rãi trong cả nước và trên thị trường quốc tế.

Theo truyền thuyết và người dân làng Vạn Phúc kể lại thì Tổ nghề dệt lụa Vạn Phúc là bà Lã Thị Nga. Bà sống vào thế kỷ thứ 7, thứ 8 khi nước nhà bị đô hộ. Bà Lã Thị Nga, con một gia đình hào phú ở Cao Bằng, một lần theo chồng là Cao Biền đi kinh lý tới Ấp Vạn Bảo, thấy đất đai thơ mộng, bà xin ở lại ấp dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt cửi, mang lại nghề dệt lụa cho dân Vạn Phúc. Trong hậu cung của đình làng nơi thờ bà họ Lã hiện nay vẫn bày các thúng sơn, thước sơn, kéo bằng sắt, vạch bằng ngà là những đồ dùng của thợ may. Bà là thành hoàng làng Vạn Phúc. Dân làng vẫn lấy ngày sinh của bà là 10 tháng 8 âm và ngày mất là 25 tháng chạp để tế lễ và giỗ tổ. Sử sách còn chép lại: Vào thời kỳ nước ta bị đô hộ, dân ta luôn phải đem những sản vật quý của đất nước cống nộp cho vua chúa phương Bắc, trong các cống phẩm quý thời ấy có loại tơ lụa, sa, the của Vạn Phúc. Đến thời Nguyễn, từ Vua Khải Định cho đến vua Bảo Đại đều sai xứ thần ra Vạn Phúc mua sa, gấm đem về dùng. Những năm 30 của thế kỷ XX, lụa Vạn Phúc còn được đem đi triển lãm ở rất nhiều hội chợ quốc tế tại Pháp, In-đô-nê-xi-a…

Bằng những khung dệt thô sơ, nguyên liệu là tơ tằm đã chinh phục và hấp dẫn rất nhiều người. Không chỉ có lụa thời kỳ này, người dân Vạn Phúc đã cho ra đời nhiều loại sản phẩm quý như sa, gấm, đũi, lụa hàng vân làm nức lòng người Việt xa xứ mỗi khi có dịp giới thiệu lụa Vạn Phúc với người nước ngoài.

Trải qua bao biến cố thăng trầm, từ thời kỳ Hợp tác xã (HTX) làm ăn tập thể, chủ yếu gia công cho nhà nước theo kế hoạch, rồi thời kỳ biến động của các nước Đông Âu, làng nghề có lúc rơi vào khủng hoảng, sản phẩm khó có thể tiêu thụ tưởng như nghề sẽ bị mai một. Sau những năm 1990, thời kỳ cơ chế quản lý thay đổi, nghề dệt được chuyển về các hộ gia đình, hơn 100 máy dệt chuyển cho xã viên, HTX chỉ còn là đơn vị kinh doanh dịch vụ, cung ứng vật tư, thiết bị, kỹ thuật thì nghề dệt chuyển sang một giai đoạn mới, đánh dấu sự phát triển mới của làng nghề.

Giải pháp chuyển đổi này đã phát huy được tính năng động, sáng tạo của các hộ gia đình, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn.Từ những khung dệt thô sơ, giản đơn ban đầu như khung “con cò”, rồi khung “chân dậm tay thoi”, khung “tay giật, thoi lao” rồi khung dệt máy..đến nay kỹ thuật phát triển, mỗi hộ gia đình ở Vạn Phúc đã có nhiều khung dệt khác nhau, mỗi khung cho một sản phẩm mặt hàng lụa khác nhau: hàng trơn, hàng khổ rộng, hàng tơ tằm nguyên chất, hàng Vân, …để cho ra các sản phẩm với nhiều chất liệu khác nhau như lụa thường, ngang xe, hay dọc tơ chập, ngang tơ chập, dọc tơ xe…Số hộ làm nghề cũng ngày một đông. Người làng Vạn Phúc “Trăm hoa đua nở” người người dệt lụa, nhà nhà dệt lụa với hơn 80% số hộ sống bằng nghề… Số khung dệt trong làng đã lên tới hơn 1.000 khung, rất nhiều hộ gia đình có tới hơn 10 khung dệt, Khách hàng tìm đến mua sản phẩm ngày một nhiều. Thị trường lụa Vạn Phúc có điều kiện vươn xa không chỉ dành cho du khách ngoại quốc mà cũng được nhân dân trong nước ưa chuộng ngày càng nhiều bởi lụa Vạn Phúc có tiếng vang may váy, may áo vừa đẹp, vừa mát, trông sang trọng và thanh lịch…

Không chỉ dừng lại ở những tấm lụa mượt mà, tha thướt hay những tấm áo đơn gian ngày xưa, hôm nay lụa Vạn Phúc đã được người dân sử dụng để may nhiều mặt hàng khác nữa như quần áo, áo bông, chăn, ga, gối, khăn…đến những vật dụng nhỏ nhắn như túi, ví, xắc tay và những thứ khác dùng làm quà lưu niệm. Điều này đã thể hiện trình độ cao của tay nghề làng Vạn Phúc.

Chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, người dân Vạn Phúc đang hối hả chuẩn bị với một niềm háo hức mới thu hút cả lớp thợ già tay nghề cao và đào tạo thêm cả lớp trẻ. Các nghệ nhân trong thôn nghiên cứu để cải tiến mẫu mã, công nghệ để tạo ra sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và thu hút được khách du lịch. Từ ngoài làng cho đến từng ngõ xóm lúc nào cũng tập nấp, khách mua bán lụa và hệ thống các dịch vụ liên quan đến nghề như Xưởng cơ khí sửa chữa, công cụ kỹ thuật cải tiến hoa văn, cung ứng vật tư, nguyên liệu, tẩy nhuộm, tiêu thụ sản phẩm…

Đặc biệt để đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, người dân Vạn Phúc đã tự học tiếng nước ngoài để phục vụ khách ngoại quốc. Chủ cửa hàng lụa Thúy Cường cho biết phần lớn các cửa hàng cửa hiệu ở đây ít nhất mỗi nhà đều có một người biết tiếng nước ngoài. Như vợ chồng chị “nói tiếng Nga như gió”, ngoài ra họ còn biết thêm cả tiếng Anh để phục vụ cho công việc bán hàng. Như thế vừa đỡ bị mất thời gian dịch qua trung gian vừa được nói chuyện trực tiếp với khách, hiểu được thị hiếu và đánh giá của khách nước ngoài về sản phẩm của mình. Chị còn cho biết người dân Vạn Phúc hôm nay đang hàng ngày hàng giờ tự điều chỉnh mình thông qua việc bồi dưỡng kiến thức, cung cách bán hàng, sao cho “vừa lòng khách đến đẹp lòng khách đi” thể hiện cách ứng xử văn hóa. Có như vậy Lụa Vạn Phúc mới xứng danh là một sản phẩm văn hóa đặc sắc của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nghìn năm văn hiến.