Những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu

Hằng năm có khoảng 3,5 triệu trẻ em trên thế giới dưới 5 tuổi chết vì nghèo đói. Đói nghèo, lạnh giá, hạn hán và lụt lội đang xóa tan cơ hội của người nghèo quyền được học con chữ, được bang giao trong thế giới xa lộ thông tin. Những người nghèo là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu, và không ai khác, phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn cả.

Dường như tất cả những tiên đoán về một hậu tương lai cho sự phát triển của con người không chỉ còn là những nét phác thảo của một trang kịch bản. Những hậu quả khởi động mới chỉ là sự đáp trả ban đầu của một chuỗi những thiên tai nghiệt ngã hơn đang đón chờ. Cơ hội phát triển của con người bị tước đoạt và những người nghèo là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu.

Đói nghèo và… cái chết

Trong bài toán về biến đổi khí hậu thì người giàu làm nhưng người nghèo lại phải gánh chịu. Những công dân nghèo của thế giới phát thải lượng CO2 ít hơn cả, nhưng họ lại không được trang bị các phương tiện tối thiểu để đối phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu. Hình thức phát thải CO2 của những công dân này lại chủ yếu là đốt củi. Ngoài ra họ tham gia cản trở quá trình hấp thụ CO2 thông qua các hoạt động phá rừng, đốt rẫy.

Đối với những mùa đông lạnh bất thường, những người giàu ở những cường quốc với lối sống xa hoa năng lượng còn được trang bị những máy sưởi nhiệt, trong khi hàng tỷ người nghèo trên khắp hành tinh cơm không đủ ăn áo không đủ mặc sẽ phải chống chịu với cái lạnh giá trong nỗi vô vọng.

Chưa bao giờ những đợt nóng và hạn hán kéo dài gây mất mùa cho người nông dân nhiều như bây giờ, lượng mưa giảm ở nhiều nơi cần nước, tốc độ sa mạc hóa và cả những quá trình xâm thực của những đụm cát làm giảm diện tích đất canh tác của con người, và như vậy, đang cướp đi miếng cơm của hàng trăm triệu người, an ninh lương thực bị đe dọa, phân hóa giàu nghèo ngày một tăng.

Trong báo cáo của UNDP dự báo, những vùng đất khô hạn chịu hạn hán ở châu Phi, vùng cận Sahara, có thể mở rộng thêm 60-90 triệu hecta vào 2060, gây thiệt hại khoảng 26 tỷ USD. Cũng theo UNDP, tại các nước chịu hạn hán nhiều nhất là Ethopia, Kenia và Nigie thì khả năng trẻ em dưới 5 tuổi sinh ra trong thời gian hạn hán tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng thêm lần lượt là 36%, 50% và 72%.

Tính trung bình, hằng năm trên thế giới có khoảng 3,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì nghèo đói. Và hiện tại, có khoảng 70% người nghèo trên thế giới là phụ nữ. Các chuyên gia của Liên hợp quốc dự đoán, sẽ có khoảng 600 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng vào 2080.

“Biến đổi khí hậu đã trở thành kẻ hủy diệt thứ năm đối với sức khỏe con người sau chiến tranh, đói nghèo, dịch hạch và cái chết”, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, nhấn mạnh. Phát biểu của ông Chan phần nào khẳng định cho nhận định rằng, số người chết do biến đổi khí hậu ngày một tăng. Thiên tai và nghèo đói đang cướp đi tư liệu sản xuất của người nghèo khiến cuộc sống của phần dân số này ngày càng trở nên cùng cực, và những người nghèo chỉ là sự thế thân của một thế giới đang…mê ngủ.

Bức tường ngăn vào thế giới văn minh

Các chuyên gia của Liên hợp quốc đánh giá, hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu là nông nghiệp và y tế. Hiện tại, khoảng hơn hai phần ba dân số thế giới sinh sống ở nông thôn và phần lớn thuộc về các nước đang phát triển. Theo Báo cáo phát triển con người, trong khoảng thời gian 2000-2004, có khoảng 262 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai hằng năm, trong đó 98% là cư dân của các nước đang phát triển.

Đói nghèo, lạnh giá, hạn hán và lụt lội đang xóa tan cơ hội cho những công dân nghèo quyền được học con chữ, được bang giao trong thế giới xa lộ thông tin, mà đáng ra, họ cũng có quyền được thừa hưởng tất cả những tiến bộ của nhân loại mang lại. Và không ai khác, nạn nhân trong thế giới nghèo phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn cả chính là phụ nữ và trẻ em.

Một thống kê được thực hiện cho thấy, khả năng phụ nữ Ấn Độ sinh ra trong thời gian lũ lụt ở những năm 1970 được học tiểu học giảm đi 19%. Và trong số khoảng gần 900 triệu người mù chữ trên thế giới thì khoảng hai phần ba là phụ nữ. Việc tự đọc được quốc ngữ của mình ở nhiều quốc gia nghèo vẫn còn là điều xa vời.

Trong Báo cáo phát triển con người có chỉ rõ, “Các chấn động khí hậu làm tiêu tan cơ hội phát triển của con người về lâu dài, làm tiêu tan năng suất và xói mòn năng lực của con người”. Liệu chủ đề “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đoàn kết trong một thế giới phân cách”, và lời nhắc nhở của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, “Chúng ta cần phải có bước đột phá về biến đổi khí hậu” có thức tỉnh lương tri của một thế giới đang ngủ quên?

Và trong một thế giới phân cách, trách nhiệm không thể phân bổ như nhau, không thể nào nước giàu làm nhưng nước nghèo phải chịu. Những nước phát triển phải gánh vác trách nhiệm tiên phong và đảm nhiệm sứ mệnh của mình khi nhân loại bắt tay vào cuộc chiến chống lại sự thay đổi của khí hậu.