Indonesia dự kiến phục hồi 3 con sông lớn bị ô nhiễm

ThienNhien.Net – 33 trong tổng số 52 con sông chiến lược thuộc 34 tỉnh của đất nước Indonesia đang bị ô nhiễm ở mức báo động.

Là một quốc gia nhiệt đới, Indonesia có trên 5.590 con sông với gần 65.020 nhánh dài hơn 94.570km và diện tích lưu vực 1.512,466km2.

Cũng như ở nhiều nước khác, sông là nguồn nước rất quan trọng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân Indonesia.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất vừa công bố của Bộ Môi trường Indonesia đã gây dư luân tại chỗ khi có tới 33 trong tổng số 52 con sông chiến lược thuộc 34 tỉnh của đất nước “Vạn Đảo” bị ô nhiễm ở mức báo động.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Indonesia, Henry Bastaman cho biết trong năm 2012, Bộ này đã thành lập hơn 410 điểm giám sát 52 con sông chiến lược, kết quả cho thấy chỉ có 0,49% đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng nước, trong khi 75,25% ô nhiễm nghiêm trọng, 22,22% ô nhiễm vừa và 1,73% ô nhiễm nhẹ.

Một con sông bị ô nhiễm (Ảnh: Manan Vastsyayana/coastalcare.org/)
Một con sông bị ô nhiễm (Ảnh: Manan Vastsyayana/coastalcare.org/)

Ngoài ra, tình trạng khan hiếm nước đã xảy ra tại nhiều khu vực và hầu hết các con sông ô nhiễm nặng nằm trên đảo Java, trong đó tệ nhất là sông Ciliwung ở Jakarta và sông Citarum ở Tây Java.

Theo ông Henry Bastaman, trong số các yếu tố góp phần làm sông ô nhiễm sông là sự thay đổi trong sử dụng đất, dân số tăng, thiếu nhận thức về bảo tồn lưu vực sông, sự xói mòn của đất, chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt và chất thải nông nghiệp.

Chẳng hạn trong 100% lượng chất gây ô nhiễm sông Cisadane 84% đến từ rác thải sinh hoạt các hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng và rửa xe; 14% do chất thải công nghiệp, đặc biệt là từ các máy luyện kim và mangan và 2% đến từ các nguồn chất thải khác.

Bộ trưởng Môi trường Indonesia Henry Bastaman cho biết chính phủ nước này đã lên kế hoạch khôi phục 3 con sông lớn; trong đó có sông Ciliwung, chảy qua Bogor, Depok (tỉnh Tây Java) và Jakarta.

Bộ Môi trường Indonesia với Viện Công nghệ và Môi trường Hàn Quốc (KEITI) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) mới đây đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về dự án phục hồi sông Ciliwung.

Chính phủ Indonesia đã chọn Hàn Quốc làm đối tác trong dự án trên bởi Hàn Quốc đã có kinh nghiệm trong việc làm sạch sông Hàn bị ô nhiễm nặng nề trước đây.