Phát triển cây thuốc dân tộc

Việt Nam có 3.920 loài thực vật được dùng làm thuốc, chiếm 16% số cây thuốc đã được biết trên thế giới. Chúng không chỉ có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khoẻ mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, một số cây thuốc quý đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hội thảo Bảo tồn và phát triển cây thuốc dân tộc do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) vừa tổ chức tại thị trấn Sa Pa (Sa Pa – Lào Cai) đã bước đầu tìm ra hướng đi cho cây thuốc dân tộc.

Tài nguyên bị tận diệt

Mấy năm gần đây, có dịp tới thị trấn Sa Pa, du khách đều tìm đến các nhà nghỉ, khách sạn hoặc vào các bản làng để được thưởng thức bài thuốc tắm của người Dao đỏ được nấu từ 10 đến 120 loài thuộc nhiều họ thực vật và dạng sống khác nhau, trong đó có 5 – 10 cây thuốc được coi là quan trọng nhất. Thuốc tắm dùng để chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt, đặc biệt, đối với phụ nữ mới sinh, bài thuốc giúp cơ thể chóng bình phục, sau mấy ngày là có thể địu con lên nương làm rẫy.

Tuy nhiên, không chỉ một số dược thảo trong bài thuốc tắm mà nhiều cây thuốc quý khác ở Sa Pa và dãy núi Hoàng Liên Sơn đang bị khai thác ồ ạt. Sách Đỏ Việt Nam đã xếp Hoàng Liên chân gà vào loại rất nguy cấp nhưng hiện nó vẫn bị “săn lùng”. Tại Hội thảo, TS. Trần Công Khánh, Giám đốc Credep than thở: “Việt Nam có “rừng vàng, biển bạc”, nhưng nguồn tài nguyên đó đang cạn kiệt nhanh chóng do cách khai thác bừa bãi, trình độ canh tác lạc hậu”.

Theo ông Khánh, với tình trạng thu hái tận diệt, đến năm 2020, rừng tự nhiên của Việt Nam chỉ còn khoảng 20%, đến đầu thế kỷ 22 có thể không còn rừng tự nhiên nữa, kéo theo hậu quả là các loài cây thuốc cũng biến mất.

Nước ta hiện có khoảng 400 – 500 loài cây thuốc đang được khai thác để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đây là cách khai thác mang tính huỷ diệt nhất, vì thế, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp giữ gìn và phát triển tài nguyên quý giá này.

Thực hiện quy trình GAP trên cây thuốc

Theo thống kê của TS. Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật học (Đại học Dược Hà Nội), hiện cả nước có hơn 40 bệnh viện y học cổ truyền và các khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa; khoảng 5.000 người hành nghề y học cổ truyền với gần 4.000 cơ sở chẩn trị đông y. Có khoảng 700 loài thường được nhắc đến trong các sách đông y với 39.381 bài thuốc.

Còn theo ông Lê Văn Khoai, Giám đốc Trung tâm Dược liệu Traphaco Sa Pa, mỗi năm nhu cầu thị trường trong nước cần khoảng 500 tấn sa nhân, 5.000 – 6.000 tấn vỏ quế, hàng ngàn tấn long nhãn, thảo quả… để chế biến dược liệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện, Trung tâm đã xây dựng vùng nguyên liệu actiso tại Sa Pa, sản lượng trung bình 500 tấn cao actiso/năm, cung cấp cho nhà máy sản xuất trà dưỡng sinh, viên bao boganic giải độc gan… Nếu phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc và khai thác đúng tiềm năng, chúng có thể mang lại hàng tỷ đô là Mỹ mỗi năm.

Dự án “Cải cách phát triển dược liệu ở Sa Pa” đã được Frontier Việt Nam và Tổ chức Dược thảo rừng khởi xướng từ năm 2002. Theo đó, tiêu chuẩn để chọn cây thuốc là có thị trường ổn định; hiệu quả cao hơn các dược liệu đã và đang trồng; thời gian sinh trưởng nhanh; dễ trồng; ít sâu hại; dễ làm giống; chịu hạn; dễ bảo quản sau thu hoạch… Tuy nhiên, việc trồng cây thuốc vẫn mang tính tự phát, phương pháp canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ dẫn đến chất lượng không ổn định, khả năng cạnh tranh kém.

TS. Ơn cho rằng: “Chúng ta cần khắc phục điểm yếu đó bằng cách trồng cây thuốc theo GAP – thực hành trồng trọt tốt – để tiêu chuẩn hoá dược liệu cho sản xuất thuốc và sử dụng. Bên cạnh nó, rất cần sự tham gia của “4 nhà” thông qua các dạng hợp đồng nông trại.

Mô hình phát triển thị trường thuốc tắm người Dao đỏ ở xã Tả Phìn (Sa Pa) do TS. Ơn phụ trách đang được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi đã mang lại giá trị kinh tế – xã hội cho cả người Dao và người Mông nơi đây. TS. Ơn cho biết: “Việc thương mại hoá bài thuốc được thực hiện dựa theo những nguyên tắc: đáp ứng nhu cầu thị trường; do cộng đồng tự quản, phát triển bền vững và đa dạng hoá sự tham gia (chính quyền các cấp, ban ngành chuyên môn, doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích cộng đồng).
Do trình độ của đồng bào còn hạn chế, tính kỷ luật thấp nên chúng tôi đã giúp họ thông qua các lớp tập huấn; thành lập Công ty cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa do anh Lý Láo Lở làm giám đốc; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Dao’spa”.

Hiện, Công ty này có dịch vụ tắm tại chỗ ở thôn Tả Chải và sản xuất nước tắm đóng chai Dao’spa, 70% nguyên liệu thu hái từ tự nhiên, 30% cấy trồng theo quy trình GAP. Trước đó, bà con chỉ bán nguyên liệu thô với giá 3.000 – 5.000 đồng/kg cho tư thương, thông qua mô hình sản xuất hiện nay, giá trị sản phẩm đã tăng gấp 10 lần, giúp tăng thêm thu nhập. Sắp tới, Công ty sẽ sử dụng sản phẩm đun nóng năng lượng mặt trời nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch, tiết kiệm chi phí, nhà xưởng nâng cấp theo hướng GMP (thực hành sản xuất tốt)…