Rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý được xem xét cấp chứng chỉ FSC

Thay đổi nhận thức người dân về FSC

Rừng cộng đồng ở bản Hồ, xã Hướng Sơn và bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng được UBND huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ từ năm 2017. Trong đó, tại bản Chênh Vênh có 80 hộ dân tham gia, chia thành 7 tổ cộng đồng bảo vệ rừng với diện tích 676 ha.

Điều kiện bảo vệ rừng của bản Chênh Vênh chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của các tổ bảo vệ rừng, diện tích rừng không nằm trong lưu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng nên công tác này gặp nhiều khó khăn.

Kiểm tra, đánh giá để cấp chứng chỉ FSC đối với rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Ảnh: MCNV.

Đối với 85 hộ dân ở bản Hồ tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ 886 ha rừng cộng đồng, diện tích này nằm trong lưu vực Thủy điện Rào Quán nên hằng năm được nhận chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 800.000 đồng/ha/năm.

Năm 2020, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Hội Các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR Quảng Trị) triển khai Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (PROSPER).

Theo đó, dự án đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả như: Xây dựng các tổ quần chúng bảo vệ rừng cộng đồng, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức cho ban quản lý rừng cộng đồng và người dân về chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC), quản lý tài nguyên rừng, khai thác lâm sản bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học.

Dự án hỗ trợ trồng 270 ha rừng trẩu tại 2 xã hướng Phùng và Hướng Sơn để phát triển sinh kế lâm sản ngoài gỗ từ hạt trẩu, phát triển vườn ươm cây bản địa. Xây dựng mô hình du lịch sinh thái bao gồm điểm du lịch thác Chênh Vênh và du lịch cộng đồng khu dân cư Rờ Vê – thác Chênh Vênh.

Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam cũng mời chuyên gia tư vấn từ Trường Đại học Nông lâm Huế và Trường Đại học Khoa học Huế phối hợp với cộng đồng thôn để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Ngoài ra, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam cũng hỗ trợ thành lập và đào tạo nghề cho 6 nhóm với 49 thành viên sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ từ tre như ống hút tre, hộp đựng tăm, ống đựng hương, cốc uống nước… và các vật lưu niệm khác; củng cố năng lực về quản lý, giám sát, tập huấn về sơ cấp cứu, trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho các tổ bảo vệ rừng.

Người dân ký cam kết thực hiện mô hình FSC đối với rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. MCNV.

Đưa rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý tham gia FSC

Một trong những vai trò quan trọng nhất của dự án PROSPER là vận động được cộng đồng, Hội CCR Quảng Trị và các bên liên quan tiên phong đưa rừng tự nhiên cộng đồng tham gia chứng chỉ FSC.

Đồng thời hỗ trợ thực hiện đánh giá FSC đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng và hộ gia đình quản lý nhằm cải thiện chất lượng công tác quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ để cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Vào những ngày cuối tháng 10/2021, đợt đánh giá đầu tiên của chu kỳ 2020 – 2025 đã được một tổ chức đánh giá rừng độc lập thực hiện đối với 2.825 ha rừng trồng gỗ keo và 1.560 ha rừng tự nhiên do người dân bản Hồ và Chênh Vênh đang quản lý, bảo vệ.

Đây là lần đánh giá có ý nghĩa quan trọng để tiến hành cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế (FSC) cho Hội CCR Quảng Trị. Sản phẩm được đánh giá để cấp chứng chỉ FSC FM/CoC gồm gỗ keo rừng trồng và cây họ tre của rừng tự nhiên.

Lợi ích của mô hình chứng chỉ FSC cho rừng cộng đồng là các nguyên liệu hoặc sản phẩm có chứng chỉ FSC thường được bán giá cao hơn sản phẩm không được cấp chứng chỉ. Phần chênh lệch này nhằm giúp cho chủ rừng có lợi ích tài chính để khuyến khích họ tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội.

Gỗ keo FSC của thành viên Hội CCR Quảng Trị được bán với giá cao hơn gỗ keo thông thường từ 15-18%. Đối với tre FSC, do đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam nên chưa xác nhận giá trị chênh lệch. Hiện tại dự án PROSPER đang tìm kiếm doanh nghiệp tiềm năng cho nguyên liệu tre FSC.

Đã có 1.560 ha rừng tự nhiên do người dân bản Hồ và Chênh Vênh quản lý, bảo vệ được cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: MCNV.

Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng Văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho biết: Việc đạt được chứng chỉ lần này giúp cộng đồng quản lý rừng tự nhiên có đủ tự tin để tham gia sâu hơn cho lâm sản ngoài gỗ khác như song mây hoặc hạt trẩu. Đặc biệt là dự án PROSPER hướng đến giúp cho cộng đồng đạt chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái, cụ thể là dịch vụ hấp thụ cac-bon và dịch vụ du lịch ở lần đánh giá tiếp theo vào tháng 10/2022.

Khi đã có được chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái, sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp cộng đồng bảo vệ rừng tiếp cận các nhà tài trợ. Các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho dịch vụ hệ sinh thái, ví dụ doanh nghiệp du lịch hoặc doanh nghiệp đang sử dụng nhãn hiệu FSC hoặc các doanh nghiệp khác.

Nếu như tín chỉ cac-bon hiện nay đã có sẵn giá thị trường thương mại và yêu cầu có pháp lý, phê duyệt của Chính phủ mới được bán thì dịch vụ hệ sinh thái là một thị trường tự nguyện mà nhiều nhà tài trợ, doanh nghiệp sẵn sàng chi trả như là 1 phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho các cộng đồng đang đóng góp vào quản lý rừng.

Theo ông Nguyễn Đình Đại, đối với dự án PROSPER, việc xây dựng chứng chỉ dịch vụ hệ sinh thái và chứng chỉ lâm sản ngoài gỗ như là một chiến lược về phát triển lâm nghiệp trong 10 năm tới.

Mô hình tại Quảng Trị có thể xem là tiên phong cho chiến lược này. Để đạt được điều này, cần tiếp tục có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tuy nhiên cần có sự ủng hộ về chính trị từ các nhà chính sách và cơ quan quản lý nhà nước.