Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 7)

Mất đất “bờ xôi ruộng mật” cho công nghiệp, nông dân chỉ biết nhặt nhạnh những hạt thóc lép trên đất xấu. Đã vậy họ còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề của việc nhà máy vào phá vỡ hệ thống thuỷ lợi, tạo ra những cánh đồng không ngập úng thì cũng hạn hán và ô nhiễm nguồn nước tưới. Đó là nguyên nhân chính làm tỷ lệ nông dân thất nghiệp ngày một tăng.

Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 1)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 2)

Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 3)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 4)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 5)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 6)

Những cánh đồng “bị bao vây”

Khung thời vụ đã khép 2 ngày (15/03), hàng trăm hộ dân xã Lạc Hồng và Đình Dù, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cứ mang mạ ra cánh đồng Hồng Cầu và Ngải Dương lại mang về vì nước vẫn ngập tới bẹn. Giữa mùa khô hạn nhưng 2 cánh đồng đến vài trăm ha này lại ngập trắng băng, có chỗ sâu tới 40cm nước đã 2 tuần nay.

Tất cả do Tập đoàn Hoà Phát lấy đất làm công nghiệp theo kiểu “bao vây” đã bịt đường tiêu của 2 cánh đồng. Cánh đồng Hồng Cầu và Ngải Dương có mặt thứ nhất giáp khu dân cư, mặt thứ hai giáp QL5 và nhà máy, mặt thứ 3 là đường trung tâm KCN Phố Nối A, mặt thứ 4 dài gần 1km, là cửa duy nhất để thoát nước thì vừa bị Hoà Phát san ủi đóng kín, “nhốt gọn” hai cánh đồng bên trong, nội bất xuất ngoại bất nhập.

“Hôm nay đã là 17/03, nghĩa là chúng tôi đã bị chậm thời vụ 2 ngày. Tình hình này, chưa chắc chúng tôi đã cấy được. Từ ngày các nhà máy vào đây, ruộng đồng lúc hạn lúc úng, cộng thêm sâu bệnh và nước thải ô nhiễm của các nhà máy, năng suất lúa giảm 30-40%, chỉ đạt hơn tạ/sào. Nếu vụ này cấy muộn, 50kg/sào xem chừng cũng khó. Dân mất hết đất tốt rồi, còn tí ruộng này, năng suất thấp cũng phải cố mà cấy lấy hạt gạo ăn, chứ tiền đâu mà đong 10.000đ một cân gạo bây giờ”- bà Nguyễn Thị Thìn, có ruộng ở cánh đồng Hồng Cầu cho biết.

Tại xã Tân Quang, Văn Lâm, kênh tiêu Thống Nhất đảm bảo tiêu cho 50 ha nội đồng của xã Tân Quang và Trưng Trắc bị Nhà máy giấy của Công ty Hà Hưng thải chất thải ra làm ô nhiễm nặng. Vùng cây màu và cây ăn quả bị đe doạ, người dân đã ngăn kênh lại làm cho nước dềnh lên ngập úng một diện tích đất nông nghiệp lớn và nhiều cụm dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến thời vụ, năng suất và cuộc sống của dân.

Song hành với ô nhiễm thì tình trạng thiếu nước tưới cũng diễn ra khá phổ biến, người dân các xã Lạc Đạo, Chỉ Đạo, Lương Tài, Việt Hưng, huyện Văn Lâm kêu “nước đâu mà cấy bây giờ?”. Dọc con đường vào các xã trên, cạnh những nhà máy kiểu “xôi đỗ”, xuất hiện nhiều ruộng của dân còn chưa cày bừa hoặc để cỏ mọc. Một hai ngày nữa nước không về thì sẽ bỏ ruộng không. Vì cấy mà không có nước tưới thì cũng công cốc.

Chính quyền bán cả kênh mương

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Lâm Lý Duy Thu cho rằng, công nghiệp vào lấy đất của dân, người dân ít đất đi thì lẽ ra phải để lại phần đất tốt nhất để dân thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu công nghiệp chứ? Theo quy luật, rõ ràng công nghiệp vào phải thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên một trình độ cao hơn, mở ra hướng sản xuất hàng hoá, giúp nông dân bị mất một phần ruộng nhưng vẫn có thể giàu lên.

Nhưng thực tế ở Văn Lâm (Hưng Yên) khác hẳn. “Công nghiệp vào chúng ta đã làm không tốt khâu quy hoạch, giao đất cho doanh nghiệp (DN) không tính đến các yêu cầu đảm bảo tưới tiêu, xử lý nước thải. Công nghiệp đã làm biến dạng hoàn toàn hệ thống tưới tiêu cũ. DN vào đến đâu, kênh tưới, kênh tiêu bị san lấp đến đó. Điển hình như Tập đoàn Hoà Phát lấy đất làm công nghiệp đã làm ngập úng một diện tích lớn”- ông Thu khẳng định.

Trước đây tỉnh Hưng Yên có chủ trương giao đất cho DN giao luôn cả kênh mương. Một số người đã từng là cán bộ xã một thời ở Văn Lâm cho rằng, việc “bán” cả kênh mương thì xã mới “có phận có phần” vì tiền bán kênh mương xã được thu, cán bộ mới được tí. Như vậy, lợi ích của người nông dân bị bỏ qua. Để đến giờ, tỉnh Hưng Yên lại bỏ tiền ra hô hào các địa phương làm các con kênh, hoặc ra quyết định thu hồi đất của các DN đang sử dụng để làm kênh đi qua. Và đương nhiên, tỉnh phải bỏ tiền ra đền bù cho DN. Thế có nực cười không?