Hệ lụy lạm dụng dược phẩm đối với con người và động vật hoang dã

Con người ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào dược phẩm và điều này gây ra những tác động đáng lo ngại đến chất lượng nước cũng như các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các sinh vật sống dưới nước.

Dược phẩm đang xâm nhập vào môi trường tại nơi chúng được sản xuất và cả khi chúng được đào thải ra ngoài. Hàng năm, hàng nghìn tấn hợp chất có hoạt tính sinh học được thải ra môi trường hoặc bị loại bỏ trong hầu hết các nhà máy xử lý nước thải. Ở Mỹ, 60% lượng cặn bã từ dược phẩm được dùng làm phân bón trong nông nghiệp. Điều này có nghĩa là dược phẩm mà con người sử dụng – với hơn 4.000 loại – đang được phổ biến trên cây trồng. Ở nhiều nơi trên thế giới, nước thải không được xử lý. Ước tính khoảng 20 triệu ha đất nông nghiệp trên toàn cầu được tưới bằng nước thải không qua xử lý, xấp xỉ bằng diện tích Vương quốc Anh.

Một đầm lầy muối ở Maine. Ước tính có khoảng 17% đầm lầy muối ở Hoa Kỳ tiếp xúc với lượng nước thải cao và con số này ở Trung Quốc là 76%. Ảnh: Jack Flanagan via Flickr (CC BY 2.0).

Riêng tại các quốc gia đang phát triển, hầu hết các nhà máy xử lý nước thải đều thiếu chức năng và quy mô lớn. Nếu không có hệ thống xử lý nước thải hiệu quả, các quốc gia sẽ phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và người dân buộc phải sử dụng nước kém chất lượng để tưới tiêu cây trồng – cả hai đều gây những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, tác động đối với nông nghiệp từ nguồn nước thải chứa hóa chất chỉ chiếm phần nhỏ so với lượng lớn phân gia súc được sử dụng làm phân bón và loại phân này cũng chứa dược phẩm. Trên thực tế, 73% các loại thuốc kháng khuẩn được bán ngày nay được dùng cho vật nuôi.

Việc sử dụng dược phẩm trong sản xuất thịt là mối quan tâm đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Các ước tính cho thấy hơn 105.000 tấn thuốc kháng vi sinh vật sẽ được sử dụng làm thực phẩm cho động vật vào năm 2030 và các nước nhiệt đới như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi sẽ tăng gần gấp đôi việc sử dụng thuốc kháng sinh vào năm này. Nhìn chung, sản lượng thịt vẫn giữ nguyên ở các nước có thu nhập cao vào năm 2000 nhưng đã tăng lần lượt 68%, 64% và 40% ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Sản lượng thịt ở châu Phi dự kiến ​​sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới khi nhiều quốc gia châu lục này đang bán một lượng lớn đất cho các doanh nghiệp sản xuất thịt từ các quốc gia giàu vốn nhưng thiếu đất nông nghiệp. Xu hướng này một phần được thúc đẩy bởi sự giàu có ngày càng tăng của các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ cùng sự ưa thích gia tăng liên quan đến chế độ ăn dựa trên động vật.

Riêng ảnh hưởng của dược phẩm đối với động vật hoang dã trên cạn thì cho đến nay hầu như không được chú ý. Trước đây, các nghiên cứu chủ yếu tập trung tìm hiểu tác động của dược phẩm đối với sinh vật sống dưới nước, đặc biệt là cá và hành vi của chúng. Tuy nhiên, việc các loài động vật có vú tiếp xúc với dược phẩm không phải là một phát hiện mới. Trong hơn 15 năm, đã có bằng chứng cho thấy động vật linh trưởng, cụ thể là những cá thể tinh tinh và khỉ đột sống trong cùng một vườn quốc gia và con người có chung gen kháng thuốc kháng sinh trong vi khuẩn đường ruột – những gen kháng lại thuốc kháng sinh mà con người sử dụng.

Nước thải đổ xuống sông ở Băng Cốc, Thái Lan. Ảnh: Trey Ratcliff via Flickr (CC BY-NC-SA 2.0).

Một trong những trường hợp rõ nhất về tác động của dược phẩm gây hại tới quần thể loài là sự cố kền kền Bengal chết hàng loạt ở tiểu lục địa Ấn Độ. Việc gia súc được sử dụng diclofenac, một loại thuốc chống viêm không steroid đã dẫn đến cái chết của hơn 95% kền kền Bengal (Gyps bengalensis), một trong những loài ăn thịt phổ biến nhất ở tiểu lục địa Ấn Độ. Trước khi sử dụng loại thuốc này trong thú y, quần thể kền kền Bengal rất đông, lên tới hàng chục triệu cá thể. Sau sự cố thương tâm, diclofenac vẫn là loại thuốc bán chạy thứ 12 trên toàn cầu với hơn 1.223 tấn được tiêu thụ mỗi năm.

Một yếu tố khác mà con người cũng cần xem xét là việc sản xuất dược phẩm đang được chuyển sang các nước nhiệt đới, đặc biệt là Ấn Độ và Brazil. Hậu quả của sự phát triển ngành công nghiệp dược phẩm ở các nước nhiệt đới và sự gia tăng liên quan đến việc sử dụng các hóa chất này vẫn chưa được biết rõ, do đó cần nghiên cứu sâu hơn về tác động của dược phẩm với cả con người và động vật hoang dã ở vùng nhiệt đới.

Riêng với động vật hoang dã, hậu quả của việc tiếp xúc với dược phẩm diễn ra trong toàn bộ vòng đời bao gồm quá trình sinh sản vì chúng không có khả năng trao đổi chất để đối phó với các hóa chất lạ. Tiếp xúc với các hóa chất trong thuốc tránh thai hoặc thuốc chống trầm cảm của con người chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con non và cần làm rõ các tác động này nếu các quốc gia xây dựng kế hoạch bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Khi có nhiều dữ liệu khoa học hơn, các nhà sinh học bảo tồn có thể chủ động ngăn chặn sự suy giảm quần thể tốt hơn thay vì phải phục hồi lại quần thể khi các tình huống tiêu cực đã xảy ra.

Gần 60 năm trước, Rachel Carson xuất bản cuốn Silent Spring (tạm dịch: Mùa xuân vắng lặng) và khiến xã hội Bắc Mỹ nhận thức được sự nguy hiểm của những tác động xấu đến môi trường do việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc trừ sâu như DDT. Ngày nay, con người sử dụng dược phẩm và tốc độ chúng xâm nhập vào môi trường đang gây nguy hiểm cho chính con người cùng động vật hoang dã. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các phương pháp điều trị tiên tiến có thể làm giảm 95% nồng độ các hợp chất dược phẩm có hại. Do đó, các quốc gia cần sẵn sàng thích ứng với việc quản lý và phát triển các cơ sở xử lý nước thải trên toàn cầu để đảm bảo tương lai an toàn, bình đẳng cho cả con người và động vật.

Ý Nhi (Theo Mongabay)

Nguồn: