Phát triển hợp lý rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu

Phá rừng ngập mặn (RNM) vì lợi ích trước mắt đã tạo điều kiện cho thiên tai tàn phá, gây ra những tổn thất to lớn cho cộng đồng. Các cấp có thẩm quyền cần đưa ra các giải pháp để phát triển hợp lý RNM thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH).

Tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn

Kết quả nghiên cứu về sự biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nước ta cho thấy có sáu yếu tố ảnh hưởng trực tiếp. Nhiệt độ, không khí; lượng mưa; gió mùa đông bắc; bão; triều cường; hoạt động của con người. Gió mùa đông bắc góp phần quan trọng làm tăng mực nước biển ở Việt Nam. Gió mùa xuất hiện vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, vào thời kỳ thủy triều cao nhất trong năm (tháng 10 đến tháng 12). Kết quả là nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo các tài liệu của Ủy ban sông Mê Kông (1993) khi tốc độ gió là 5 m/s thì nước biển tăng cao 10 cm. Khi tốc độ gió tới 10 m/s thì nước biển tăng lên 20 cm, nếu không có gió thì nước biển chỉ tăng 4 cm. Nước mặn, lợ vào đến đâu thì các loài cây ngập mặn theo dòng nước vào sâu trong nội địa đến đó. Sự tăng dòng chảy của sông cũng là một nguyên nhân chính nhưng thường chỉ xảy ra vào mùa mưa và chỉ ảnh hưởng ngắn hạn. Nước biển dâng cao nhất trong những ngày có mưa bão kết hợp triều cường, gây ra thiệt hại to lớn về tài sản của cộng đồng ven biển, làm cho bờ biển bị xói lở, kể cả những vùng có các dải RNM phòng hộ.

Ở vùng núi do rừng nguyên sinh bị suy thoái nghiêm trọng cho nên thường xảy ra lũ quét, trượt lở đất khi có mưa lớn. Tác hại của con người từ việc phá rừng ngập mặn đắp đập để trồng lúa, đắp bờ các đầm tôm tràn lan trong vùng bãi triều đã ngăn cản sự vận động của thủy triều, qua đó ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài cây ngập mặn, làm mất nơi sin sống của hải sản và động vật vùng triều, làm thay đổi dòng chảy, giảm sự phân tán nước ở các bãi triều và vùng ven biển.

Việc sử dụng nước ngầm để điều chỉnh độ mặn trong các vùng nuôi tôm rộng lớn cũng như sử dụng lãng phí nước trong sinh hoạt đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng nguồn nước ngầm cần thiết cho các loài cây ngập mặn và các sinh vật sống trong đất bùn và đồng thời ảnh hưởng cấu trúc địa chất của vùng ven biển. Nước biển dâng cùng với gió mùa, bão, triều cường đã làm xói lở bờ biển.

Ở phía đông bán đảo Cà Mau, gió mùa đông bắc (gió chướng) cùng với triều cường đã làm xói lở hàng chục km từ Ghềnh Hào xuống đến xóm Ðất Mũi, mỗi năm có chỗ mất 20-30 cm chiều rộng như ở cửa sông Bồ Ðề, Rạch Gốc, khu vực Khai Long… làm đổ các cây RNM, triều cường đưa cát vào bờ làm cho nhiều loài cây ngập mặn có rễ thở trên mặt đất bị vùi lấp và cây chết đứng.

Nước biển dâng đã tạo điều kiện cho một số loài cây ngập mặn xâm lấn đất nội địa, đất sản xuất nông nghiệp đặc biệt là ở Quảng Bình và miền tây Nam Bộ từ đó ảnh hưởng đến sản lượng lương thực và đa dạng sinh học. Số loài động thực vật nước ngọt biến mất và thay thế vào đó là các loài nước lợ. Nước biển dâng cũng ngăn cản sự bồi tụ các bãi triều, ngăn cản sự tái sinh tự nhiên của các loài cây ngập mặn tiên phong như mắm, bần chua…

Năm tác dụng của rừng ngập mặn khi mực nước biển dâng cao

Thứ nhất, RNM có tác dụng làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều. Nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất như hệ rễ chống của các loài đước, rễ hình đầu gối của các loài vẹt, rễ thở hình chông của các loài mắm, và bần, cản sóng các tích lũy phù sa cùng mùn bã thực vật tại chỗ cho nên chúng có tác dụng làm chậm dòng chảy và thích nghi với mực nước biển dâng. Nhờ các trụ mầm (cây con) và quả, hạt có khả năng sống dài ngày trong nước cho nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền khi nước biển dâng làm ngập các vùng đất đó.

Thứ hai, RNM có tác dụng làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường. Nghiên cứu của Y.Mazda và cộng sự ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong thời gian có triều cường từ ngày 17 đến 21/11/1994 cho kết quả: rừng trang trồng sáu tuổi với chiều rộng 1,5 km đã giảm độ cao của sóng từ 1 m ở ngoài khơi xuống còn 0,05 km khi vào tới bờ đầm cua và bờ đầm không bị xói lở. Còn nơi không có RNM ở gần đó, cùng một khoảng cách như thế thì độ cao của sóng cách bờ đầm 1,5 km là 1 m, khi vào đến bờ vẫn còn 0,75 m và bờ đầm bị xói lở.

Thứ ba, RNM bảo vệ đê biển, có thể lấy thí dụ ở huyện Thái Thụy. Huyện có hai tuyến đê số bảy dài 45,1 km, đê số tám dài 41,5 km bao quanh huyện. Hầu hết các tuyến đê điều được xây dựng từ lâu đời, việc đắp đê chủ yếu bằng lao động thủ công. Các cơn bão số 6 và số 7 năm 2005 đúng vào lúc triều cường, sóng lớn nhưng các tuyến đê ở Thái Thụy không bị xói lở, đó là nhờ các dải RNM trồng từ sau khi đê Xuân Hải bị vỡ (1996).

Thứ tư, RNM hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Nhờ có nhiều kênh rạch cùng với hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường.

Ở TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây triều cường đã gây ngập nhiều khu dân cư, trong đó có một nguyên nhân là hầu hết các kênh rạch có những dải cây dừa nước và nhiều loài cây ngập mặn khác như bần, mắm, su, trang… ở các quận Nhà Bè (nhiều nhất là ở Phú Xuân), quận Bình Chánh đã bị chặt phá và lấp đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư cho nên không có chỗ cho nước thoát. Ngược lại, ở các rừng phòng hộ như ở Thạch Phú, Bến Tre và một số nơi khác, nhờ có rừng rậm, khi triều lên, sóng yếu, tiêu nước tốt cho nên nước mặn không vào sâu.

Thứ năm, RNM và đa dạng sinh học. RNM còn là nơi bảo vệ các động vật khi nước triều dâng và sóng lớn. Nhiều loài động vật đáy sống trong hang hoặc trên mặn bùn, khi thời tiết bất lợi, nước triều cao, sóng lớn đã trèo lên cây để tránh sóng như cá lác, các loài còng, cáy, ốc. Khi lặng gió và triều xuống thấp chúng trở lại nơi sống cũ. Do đó mà tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái RNM tương đối ổn định. Nhờ các mùn bã được phân hủy tại chỗ và các chất thải do sông mang đến được phân giải nhanh tạo ra nguồn thức ăn phong phú, thuận lợi cho sự hồi phục và phát triển của động vật sau các thiên tai.

Từ những phân tích nói trên, các cấp có thẩm quyền cần xác định và bảo vệ những khu vực RNM quan trọng, chiếm vị trí chiến lược trong đối phó với biến đổi khí hậu. Những khu RNM có xu hướng tiến về phía bờ cần được đặc biệt chú ý bảo vệ do chúng rất dễ chịu tác động của con người. Kiểm soát những tác động của con người đối với RNM. Bảo vệ và nhân giống những loài hoặc hệ sinh thái RNM tiêu biểu để dự phòng mỗi khi có thảm họa thiên nhiên xảy ra. Những mẫu tốt nhất cần được giữ trong hệ thống khu bảo tồn. Phục hồi những khu vực có RNM đã và đang bị suy thoái, tạo ra nguồn sinh kế ổn định cho cộng đồng địa phương, giảm áp lực lên các khu RNM lân cận.

Thiết lập những vành đai xanh và vùng đệm cho phép RNM có thể dịch chuyển đến khi nước biển dâng, giảm nhẹ tác động do các hoạt động sử dụng đất liền kề gây ra. Nghiên cứu cấu trúc thảm thực vật, mật độ, mức độ phong phú và đa dạng của các loài thực vật và thân mềm vùng RNM, năng suất sơ cấp, cơ chế thủy văn, tốc độ quá trình trầm tích và mực nước biển dâng. Xây dựng quan hệ đối tác với các bên tham gia để tạo một nguồn tài chính hỗ trợ cho việc đối phó với biến đổi khí hậu.