Vào “hang” gà loại thải (Kỳ cuối)

Chiều ngày 20/03, quyết định sang Đông Hưng – Trung Quốc. Hoà theo dòng du khách vượt “quan ải” Bắc Luân, A Lệ – cô gái người Hoa làm dịch vụ “chuyển người qua biên giới” hóm hỉnh: “Quyển sổ thông hành này anh chỉ được ở lại Trung Quốc 3 ngày 2 đêm. Phải giữ sổ và giấy xuất cảnh cẩn thận, nếu mất thì ở lại với A Lệ luôn đấy”.

Vào “hang” gà loại thải (Kỳ 1)

Nói rồi A Lệ nở nụ cười rất tươi giơ tay vẫy chào khiến tôi tự nhủ: Thế thì còn gì bằng! Chia tay A Lệ, ngay lập tức tôi bị rơi vào cảnh bất đồng ngôn ngữ. Tại Trung Quốc (TQ), tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thông dụng. Người ta nói với tôi rằng trong vòng bán kính 5km vùng biên, những người buôn bán và xe ôm đều có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt.

Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như thế. Chân chạm đất Đông Hưng tôi đã trở thành nạn nhân của cái gọi là “tiếng Việt” ở TQ. Gặp người xe ôm đầu tiên đến mời bằng một câu rất sõi: “Đi xe máy không?”, tôi mừng như bắt được vàng. “Chợ gà! Anh chở tôi đến chợ gà nhé”. Anh chàng gật đầu dõng dạc ra giá bằng giọng lơ lớ: “Chợ cà? 5 đồng”.

Giá cả thoả thuận xong, chúng tôi lên xe phóng vù vù chừng 2km và anh chàng đỗ xịch ngay trước một khu chợ rặt hải sản: cá, mực và nói “Chợ cà đó”!!!… Lần mò trong khu chợ, gặp người buôn bán nào cũng kéo lại hỏi thăm nhưng mười người như một đều trả lời thống nhất một câu: “Pu tủng à” (không biết).

Lang thang, len lỏi qua 5-7 khu phố chợ nhưng không thấy bóng dáng một con gà nào, tôi quyết định tìm đường ra sông với hy vọng khu tập kết gà sẽ ở rìa sông. Trên đường đi, tình cờ tôi nhìn thấy một nhà hàng mang tên Nguyên Anh nằm khuất trong bạt ngàn những biển hiệu chữ Trung Quốc.

Chủ quán là một phụ nữ Hoa kiều, từ khi trở về nước năm 1979, bà mở quán lấy lại tên Nguyên Anh của bà trước đây để hoài niệm về thời gian ở Việt Nam. Bà Nguyên Anh đã ngoài 70 tuổi nhưng còn khoẻ, nhanh nhẹn và hết sức nhiệt tình. Bà cho biết ở Đông Hưng cũng có khu chợ bán nhiều gà nhưng nếu muốn tìm mua gà đẻ “loại thải” thì không thể thấy trong các khu chợ, nơi đấy chỉ bán gà mổ rồi.

Gà sống thiến tại Đông Hưng có giá 23-24 đồng NDT/kg, gà mái cũng phải 20 NDT/kg mới mua được. Tính ra, cũng 50.000-55.000 VNĐ. Vì vậy, phải vòng ra khu Cửu Mao Lại đằng sau thị trấn, nơi ấy có khu trại gà “loại” từ trong nội địa TQ chuyển sang. Mà không phải lúc nào cũng có vì hàng được tập kết theo thoả thuận trước.

Khu trại này giáp triền sông và chỉ là điểm trung chuyển đợi các ông chủ Việt Nam sang “cất hàng”. Nếu muốn mua gà đẻ “loại thải” tận gốc thì phải vào hẳn thị trấn Phòng Thành, cách Đông Hưng gần 100km. Để đi đến khu Cửu Mao Lại, tôi nhờ bà Nguyên Anh giới thiệu một người xe ôm tên Trương Tử Cường. Anh chàng này thật thà, nhanh nhẹn và cũng bập bẹ một chút tiếng Việt nên hành trình tới trại gà Cửu Mao Lại khá “ngon”.

Trại gà Cửu Mao Lại là một khu nhà kho rộng rãi chừng 3.000 m2, nom cũ kĩ, lụp xụp và ẩm mốc. Trại gồm 4 dãy nhà cấp 4 xếp thành hình vuông. Nếu để nhốt gà thì một lúc, khu trại này có thể chứa hàng trăm tấn. Tiếc rằng, khi chúng tôi đến nơi thì lô hàng trong trại cũng vừa “vượt biên”. Tôi đoán, 2 tấn gà mà Đội KSHQ số 2 bắt giữ mà tôi kịp ghi lại hình ảnh lúc rạng sáng nay cũng có xuất xứ từ đây. Khu trại vắng hoe không một bóng người. Dấu vết đàn gà vừa “xuất ngoại” vẫn còn mới, mùi lông, phân gà bốc lên nồng nặc.

Với một thông tin mù mờ và vốn tiếng Trung đủ phát âm 4 chữ “Mải ti sư chang” có nghĩa “Chợ bán gà” vừa học, tôi nhờ Trương Tử Cường đưa ra bến xe mua vé đi Phòng Thành. Giữa phố sá nườm nượp, hàng triệu người Trung Hoa đi lại ồn ã, lạc lõng mình tôi một thứ tiếng. Không biết đi đâu, hướng nào. Để có thể về lại bến xe, tôi quay máy ảnh chụp 1 kiểu cho “chắc ăn” rồi tiếp tục hành trình tìm kiếm.

Rảo bước trên phố, ra hiệu, khoa chân múa tay diễn giải nhiều lần cuối cùng cũng có một người tỏ ra hiểu ý. Anh ta viết lên tờ vé xe khách của tôi 3 chữ: Phố Mễ Hàng (sau này dịch lại mới rõ). Tưởng như có chút manh mối, tôi hăm hở vẫy xe ôm đi theo địa chỉ ghi sẵn. Nhưng rốt cuộc người ta đưa tôi đến dãy nhà trọ bình dân nằm lẫn trong một khu dân cư. Trong cái rủi cũng có cái may. Trời cũng vừa tối, bến xe chắc cũng đã ngừng hoạt động. Lúc này không thể quay lại Đông Hưng được nữa nên tôi thuê đại một phòng đợi ngày hôm sau tính tiếp.

8h sáng ngày 21/03, tôi bước ra khỏi phòng trọ với hành trang mới mẻ và sinh động hơn vừa kịp bổ sung khi đi dạo phố tối qua: Bức ảnh chụp một đàn gà. Và may mắn chợt đến một lần nữa khi tôi tình cờ gặp một phụ nữ có trình độ “sơ cấp” tiếng Việt. Nhờ có bức ảnh đàn gà cộng thêm chút ít tiếng Việt mà người phụ nữ TQ còn nhớ được từ những ngày còn buôn bán ở vùng biên, chúng tôi đã “thực sự” hiểu nhau.

Vẫn trên tờ vé xe hôm qua tôi có thêm mấy chữ: “Đệ nhất chợ bán gà” lần này, người chở xe lôi đưa tôi đến khu chợ chuyên bán gia cầm có quy mô “đệ nhất” thật sự. Tại đây, khu vực kinh doanh gia cầm được khoanh thành một vùng riêng biệt, có mái vòm và chia lô, phân trại đàng hoàng. Phía bên phải của chợ là khu vực bán gia cầm tổng hợp đủ loại gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng….Bên trái quy hoạch gọn gàng hơn thành chuồng trại.

Bằng trực quan cũng có thể thấy rõ nơi đây chủ yếu bán gà đẻ “loại thải” xuất sang Việt Nam. Tất cả đều là gà công nghiệp. Với quy mô khu chợ này, lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng ngay lập tức 250-300 tấn gà khi khách buôn có nhu cầu. Gà được nhốt riêng biệt theo đàn và khi vận chuyển đều được đóng vào các lồng nhựa cứng – loại lồng nhựa mà các cơ quan chức năng phía Việt Nam thu được.

Có thể nói hoạt động buôn bán ở khu vực này diễn ra nhộn nhịp nhất chợ. Cứ 15-20 phút một lần, lại có xe ô tô chở hàng về tập kết. Lô gà xuất đi hôm trước khá lớn nên mặc dù ô tô liên tục đổ hàng nhưng vẫn nhiều chuồng trại còn trống…Thấy tôi lân la bên chuồng gà, các chủ hàng xúm lại mời chào. Xoè nắm tiền NDT đưa cho một chủ hàng ra hiệu hỏi bao nhiêu tiền 1kg, chị ta nhanh nhảu rút ra 11 tệ và xua tay thẳng thừng khi tôi vẽ “mũi tên” đề nghị giảm giá. Giao dịch chấm dứt. Giá buôn tại gốc quy đổi thành VNĐ chỉ 23 ngàn. Nếu đưa lên Đông Hưng, qua một “cầu” giao dịch nữa cộng thêm chi phí vận chuyển giá gà sẽ lên 12,5 NDT/kg, tương đương với 26.000 VNĐ. Sang đến biên giới Việt Nam là 31.000 đồng.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết chỉ cần mỗi tấn gà “qua biên” giao ngay tại Móng Cái sau khi đã trừ hết chi phí qua 3-4 lần vận chuyển trung bình chủ gà được lãi khoảng 4 triệu đồng. Mỗi xe từ 3-5 tấn, lợi nhuận lên tới 12-20 triệu đồng. Hệ thống xe ôm, cửu vạn cũng được hưởng lợi khoảng 100 ngàn đồng mỗi người cho mỗi gánh hàng. Lợi nhuận sẽ còn lớn hơn nhiều nếu như gà được đưa vào tiêu thụ tại các tỉnh nội địa.