Vài nét về đời sống dân tộc Mạ

ThienNhien.Net – Hiện nay do nhiều yếu tố tác động khác nhau nên đời sống văn hoá dân gian, nét đặt trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, ngày càng bị lu mờ, việc nghiên cứu, tìm tòi để có những định hướng trong việc duy trì bản sắc văn hoá của từng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn văn hoá các dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đâm đà bản sắc dân tộc.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện tại có 3 dân tộc tại chỗ trên 31 dân tộc anh em là Mạ, Êđê, M’Nông; dân số: 47.648 người, trong đó dân tộc Mạ có số dân: 5.997 người chiếm 12,58% dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đăk Nông, chủ yếu ở xã Đăk Nia thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk Glong, một phần của Huyện Đăk R’lấp và cư trú dọc sông Đồng nai.

Là cư dân sống lâu đời ở Tây Nguyên, họ sống tập trung chủ yếu ở phía Đông – Nam tỉnh và đa phần Cao nguyên Lâm viên. Hoạt động sản xuất chủ yếu là làm nương rẫy, loại rẫy đa canh, ngoài trồng lúa còn trồng các loại cây hàng năm khác như bắp, bầu, bí, thuốc lá, bông vải…; còn tại huyện Cát Tiên, Lâm Hà, Di Linh tỉnh Lâm Đồng đồng bào Mạ đã biết làm ruộng nước từ rất sớm với phương thức lùa đàng trâu xuống dẫm đất cho nhuyễn, sau đó mới gieo lúa giống. Chăn nuôi chủ yếu là trâu, bò thả rông thành đàn, hiện nay, đồng bào Mạ vẫn còn giữ được truyền thống đánh bắt cá, săn bắn. Người Mạ nổi tiếng về nghề trồng bông dệt vải, nghề làm thuyền độc mộc phát triển chủ yếu ở lưu vực sông La Ngà.

Dân tộc Mạ còn được gọi là: Châu Mạ, Chau Mạ, Chô Mạ, Chê Mạ, và các nhóm dân tộc Mạ ở Tây Nguyên là Mạ Ngăn, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung. Người Mạ sống thành từng bon, và có truyền thống làm nhà sàn dài (Hiu roong: cách mặt đất khoảng 0,6 đến 1m trở lại), mỗi nhà sàn dài có ít nhất 10 đến 15 người sinh sống, xung quanh nhà ở họ còn dựng nhiều kho lúa trên sàn cao, các cột nhà kho đều trang trí theo các mô tiếp chày cối.

Nền văn hoá dân gian khá phong phú gồm nhiều truyền thuyết, truyện cổ và những bài dân ca trữ tình gọi là tâm pơt, yal yang, nau long, tong sơh… Nhạc cụ truyền thống là bộ chiêng đồng 6 chiếc không núm. Khi hoà tấu có trống bịt da trâu đánh giáo đầu, giữ nhịp và để hồi trước khi kết thúc. Con trai Mạ thường thổi khèn bầu, sáo trúc, tù và bằng sừng trâu. Trong tang lễ người Mạ dùng ống nứa làm đàn và đánh các làn điệu tang ma.

Các phong tục tập quán của người Mạ ở vùng sâu, vùng xa còn mang dáng vấp hoang sơ của thời nguyên thuỷ, họ sống đoàn kết, tương trợ nhau cùng vượt qua mọi khó nhăn, cực khổ trong cuộc sống và sinh hoạt, họ cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn của bon mình và cùng góp công, góp của trong việc sinh hoạt cộng đồng, đình đám, ma chay, cưới xin, dựng nhà, dời nhà …

Họ còn lưu giữ được những tập quán truyền thống, xem các nguồn lợi ở trên đất là thuộc quyền sở hữu của bon. Bản chất của người dân tộc Mạ thật thà chất phát và giàu tình cảm, rất mến khách. Nét đặc trưng của họ trong việc cưới hỏi là quyền chủ động của nhà trai, nhưng sau lễ cưới nếu nhà trai nộp đủ sính lễ thì đôi vợ chồng chỉ ở lại nhà gái 7 ngày, còn không chàng trai phải ở rể đến khi nộp đủ lễ vật mới được đưa vợ về nhà mình.

 
Phụ nữ dân tộc Mạ.

Trang phục của người Mạ là phụ nữ mặc váy quấn, dài quá bắp chân, áo chui đầu vừa sát thân dài tới thắt lưng, kín tà. Nam đóng khố, áo hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước. Người Mạ có tập quán cà răng căng tai, phụ nữ thích đeo các đồ trang sức, đặc biệt là trong các ngày lễ hội (Kông dơng: vòng xoắn chân; Kông tê: vòng xoắn tay; Wăn trã: vòng cổ to bản; Yong R’nân: vòng hạt cườm nhiều màu sắc). Thanh niên mang nhiều vòng đồng ở cổ tay có ngấn khắc chìm như là ký hiệu của các lễ hiến sinh tế thần linh, cầu may cho chính mình.

Xuất phát từ những yếu tố đa dạng, phong phú về đời sống văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Mạ nói riêng, nhằm phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và tạo điều kiện từng bước trong việc bảo tồn, chấn hưng văn hoá, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động làm sống lại bản sắc văn hoá của mình trong thời đại ngày nay.

Người dân tộc Mạ cần có những yếu tố cần thiết để duy trì và phát huy bản sắc văn hoá của mình. Nếu không có những giải pháp cấp thiết thì vấn đề đó sẽ dễ bị lu mờ hoặc xoá nhoà trong tương lai. Bởi lẽ, trong quá trình hội nhập của nền kinh tế thị trường đã tác động ảnh hưởng sâu sắc đối với văn hoá truyền thống của dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Mặt khác, do nhu cầu tín ngương của một bộ phận đồng bào, nên các giá trị truyền thống bị lãng quên, như việc ít sử dụng cồng chiêng trong các dịp lễ hội – di sản văn hoá độc đáo của các dân tộc mình, không sử dụng các hoạt động văn hoá truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, những nét văn hoá tốt đẹp mà cha ông đã dày công vun đắp hàng nghìn năm qua.