Lão nông ươm mầm xanh trên đá

ThienNhien.Net – Ở vùng miền núi Cao Lộc, Lạng Sơn, diện tích núi đá chiếm một tỉ lệ tương đối lớn và chủ yếu được khai thác sử dụng cho các công trình xây dựng, giao thông. Thế nhưng, nhờ bàn tay cần mẫn của người nông dân, núi đá có thể “biến” thành nơi canh tác nông nghiệp, giúp người dân miền núi làm giàu. Ông Tăng Túng Khìn 54 tuổi, dân tộc Nùng ở thôn An Chi, xã Bình Trung là một trong số những người tiên phong ấy, đã táo bạo khai hoang núi đá để mở ra mô hình kinh tế, bước đầu mang lại hiệu quả.

Gian nan mở đá trồng rừng

Năm 1992, ông Khìn “khăn gói” từ huyện Văn Quan ra An Chi (Bình Trung, Cao Lộc) lập nghiệp chỉ với 2 bàn tay trắng. Để có đất canh tác, cuối năm 1993, ông Khìn đã táo bạo vác dao lên núi đá khai phá cỏ dại, cây gai mong tìm được đất sinh nhai lập nghiệp.

Mới đầu ông gặp không ít những khó khăn: “Tôi phải chui luồn xuống phía dưới đám cỏ dại, cây gai, leo trèo trên vách đá để phát quang bụi rậm. Con dao nặng cân mốt, sau hai năm phá núi nó trở nên nhọt hoắt, mỗi năm mất đến ba hòn đá mài”. Ông cho biết thêm, có những ngày hè oi ả, ông vật lộn với núi đá đến tật giữa trưa. Mồ hôi nhễ nhại, mệt mỏi, nhiều lúc cũng thấy nản chí, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì vợ con nên ông lại tiếp tục nhẫn nại với công việc khai hoang núi đá của mình.

Không phụ lòng người dám nghĩ dám làm, cuối cùng ông Khìn khai phá được hơn 4ha diện tích núi đá, biến thành nơi trồng trọt chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế.

Làm giàu trên núi đá

Năm 1994, ông Khìn sang Bằng Tường (Trung Quốc) mua 120 gốc mận cơm về trồng và 3 năm sau, ông thu được lứa mận đầu tiên, bán được 6 triệu đồng. Thấy hiệu quả, ngay trong năm đó ông trồng thêm 600 gốc mận, đến năm 1999 năng suất được hơn 4 tấn mận, thu về hơn 10 triệu đồng.

Cũng từ năm 1999, ông Khìn tận dụng núi đá, cỏ dại để nuôi thêm dê. Đàn dê lúc cao điểm lên đến hơn 100 con, trị giá hơn 100 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, mấy năm gần đây ông Khìn còn mạnh dạn trồng thêm các loại cây ăn quả khác như: bưởi (300 gốc), cam (200 gốc), mít (60 gốc), xoài, mơ… Từ 1 đến 2 năm tới những cây này sẽ cho thu hoạch. Ngoài ra, hàng trăm cây gỗ quý như nghiến, lý, lác.. được ông chăm sóc và bảo vệ.

Đặc biệt, xen canh giữa các cây ăn quả, ông Khìn còn trồng thêm loại rau bò khai – một loại rau đặc sản. Đây là cây cho thu nhập đều đặn. Phiên chợ nào ông cũng hái rau bò khai ra chợ Đồng Đăng bán. Hiện, ông Khìn có gần 3ha loại rau này.

Ông Khìn không có ruộng, gia đình với 7 miệng ăn chủ yếu sống dựa vào hơn 4ha núi đá. Trung bình mỗi năm ông thu nhập khoảng 30 đến 40 triệu đồng. Từ “vô gia cư”, đến nay ông Khìn đã mua được 3 sào đất và xây nhà, sắm sửa nhiều đồ dùng khác.

Thời gian tới, tôi sẽ nuôi thêm hươu, nhím và tăng số lượng đàn dê và biến khu núi đá của mình trở thành một trang trại trồng trọt và chăn nuôi tổng hợp, có quy mô”- ông Khìn tâm sự về dự định của mình.

Chủ tịch xã Bình Trung, Vương Quang Phìng cho biết, xã cũng đang dự định cho ông Khìn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình ở một số nơi. Sau đó sẽ khuyến khích mở rộng mô hình của ông Khìn ra toàn xã cho mọi người học tập, tận dụng tối đa núi đá vào sản xuất kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.