Tàu cá… xuất ngoại

Trong khi nhiều tàu cá đang phải nằm bờ vì “bão giá” xăng dầu thì ông Bảy Kim ở cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) lại mạnh dạn cho đội tàu trên chục chiếc nhổ neo ra khơi. Đã thế, đội tàu của ông lại đánh bắt ở tận ngư trường Malaysia.

Đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên đàng hoàng của ngư dân vùng này. Gần một năm lặn lội đi nộp hồ sơ, xin thủ tục, giấy phép… ở các cơ quan, bộ ngành từ địa phương cho đến trung ương và bay sang Malaysia ký kết hợp đồng khai thác thủy sản, ông Bảy Kim đã trở thành ngư dân đầu tiên ở Cà Mau đưa 12 chiếc tàu cá công suất lớn đi khai thác cá tôm vượt ra khỏi hải phận Việt Nam.

Mở đường trên biển

Sau bão Linda lịch sử xảy ra vào năm 1997, hàng ngàn ngư dân Cà Mau lâm cảnh nợ nần do tàu bè tan tác. Tàu của ông Bảy Kim nhờ là tàu lớn trên 100 tấn nên vượt qua được bão to gió lớn. Sau bão, khi nhiều người bỏ nghề thì ông vẫn trụ được. Nhờ đó, mười năm sau, ông Bảy Kim đã đóng thêm được bốn tàu, đều mang tên Thanh Phong.

Năm nay ông Bảy Kim đã gần 70 tuổi. Cả đời gắn bó với biển, ông luôn đau đáu tìm một hướng đi để hầu giúp ngư dân bớt cơ cực. Tình cờ một lần ông nghe một bản tin liên quan đến một số ngư dân Kiên Giang bị lừa khi ký hợp đồng đánh bắt với nước ngoài. Nhưng bản tin ấy lại làm ông bật ra một tia sáng: sao không thể đàng hoàng hợp tác với nước ngoài để khai thác ngư trường? Ông tức thời lập thủ tục mở công ty. Khi có đủ tư cách pháp nhân, ông liên hệ ngay với Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau để được hướng dẫn ra trung ương xin giấy phép đưa tàu cá… xuất ngoại!

Bản thuyết trình kế hoạch đánh bắt ở hải phận nước ngoài của ông đã được các cơ quan chức năng chấp thuận. Cục Khai thác – bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) mới đây đã chính thức cấp giấy phép cho đội tàu đầu tiên ở Cà Mau do ngư dân Bảy Kim làm chủ đại diện sang Malaysia đánh bắt.

Ngư trường mới

Nhưng không phải ai cũng háo hức “xuất ngoại” như ông Bảy Kim. Trong thời gian chờ “ngày lành tháng tốt” để khởi hành, một số người ở Cà Mau dè dặt cho rằng ông Bảy Kim bị… “khùng” vì nếu cho tàu đi càng xa thì càng tốn dầu, càng lỗ vốn và sẽ bị “ăn quả lừa” giống như ngư dân Kiên Giang. Tuy nhiên, qua một vài lần khảo sát ngư trường nước bạn, ông tin chắc sẽ thắng.

Ngay sau Tết Mậu Tý vài ngày, ông cho kế toán trưởng của mình sang Malaysia ký hợp đồng khai thác. Đợt “xuất ngoại” vừa rồi, ngoài bốn chiếc tàu mang tên Thanh Phong, đã có thêm tám ngư dân liên kết với công ty của ngư dân Bảy Kim để đưa tàu sang Malaysia đánh bắt. Trong đó có đến sáu tàu mang số hiệu của tỉnh Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đội tàu này có tổng công suất lên đến 3.634 chyên viên chuyên câu, câu mực, lưới rê, chong đèn và lưới vây.

Ông Bảy Kim phấn chấn: “Tàu đến Malaysia chúng tôi tiến hành cập cảng để làm thủ tục nhập cảnh tàu và thuyền viên rồi mới ra khơi khai thác. Ngư trường được nước bạn cho phép đánh bắt khá rộng với chiều dài 300 hải lý. Chuyến đi này chúng tôi đảm bảo sẽ thu vài tỉ đồng tiền lời vì các thuyền trưởng báo về cho biết ngư trường nước bạn sản lượng cá còn quá lớn”.

Một trong những lợi thế mà “đội tàu xuất ngoại” lần này phấn chấn ra khơi là dù khai thác ở vùng biển nước ngoài, nhưng tàu cá Việt Nam không phải chia tôm cá hay tiền bán cá cho phía bạn, mà chỉ nộp cho công ty đánh bắt thủy sản bên Malaysia 2.000 USD/tàu/tháng. Số tiền này được phía Malaysia gọi là thuế tài nguyên khai thác thủy hải sản, được áp dụng cho tất cả các tàu cá nước ngoài đánh bắt hợp pháp trên hải phận của họ chứ không riêng gì tàu cá của Việt Nam.

Đặc biệt, nếu bán cá tại các cảng của Malaysia sẽ được đối tác hoàn lại 100% tiền dầu để các tàu cá đủ điều kiện cho chuyến đánh bắt tiếp theo. Chính vì vậy, khi tàu vừa nhổ neo ra khơi, đã có rất nhiều người tìm đến nhờ ông Bảy Kim hỗ trợ các thủ tục để đưa tàu cá lên đường ra biển lớn.