Đồng bằng Sông Cửu Long: Chạy đua xây nhà máy chế biến thủy sản

Chưa bao giờ phong trào xây dựng nhà máy chế biến thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển rầm rộ như hiện nay. Từ An Giang sang Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau… nhà máy mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều người bảo “thủy sản đang lên đời” nên ai cũng ùn ùn đầu tư xây nhà máy để thu tiền tỷ.

Đua nhau xây nhà máy mới…

An Giang được xem là tỉnh dẫn đầu trong cuộc đua xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Hiện tại, An Giang có tới 26 nhà máy chế biến cá tra, ba sa xuất khẩu, công suất khoảng 220.000 tấn thành phẩm/năm.

Kế hoạch năm 2008, các doanh nghiệp sẽ đầu tư xây thêm 8 nhà máy mới, đưa tổng số nhà máy chế biến cá tra, ba sa lên con số 34, đứng đầu cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở Thủy sản An Giang, tính toán: “Với số lượng nhà máy hùng hậu như trên, năm nay chúng tôi phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ 400-430 triệu USD, tăng khoảng 30% so với năm 2007”.

Người bạn láng giềng Đồng Tháp cũng ráo riết kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy. Theo dự tính, năm 2008 sẽ có từ 5-7 nhà máy mới ra đời với tổng công suất thiết kế trên 100.000 tấn thành phẩm/năm. Trong đó, Công ty cổ phần Hùng Vương đang chuẩn bị khánh thành nhà máy chế biến cá tra, ba sa công suất 200 tấn nguyên liệu/ngày tại KCN Sa Đéc.

Song song đó, nhiều doanh nghiệp đang kéo về các huyện Lai Vung, Lấp Vò… tìm đất đầu tư xây nhà máy gắn với vùng nuôi cá. Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, với chiều hướng phát triển hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra, ba sa năm 2008 sẽ mang về không dưới 200 triệu USD, khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tại Tiền Giang, nguồn nguyên liệu không được dồi dào nhưng các nhà đầu tư cũng xây dựng đến 21 nhà máy chế biến thủy sản. Trong năm nay, sẽ xây thêm 2 nhà máy mới.

Đối với nhà máy chế biến tôm xuất khẩu thì Cà Mau dẫn đầu khu vực với 26 nhà máy. Năm 2008, dự kiến xây thêm 6 nhà máy, trong đó 3 nhà máy đã được cấp phép. Bạc Liêu cũng đang xúc tiến xây dựng 2 nhà máy, nâng toàn tỉnh lên 14 nhà máy chế biến thủy sản. Theo Sở Thủy sản Sóc Trăng, ngoài 11 nhà máy hiện có thì tới đây các doanh nghiệp sẽ đầu tư xây mới 3 nhà máy chế biến thủy sản.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tiết lộ: “Năm nay cầu Rạch Miễu sẽ được thông xe, rút ngắn đoạn đường từ Bến Tre về TPHCM. Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đăng ký xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Ngoài việc xây những nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu thì có cả nhà máy chế biến thức ăn phục vụ nghề nuôi thủy sản ở địa phương và các tỉnh lân cận”.

Mừng hay lo?

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 3,75 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2006), đưa Việt Nam vào top 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Mục tiêu phấn đấu năm 2008, xuất khoảng 4,25 tỷ USD. Trong đó, tháng 01/ 2008 các doanh nghiệp thủy sản xuất đạt 255 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể nói, thủy sản đang là ngành làm ăn hiệu quả mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Do đó, các doanh nghiệp ở ĐBSCL chạy đua xây dựng nhà máy là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra lúc này là sự “bùng nổ” nhà máy chế biến thủy sản thì vùng nguyên liệu có kịp đáp ứng, hay dẫn đến chuyện xây xong đóng cửa (!?).

Cần phải thấy rằng, năm qua nhiều nhà máy chế biến tôm “kêu trời” vì thiếu nguyên liệu hoạt động, khiến nhiều hợp đồng xuất khẩu bị ảnh hưởng. Thế là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải xin Chính phủ cho cơ chế nhập nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài về chế biến. Các nhà máy chế biến cá tra, ba sa cũng gặp tình cảnh tương tự. Tình trạng thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra, bình quân nhà máy chỉ hoạt động 50%-60% công suất.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở Thủy sản An Giang, thừa nhận: “Khi nhà máy ra đời thì nhất thiết tính đến nguyên liệu. Những năm qua, tình trạng lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu cứ lặp đi lặp lại ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của ngành thủy sản. Giải quyết việc này, An Giang yêu cầu các doanh nghiệp khi xây dựng nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu. Tỉnh sẽ quy hoạch cụ thể từng khu vực nuôi cá để doanh nghiệp đầu tư xây dựng hoặc liên kết với người nuôi tại chỗ.

Mặt khác, khuyến cáo hộ nuôi nhỏ lẻ nên tập trung lại vào các hợp tác xã, tổ hợp tác… hình thành vùng nuôi khép kín quy mô lớn. Từ đó gắn kết giữa người nuôi và nhà máy dễ dàng. Đồng thời quản lý được dịch bệnh, môi trường và nâng cao chất lượng cá”. Cách làm trên của An Giang được nhiều doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Các công ty lớn như Nam Việt, Agifish… đều xây dựng vùng nguyên liệu với quy trình nuôi nghiêm ngặt đảm bảo cá đạt chất lượng cao.

Đối với vùng tôm nguyên liệu, ông Diệp Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, băn khoăn: “Chúng tôi có trên 245.000ha tôm nhưng cứ từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm là rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu hoạt động. Nhiều nhà máy chỉ chạy cầm chừng khoảng 40% công suất, thậm chí nhập tôm từ Trung Quốc, Thái Lan… về chế biến”.

Giải quyết việc này, ông Hải đề xuất ngành thủy sản các tỉnh và doanh nghiệp nên ngồi lại tính toán việc phân bổ lịch thời vụ cho hợp lý để tránh tình trạng thừa và thiếu nguyên liệu cục bộ. Đồng thời không để xảy ra tranh mua tranh bán, phải đảm bảo lợi ích giữa nhà máy và người nuôi.