Hậu quả từ việc phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thuỷ sản ở Đồng Rui

Là xã đảo, Đồng Rui (Tiên Yên, Quảng Ninh) có diện tích đất tự nhiên 4.955,17 ha, trong đó rừng ngập mặn 2.753,75 ha, chiếm 55,6% diện tích đất tự nhiên. Nhiều nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu đã đánh giá Đồng Rui là địa phương có diện tích rừng ngập mặn cũng như sự đa dạng phong phú đứng thứ nhất, nhì miền Bắc.

Hồi sinh rừng ngập mặn Đồng Rui

Gần 100% người dân xã Đồng Rui có cuộc sống phụ thuộc vào rừng ngập mặn. Khoảng 50% người dân trong xã sống bằng nghề khai thác hải sản tự nhiên, do vậy rừng ngập mặn chính là nơi cung cấp các loại hải sản như tôm , cua, cá, ốc, ngao, ngán, vạng và nhiều loại thân mềm khác như sá sùng, bông thùa. Còn khoảng 50% số hộ dân sống bằng nghề trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản thì rừng ngập mặn chính là vành đai chắn sóng chống bão có hiệu quả.

Tuy rừng ngập mặn có vị trí rất quan trọng với Đồng Rui, nhưng vào những năm 90 của thế kỷ trước, hàng ngàn ha rừng ngập mặn của xã Đông Rui bị chặt phá để phục vụ cho việc đắp đầm nuôi trồng thuỷ sản, làm củi đun, muối hải sản. Hậu quả của việc chặt phá rừng ngập mặn bừa bãi đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong xã.

Những người làm nghề khai thác hải sản tự nhiên vì diện tích rừng bị thu hẹp, không làm ăn được phải đi nơi khác để duy trì cuộc sống. Những người sống bằng nghề trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản thì luôn lo sợ ảnh hưởng của triều cường vì không có rừng chắn sóng. Điển hình như cơn bão số 6 năm 2005 với những đợt triều cường mạnh đã tràn vào thôn 4 làm nhiễm mặn hồ Hạ (là nguồn nước tưới duy nhất cho 46 ha ruộng của thôn) và làm ngập mặn hơn 20 ha ruộng trồng cấy của bà con, cho đến nay hậu quả này vẫn chưa khắc phục xong.

Do bị nhiễm mặn nên những ruộng cấy lúa cũng cho năng suất thấp, khoảng 3- 3,5 tấn/ha, thấp hơn khoảng 1 tấn/ha so trước đây. Ruộng không có nước tưới tiêu còn người dân lao đao vì thiếu nước sinh hoạt. Tất cả các giếng nước của thôn 4 đều bị nhiễm mặn. Từ năm 2000, xã Đồng Rui đã tìm nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả của việc chặt phá rừng ngập mặn.

Cũng nhờ sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế như tổ chức KVT(Hà Lan), ACTMANG (Nhật Bản). Đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) và chương trình FGP- PTF (EC/UNDP), 7 năm qua xã đã huy động bà con trồng mới được 305 ha rừng ngập mặn. Riêng 2 năm 2006 – 2007 trồng được 120 ha, nhưng đó cũng chỉ là diện tích nhỏ so với diện tích rừng ngập mặn đã mất đi do bị chặt phá trước đây.

Ông Nguyễn Quốc Trưởng, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui cho biết: “Ngoài việc trồng rừng chúng tôi còn có kế hoạch xây dựng quỹ cộng đồng, quy chế bảo vệ rừng; hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất than tổ ong ở thôn 4 để giải quyết nhu cầu về chất đốt cho cộng đồng, giảm thiểu sức ép đối với rừng. Chúng tôi tổ chức nhiều lớp tập huấn phổ biến cho cộng đồng về kỹ thuật trồng rừng và công tác quản lý bảo vệ rừng. Đến nay ở xã không còn hiện tượng phá rừng làm đầm nuôi trồng hải sản, chặt cây rừng làm củi… Toàn xã đã thành lập 4 ban quản lý đại diện cho 4 thôn và có 1 ban điều hành phụ trách chung. Đặc biệt tất cả các thôn đều xây dựng được quy chế quản lý bảo vệ rừng ngập mặn rất chi tiết và cụ thể. Ban quản lý đã bắt giữ lập biên bản những đối tượng chặt phá rừng đưa lên huyện xử lý. Một số vụ xã đã tịch thu sản phẩm và phương tiện hành nghề của đối tượng vi phạm sau đó phát lên loa truyền thanh của xã. Những hộ trong xã vi phạm chặt rừng làm củi đun, Ban quản lý đến từng nhà lập biên bản xử phạt, sau đó yêu cầu các hộ này ký vào biên bản cam kết không tiếp tục chặt phá rừng, và những biện phát này đã phát huy được hiệu quả rõ rệt”.

Tuy nhiên, trong việc hoàn nguyên môi trường, hiện nay Đồng Rui vẫn còn gặp nhiều khó khăn khác, đó là trên địa bàn xã còn khoảng 500 ha đầm nuôi trồng thuỷ hải sản của một số hộ có xuất xứ từ tỉnh ngoài đã bỏ không nhiều năm nay. Họ được các cơ quan chức năng cấp giấy phép nuôi trồng thuỷ sản từ năm 1994 đến năm 2014. Chỉ có điều nhiều chủ đầm chỉ nuôi trồng một vài vụ do không hiệu quả đã bỏ không đoái hoài gì đến đầm hơn chục năm nay. Người dân trong xã gọi đó là “Đầm 3 không” (không hoạt động, không đóng thuế, không hiệu quả). Nhưng khi xã yêu cầu trả lại đất để hoàn nguyên môi trường, thì họ bắt bồi thường tiền đắp đầm đến hàng tỷ đồng.

Một cán bộ xã Đồng Rui bất bình nói: “Thật phi lý, bờ đầm để tan hoang không còn giá trị sử dụng nữa mà còn bắt đền. Nếu các chủ đầm này còn hoạt động thì phải đóng thuế như đã quy định trong hợp đồng”. Đã có trường hợp chủ đầm kiện cán bộ xã Đồng Rui khi cho dân trồng rừng lên diện tích đầm bỏ hoang của họ.

Trong báo cáo số 23 ngày 18/08/2007 về tình hình phát triển quản lý rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui của UBND xã Đồng Rui đã nêu rõ: “Đáng tiếc do sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền trước đây, đã cấp đất cho một số người dân đắp đầm nuôi thuỷ sản và ý thức của người dân chưa cao, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với đời sống dân cư, nên trong những năm của thập kỷ 90, thế kỷ 20 địa bàn nơi đây có hàng ngàn ha rừng bị tàn phá vào các mục đích khác nhau”. Cái sai trước đây như trong báo cáo của UBND xã thì huyện, xã đã nhận thấy rõ, nhưng việc sửa sai xem ra còn vướng mắc từ nhiều phía, vượt qua khả năng giải quyết của huyện Tiên Yên và xã Đồng Rui.