Mật ngọt từ vùng đá khát

Trên cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều xã thuộc huyện Mèo Vạc, Đồng Văn thiếu nước sinh hoạt từ 4 đến 6 tháng trong năm. Ngày ngày, người dân vùng cao phải lần theo khe đá, tìm hứng từng giọt nước để ăn uống, sinh hoạt. Song, bên cạnh những khó khăn, người dân cũng đã khai thác được nguồn lợi từ thiên nhiên khắc nghiệt.

Nước ngọt hiếm hơn nước mắt!

Từ thị xã Hà Giang đi cao nguyên Đồng Văn, mọi người sẽ có cảm giác như đang leo lên trời. Độ cao trung bình của Hà Giang là 800m – 1.200m so với mực nước biển. Từ độ cao nhìn xuống thung lũng phía dưới, đâu cũng chỉ bắt gặp một màu đá xám khô lạnh. Có lẽ đây là miền “khát” nhất trên dải đất hình chữ S này.

“Đồng bào ta thiếu nước từ 4 đến 6 tháng – ông Vàng Pháy Ly, Bí thư Đảng ủy xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn) thủng thỉnh nói. Nhà nào cũng được nhà nước đầu tư xây bể nhưng nước mưa ít quá nên chẳng chứa được bao nhiêu. Hàng ngày, người dân phải tập trung sức cho việc đi tìm nước ăn, không có thời gian lao động sản xuất, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 87%”.

Kề sát đó là huyện Mèo Vạc với gần 100% thôn bản thiếu nước sinh hoạt, dù trong năm 2007, nơi đây đã được đầu tư xây thêm 105 bể nước ăn với mức chứa 830m3 nước. Sùng Thị Và ngồi hứng từng giọt nước bên dốc Mã Pì Lèng. Năm nay cô 32 tuổi, đã 20 năm địu can đi lấy nước. Trên chiếc gáo của Và, nước chậm chạp chảy từ khe đá nhỏ xuống từng giọt, từng giọt như phin cà phê. Cô cho biết hứng từ sáng tới trưa sẽ được đầy can 20 lít, là nước sinh hoạt cho 6 người và nước uống cho 3 con bò trong một ngày. Hôm nay trời mưa nên cô có thể hứng ngay bên đường, ngày không mưa thì phải địu can leo núi hàng giờ mới tìm được nước.

Mật ngọt từ đá

Cũng chính tại vùng đá này có một loại đặc sản mà bất cứ ai đến đây cũng kiếm tìm: mật ong bạc hà. Từ lâu, mật ong bạc hà đã được truyền tụng bởi những dược tính đặc biệt của nó. Đó là khả năng bồi bổ sức khỏe, chữa các bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Người vùng cao cho biết mật ong bạc hà được sản xuất từ nguồn mật nguyên chất ong nuôi theo phương pháp truyền thống trên vùng nguyên liệu thức ăn hoàn toàn tự nhiên, chủ yếu là mật của cây hoa bạc hà và một số loại thảo mộc mọc hoang dại chỉ có ở vùng cao nguyên núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang.

Người Mông trên cao nguyên đá đã nuôi ong từ nhiều đời nay. Vừ Mí Chá (30 tuổi) ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cho biết khi lấy vợ ra ở riêng được bố mẹ chia cho 3 đàn, nay đã nhân giống được 22 đàn, vừa quay được 10 can mật (200 lít), bán 17 triệu đồng, lãi bằng nuôi 5 con bò mà không phải đi lấy cỏ, lấy nước như nuôi bò. Toàn huyện Mèo Vạc hiện có trên 5.000 đàn ong, huyện Đồng Văn cũng đang mở rộng mô hình nuôi ong, mỗi năm thu hàng tỷ đồng, đây là nguồn thu không nhỏ đối với người dân vùng cao vừa thiếu nước ăn, vừa thiếu đất trồng trọt.

Người vùng cao dặn nếu có mua mật ong phải chọn đúng mật có màu vàng chanh hoặc vàng nâu, mùi thơm đặc trưng hoa bạc hà. Nếu là mật ong lai sẽ có vị chua và hương không thơm, nhiều người vì lợi nhuận đã đem giống ong Ý về nuôi, năng suất tuy cao nhưng chất lượng mật kém. Có sự khác biệt về hương vị của mật dù vẫn đất ấy, vẫn hoa ấy, bởi con ong của vùng đá này cần mẫn hiếm có, sau khi lấy mật về, chúng còn dùng cánh quạt cho đến khi mật ráo nước. Đàn ong cũng chịu thương chịu khó, y như những con người đang bám vào đá mà sống.