Để nông thôn ngày càng phát triển

Để đất nước phát triển bền vững, xin đừng quên nông thôn, nơi đang còn 70% dân số sinh sống, nơi đang sản xuất hàng chục triệu tấn lương thực nuôi sống chúng ta và cung cấp hàng tỉ USD hàng nông sản xuất khẩu, làm giàu cho đất nước.

Nghĩ về phát triển nông thôn ngày nay, cũng không nên quên nông thôn trong quá khứ, nơi đã chịu bao nhiêu hy sinh cho đất nước thanh bình…

Nông thôn, gần mà xa

Không thể phủ nhận rằng công cuộc đổi mới triển khai trong hơn 20 năm qua đã mang lại những đổi thay rõ rệt trong nông thôn nước ta và trong đời sống người nông dân: sản xuất tăng trưởng, nhà cửa, đường sá khang trang hơn, ôtô đã vào được trung tâm của nhiều xã, đường điện kéo dài đến nhiều nhà dân, trẻ em đến độ tuổi được đi học nhiều hơn trước rõ rệt, các trạm y tế xã được xây dựng…

Tuy vậy, nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây đã đưa ra những chứng cứ, số liệu cho thấy nông thôn đang còn phát triển chậm so với thành thị, đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết tốt. Chưa kể những trường hợp đột xuất như nhiều địa phương miền Trung năm qua đã bị nhiều cơn bão chà đi xát lại, dịch cúm gia cầm trên diện rộng, lại đến những ngày rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm 2008 (ở miền Bắc), mạ chết, trâu bò chết (chủ yếu là của nông dân nghèo)… làm cho nông dân thêm khốn đốn, mà ngay trong điều kiện bình thường, nhiều địa phương khác cũng vẫn còn những “vùng sâu, vùng xa” rất đáng quan tâm.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là chênh lệch giàu – nghèo đang có xu hướng giãn ra xa hơn. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2004, trong khi tỷ lệ người nghèo chung ở thành thị là 3,6% thì ở nông thôn lên tới 25%, trong đó, cao nhất là Tây Bắc 58,6%; Tây Nguyên 33,1%; Bắc Trung bộ 31,9% và Đông Bắc 29,4%. Chênh lệch giàu – nghèo (chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và nhóm 20% nghèo nhất trong tổng dân số cả nước) đã tăng từ 4,98 năm 1993 lên 5,28 năm 1998; 5,88 năm 2002 và 8,3 năm 2004.

Sự bất bình đẳng giữa nhóm người nghèo nhất và nhóm người giàu nhất thể hiện rõ hơn cả ở các chỉ tiêu quan trọng phản ánh khả năng sinh kế và chất lượng cuộc sống của các nhóm. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2002, thu nhập bình quân đầu người một tháng của nhóm giàu nhất cao gấp hơn tám lần so với nhóm nghèo nhất; số giờ làm việc chênh lệch là 1,7 lần (không phải vì người nghèo không muốn làm việc mà là do họ không tìm được việc làm, đặc biệt là trong thời gian nhàn rỗi ở nông thôn và ở những vùng đô thị hóa, nông dân không còn đất canh tác); chi tiêu cho giáo dục gấp 6 lần; chi tiêu cho y tế gấp ba lần; tỷ lệ hộ sử dụng nước máy gấp trên 27 lần…

Tuy đó là những con số lạnh lùng mà biết nói, nhưng chỉ với những con số “bình quân” ấy cũng chưa nói hết được tình trạng bất bình đẳng, vì như câu chuyện giữa một nông dân tỉnh nọ với một vị lãnh đạo: có hai con gà và hai người, một người ăn cả hai con, người kia không được ăn, nhưng khi tính bình quân hai con gà chia cho hai người thì mỗi người vẫn được tính là ăn một con! Càng thấy xót xa hơn nữa khi xem những tấm hình chụp được ở Lai Châu trong những ngày giá rét tháng 2-2008: những em bé áo phong phanh, chân trần khi nhiệt độ ngoài trời xuống đến 50C, thậm chí 10C.

Trong khi thu nhập tăng chậm, đời sống còn nhiều khó khăn, thì đóng góp của nông dân cũng đang là gánh nặng cho họ: đã có những cuộc điều tra cho thấy mỗi hạt thóc phải chịu 30 đến 40 thứ phí và lệ phí. Khi tỉnh Thái Bình mở khu công nghiệp, có 45% nông dân sống ở đó phải bỏ đi vì không kiếm được việc làm; cũng ở đây, có đến 6.408 hộ nông dân nghèo ở 101 xã buộc phải bỏ ruộng vì không đủ sức canh tác (theo Báo Nông thôn ngày nay, ngày 13-4-2007). Xin không bình luận gì thêm về những nguy cơ tiềm ẩn không thể xem nhẹ của tình hình nông thôn, nhất là ở những địa bàn nhạy cảm như vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo mà mọi người đều biết.

Phát triển nông thôn bền vững

Trong công cuộc phát triển đất nước, chúng ta chủ trương tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao phúc lợi, giảm đói nghèo và bảo đảm công bằng xã hội. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế chỉ là điều kiện cần để nâng cao đời sống của dân và giảm số hộ đói nghèo, điều quan trọng là những thành quả của tăng trưởng được phân phối như thế nào để tránh tình trạng thiếu công bằng, tạo điều kiện cho một số người giàu lên, còn đa số người khác vẫn sống trong nghèo khổ, chênh lệch giàu – nghèo gia tăng. Đối với nông thôn, nông dân là khu vực thụ hưởng ít nhất kết quả của đổi mới, đang còn nhiều khó khăn và là bộ phận bị thiệt thòi nhất khi nước ta gia nhập WTO, thì nhiệm vụ phát triển nông thôn bền vững được đặt ra lại càng cấp bách.

Về kinh tế, đó là phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng năng suất lao động và năng suất ruộng đất, tạo ra những vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Đó cũng là quá trình phát triển thêm nhiều ngành nghề, làng nghề, các loại hình doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cùng với các tổ chức hoạt động dịch vụ ở nông thôn. Cần khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kinh nghiệm cho thấy, chỉ có phát triển thêm ngành nghề, thêm nhiều doanh nghiệp, nông thôn mới có điều kiện phát triển, như mở mang thêm đường đi lối lại, đưa điện về cho sản xuất và đời sống, tu bổ và xây dựng mới nhà ở, dãy phố, hình thành nhiều đô thị nhỏ, làm cho nông thôn khang trang, sầm uất.

Về văn hóa, đó là phát triển và mở rộng các hình thức nâng cao trình độ văn hóa, kỹ năng lao động cho nông dân, để họ tiếp cận với yêu cầu mới của sản xuất, kinh doanh. Quan trọng hơn nữa là giáo dục nghề nghiệp cho những nông dân vùng bị thu hồi đất, để họ sớm có việc làm phù hợp. Các thiết chế văn hóa ở nông thôn cần được củng cố và phát triển; điều quan trọng là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những làng nghề truyền thống của từng vùng. Cần tổ chức những sinh hoạt văn hóa, phát huy truyền thống dòng họ, làng xã; mặt khác, nâng cao trình độ thẩm mỹ của cư dân nông thôn, khắc phục tình trạng xâm nhập của thị hiếu văn hóa không lành mạnh.

Về xã hội, đó là giải quyết việc làm, yêu cầu bức xúc số một hiện nay của nông thôn. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, lao động nông nghiệp sẽ giảm cả về tỷ trọng và số tuyệt đối (dự kiến năm 2010, lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm dưới 50% lao động xã hội so với hiện nay là khoảng 70%). Vì vậy, giải quyết việc làm cho nông dân không chỉ là yêu cầu cấp bách để tận dụng lao động nông thôn lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho họ, mà cấp bách hơn nữa là ở những vùng đất bị thu hồi, tránh tình trạng số người này ồ ạt chuyển vào thành phố, gây ra nhiều vấn đề xã hội rất khó giải quyết.

Cũng xin nói thêm là trong nông thôn hiện nay, cộng đồng dân cư rất đa dạng: không chỉ có nông dân, mà có đủ các thành phần, các tầng lớp, đủ các sắc tộc và tôn giáo. Rất cần có những biện pháp tạo dựng mối quan hệ xã hội gắn bó giữa các tổ chức sản xuất kinh doanh, các tổ chức văn hóa, giáo dục và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự trên cùng một địa bàn dân cư, để các tổ chức này hỗ trợ nhau giải quyết việc làm, cùng chung sức xây dựng cộng đồng làng xã, xây dựng công trình phúc lợi, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự trị an… tạo không khí thân tình, gắn bó, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái từ trong mỗi dòng họ, từng tôn giáo ra đến xóm làng. Chính đó là “vốn xã hội” rất quý cần được phát huy trong tiến trình phát triển nông thôn nước ta ngày nay.

Những công việc nói trên đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước với tinh thần coi sự phát triển bền vững của nông thôn là nền tảng của sự phát triển bền vững của cả nước, coi nông dân là nhân vật trung tâm, để nông thôn và nông dân không bị coi là đứng ngoài lề của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những chủ trương, chính sách đối với nông thôn và nông dân phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ, vừa phát triển kinh tế, văn hóa vừa bảo đảm công bằng xã hội, để chênh lệch giàu – nghèo không tiếp tục giãn ra quá xa. Bộ máy nhà nước phải đủ trong sạch để những chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước thực sự phát huy tác dụng tích cực ở nông thôn.

Đối với doanh nghiệp, doanh nhân, việc phát triển nông thôn trong cả nước cũng như trong mỗi địa phương đang tạo không gian rất rộng lớn cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ, cả trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa, xã hội. Nông thôn đang cần rất nhiều vốn đầu tư cũng như công nghệ mới và kỹ năng kinh doanh mới, sẵn sàng tạo điều kiện cho nhiều doanh nhân lập nghiệp ngay tại quê nhà, càng cần chào mời những doanh nhân có nhiều kiến thức và vốn liếng từ những thành phố lớn đến kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp sẽ tìm thấy ở đây cơ hội kinh doanh có triển vọng, ngành nghề có khả năng triển khai, những đối tác có tiềm năng hợp tác trong dài hạn và lợi nhuận có thể thu được.

Doanh nhân về với nông thôn không chỉ là về nơi kinh doanh vì lợi nhuận, mà còn là để tri ân nơi đã gắn bó với mình trong những ngày thơ ấu, vì không ít người trong doanh nhân chúng ta đã từng được nuôi dưỡng và trưởng thành từ lũy tre làng thanh bình, êm ấm.