Hơn 4.200 tác phẩm tham gia cuộc thi “Môi trường và Phát triển năm 2007”

Theo kế hoạch, Lễ trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào 04/03/2008 với tổng giá trị các giải thưởng hơn 252 triệu đồng. Theo đó, về giải cá nhân có một giải xuất sắc, một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và 10 giải khuyến khích; về doanh nghiệp, tập thể và đoàn thể có một giải đặc biệt, hai giải nhất, hai giải nhì, bốn giải ba và sáu giải khuyến khích.

Cuộc thi môi trường và phát triển năm 2007 do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, do Cục Bảo vệ môi trường, Ban Kinh tế Khoa học và Công nghệ thực hiện và Tập đoàn Alcoa tài trợ một phần cuộc thi. Bài dự thi là tác phẩm về hiện trạng môi trường tại địa phương, doanh nghiệp, hay các ý tưởng, sáng kiến bảo vệ môi trường. Ngoài ra, mỗi tuần, chương trình có phần câu hỏi để thính giả tham gia.

Trước đó, Cuộc thi “Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường” năm 2005-2006 thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán thính giả. Nhiều tác phẩm xuất sắc, đoạt giải thưởng trong cuộc thi hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống. Nhiều ý tưởng sáng tạo về bảo vệ môi trường trong cuộc thi này là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng kiến khác. Khi phát động tiếp Cuộc thi “Môi trường và Phát triển – năm 2007” nhiều khán giả theo dõi, tham gia cuộc thi trước đã tiếp tục quan tâm và gửi nhiều tác phẩm dự thi đến chương trình.

Ví dụ, Công ty Tuyển than Cửa Ông đã gửi đến Ban Tổ chức Cuộc thi khá nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất mà công ty đã nghiên cứu, áp dụng. Được biết, công trình triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004 tại công ty đang được đề nghị tặng Giải thưởng “Bảo vệ môi trường ngành Công thương năm 2007”.

Công nghệ vận chuyển than nội bộ bằng hệ thống đường sắt để thay thế cho việc vận chuyển than trên quốc lộ đã tránh việc rơi vãi than trên đường vận chuyển, hạn chế ô nhiễm khu vực vịnh Bái Tử Long. Ngoài ra, công nghệ xử lý bùn nước sau tuyển than cũng là một công nghệ đáng quan tâm. Vì công nghệ này có thể tiết kiệm được nước rửa, thu hồi khối lượng than lớn, chấm dứt hoàn toàn việc thải bùn sau tuyển ra biển, không gây ô nhiễm môi trường.

“Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường” là phương châm mà tất cả cán bộ công nhân viên của công ty quan tâm. Ngoài các doanh nghiệp, chương trình nhận được hàng nghìn bài dự thi của các cá nhân từ cán bộ hưu trí, giáo viên, công nhân, nông dân, đến những thính giả người dân tộc thiểu số, thính giả khiếm thị…

Thính giả Lê Văn Thưa ở thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã gửi đến chương trình rất nhiều bài dự thi, trong đó có bài dự thi viết về cây Rười, loài cây có sức sống mãnh liệt, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết như khô hạn, ngập lụt.

Bài dự thi có đoạn: “Cây Rười là một loài cỏ hiếm, chỉ sống ở vùng cát trắng khá xa vùng đông dân cư. Cây Rười rất giống cây tre thu nhỏ, nhưng không có gai, không có lá, mà chỉ có bông trên ngọn. Rười có thân ngầm, rễ chùm, có thể cao hơn 1m. Rười có thể sống trên cát với chất đất cằn cỗi, thậm chí còn sống được trong điều kiện khô hạn suốt những tháng hè, khi mà nhiệt độ mặt cát lên tới 500C. Không chỉ thế, cây Rười lại có thể sống ngập trong nước đến 1-2 tháng vào mùa mưa. Miền Trung thường có hiện tượng cát bay, cát chảy, nên với đặc điểm cành hình ống nhỏ, cứng, có thể đàn hồi,.. cây Rười trở thành loài cây có tác dụng bảo vệ ổn định địa hình vùng cát. Cây Rười có thể phát triển như thảm cỏ, lại cũng có thể sống thành cụm, rải rác trên các bãi cát. Ngoài tác dụng chống cát bay, cát chảy, Rười còn lài loài cây có thể làm chất đốt, lợp mái nhà, làm thức ăn cho trâu bò…”

Vì vậy, thính giả Lê Văn Thưa rất mong cây Rười được nghiên cứu và bảo tồn, để có thể trồng rộng rãi ở các tỉnh miền Trung, hạn chế được hiện tượng cát bay, cát chảy và bảo vệ môi trường.

Trong thư của thính giả Mùa A Danh ở bản Pa Háng, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình tâm sự: “Em nghe chương trình Tài nguyên và Môi trường từ lâu rồi, nhưng do điều kiện khó khăn nên chưa có nhiều sáng kiến về bảo vệ môi trường để gửi dự thi. Lần này, em sẽ quyết tâm tham gia tích cực vào Mục Câu hỏi hàng tuần, để có thể nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường”. Em Danh rất vui mừng tâm sự, nhờ có Đài Tiếng nói Việt Nam mà nay bố mẹ các em không bắt các em phải vào rừng chặt củi, bẫy chim nữa, bởi vì bố mẹ các em đã hiểu rằng cần phải bảo vệ rừng cây.

Qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, cuộc thi đã chọn ra được những tác phẩm, công trình chất lượng. Về giải cá nhân có một giải xuất sắc, một giải nhất, hai giải nhì ba giải ba và 10 giải khuyến khích, trong đó giải xuất sắc, trị giá 10.000.000 thuộc về tác giả Lê Văn Thưa, ở thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Và giải nhất là tác giả Lê Văn Đảm, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Về doanh nghiệp, tập thể và đoàn thể có một giải đặc biệt, hai giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và sáu giải khuyến khích. Giải đặc biệt với trị giá 50.000.000 đồng thuộc về Công ty cổ phần Xây dựng và du lịch Bình Minh, tỉnh Hà Tây – dự án: “Hệ Mạch phát triển cấp nước môi trường, sinh hoạt, kết hợp phát điện, giao thông cho đô thị Hà Nội và chuối đô thị phía Tây”. Đây là một dự án có quy mô 17.000 ha, trên ba tỉnh Hoà Binh, Hà Tây và Hà Nội; Dân số trên 4 triệu người; Vốn của dự án: Phương án I là 36.000 tỷ, tương đương hơn 2 tỷ USD, phương án II là 48.000 tỷ, tương đương 3 tỷ USD. Dự án này nếu thực thi được, sẽ góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm nước thải của thủ đô.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Bình Minh đã trình lên Thủ tướng và ngày 22/06/2007. Văn phòng Thủ tướng đã có công văn số 3461/VPCP gửi Bộ Kế hoạch đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ và địa phương xem xét, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng. Được biết, tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết định về dự án này.

Hai giải nhất thuộc về Cty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Shinec đóng tại Hải Phòng và Công ty Unilever Việt Nam. Trong giải ba và khuyến khích có 4 trường phổ thông là trường THCS Hùng Vương, TP Rạch Giá, Trường THCS Khương Thượng Quận Đống Đa, Hà Nội, trường THCS Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và trường THCS Thiệu Nguyên, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Trong những người trúng giải năm nay có nét đặc biệt là Doanh nghiệp công nghiệp tàu thuỷ Shinec và tác giả Lê Văn Thưa. Trong cuộc thi lần trước, tác giả đã tịch cực tham gia và trúng giải. Trong cuộc thi này tác giả Lê Văn Thưa đã trúng giải xuất sắc. Còn giám đốc Shinec, Phạm Hồng Điệp trong cuộc thi năm trước, với ý tưởng dự thi “Mỗi cặp trẻ khi xây dựng gia đình thì trồng một cây xanh làm kỷ niệm” và đã trúng giải nhất. Hiện nay ý tưởng này được triển khai tại khuôn viên của công ty Shinec, gọi là “Vườn hạnh phúc”./.