Hội thảo khoa học về sóng thần

Trong hai ngày 27 và 28/11, tại thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, Hội thảo khoa học kỹ thuật biển Việt Nam (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) vừa tổ chức Hội thảo “Ảnh hưởng của sóng thần đối với cộng đồng dân cư ven biển, đề xuất một số biện pháp phòng tránh”. Tham gia hội thảo gồm nhiều nhà khoa học thuộc các Viện vật lý địa cầu, Viện khoa học công nghệ, Viện tài nguyên môi trường biển, Hội khoahọc kỹ thật biển Việt Nam, Bộ NN&PTNT.

Hội thảo này nhằm xác định những vấn đề liên quan đến sóng thần và những hậu quả nghiêm trọng do sóng thần gây ra; gợi mở các hướng tiếp cận cảnh báo và dự báo sóng thần; đề xuất một số biện pháp phòng tránh cho cộng đồng dân cư ven biển khi xảy ra sóng thần; kiến nghị một số chính sách và chương trình hành động nhằm tăng cường và hiện đại hoá mạng lưới chạm địa chấn và hải văn để có cơ sở vững chắc cho việc hoạch định các quyết sách phòng tránh thiên tai động đất và sóng thần.

Theo các nhà khoa học, sóng thần xuất hiện do động đất mạnh hoặc hoạt động núi lửa, những vụ va chạm thiên thạch, thường gây nên những tai hoạ lớn cho dân cư ven bờ đại dương.

Trong lịch sử, nước ta chưa một lần hứng chịu thảm hoạ của sóng thần. Tuy nhiên, với bờ biển dài hơn 3.260 km, có hơn 3.000 hòn đảo và nằm bên bờ Thái bình dương nơi chiếm hơn 80% số vụ động đất trên toàn thế giới, vùng ven biển lại tập trung khoảng trên 20% cư dân sinh sống, tập trung 50% các khu đô thị, các khu kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm của cả nước, chiếm khoảng 30% tổng thu nhập quốc dân hàng năm nên việc nghiên cứu về sóng thần và tìm các giải pháp phòng tránh phù hợp với điều kiện của Việt Nam (VN) là việc làm cần thiết, có ý nghĩa lớn cả về khoa học và thực tiễn.

Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy khả năng xảy ra sóng thần ở vùng biển Việt Nam không cao, tuy nhiên vẫn cần thiết phải xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần và hệ thống cảnh báo sớm sóng thần cho vùng bờ biển nước ta.

Trước mắt, VN cần thành lập Uỷ ban động đất và sóng thần ở VN, thiết lập mạng liên kết thông tin cảnh báo sóng thần giữa VN với các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, lắp đặt các thiết bị hiện đại cảnh báo động đất và sóng thần ở ngoài khơi, xây dựng bản đồ cảnh báo mức độ nguy hiểm của sóng thần đối với toàn vùng ven biển VN.

Đồng thời, tuyên truyền và giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu được tác hại của sóng thần, những đặc điểm và cách phòng tránh, cần thiết khôi phục và trồng mới những khu rừng ngập mặn ven biển, đặc biệt là những khu rừng ven biển đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, để hạn chế tác hại của sóng thần nếu có xảy ra./.