Đà Nẵng: Ao rác giữa lòng thành phố

Người dân TP. Đà Nẵng trước kia từng tự hào vì giữa trung tâm TP (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) có một hồ cá. Từ khi UBND TP. Đà Nẵng cải tạo ao cá này thành hồ xử lý rác thải (XLRT) Đầm Rong 2, thì nơi đây trở thành “túi chứa rác thải”, từng ngày đe dọa đến cuộc sống của hơn 400 hộ dân.

Từ hồ cá đẹp

Rít một hơi thuốc lào, ông Đoàn Văn Huyên (65 tuổi), ở tổ 15, phường Thuận Phước, quận Hải Châu xót xa: “Ngày xưa nước hồ này trong và sạch lắm, tôm cá trong hồ nhiều vô kể, cứ chiều chiều bọn trẻ chúng tôi lại nhảy xuống hồ tắm và nô đùa. Người dân Đà Nẵng chúng tôi từng coi đó là niềm tự hào và hãnh diện, vì giữa trung tâm TP có một hồ cá đẹp”.
Năm 1996, được sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp, Đà Nẵng đã cải tạo ao cá này thành hồ XLRT Đầm Rong 2 (dự án gồm hồ Đầm Rong 1 và Đầm Rong 2. Trong đó, Đầm Rong 1 vì quá ô nhiễm nên đã được san lấp) thì nơi đây trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.

Được biết, dự án được xây dựng nhằm thu gom rác thải, nước thải từ các nơi trong thành phố, qua hệ thống vi xử lý và thải ra môi trường. Thế nhưng, dự án mới xây dựng được lòng hồ và bờ kè thì Chính phủ Pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng và cắt viện trợ. Công trình dở dang từ đó đến nay.

Thành túi chứa… rác thải

Từ khi ao cá thành hồ XLRT Đầm Rong 2, lợi ích của công trình đâu chẳng thấy, nhưng một thực tế là hơn 10 năm qua, người dân ở phường Thuận Phước và phường Thanh Bình (quận Hải Châu) ngày ngày phải sống chung với sự ô nhiễm nghiêm trọng.

Diện tích của lòng hồ đã bị thu hẹp rất nhiều, chủ yếu do rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân, tiểu thương chợ Đống Đa, nước thải của các bệnh viện, trường học,… thải trực tiếp xuống hồ.

Theo khảo sát, tại một số nơi, bịch ni lông, hộp nhựa, cành cây, lá cây, thậm chí cả kim tiêm… đã phủ kín lòng hồ. Đầm Rong 2 giờ chỉ còn là một vũng nước đen ngòm.

Bà Trần Thị Lưỡng, tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Thuận Phước, cho biết: “Do các con mương thoát nước đã bị rác nhét đầy nên mùa mưa, nước trong hồ không thoát ra biển được. Ngược lại, cứ thủy triều lên là hồ ngập nước và rác thải trôi lềnh bềnh dạt vào nhà dân”.

Được biết, Đầm Rong 2 có một con mương thoát nước ra biển. Nhưng hiện nay, mương này đã bị một số hộ dân thiếu ý thức lấp đầy bởi các loại chất thải sinh hoạt và Đầm Rong 2 chẳng khác nào “túi chứa nước thải”.

Mùa mưa là vậy, mùa nắng còn khủng khiếp hơn. Ngày hè oi bức, toàn khu phố bị tra tấn bởi mùi hôi thối nồng nặc. Anh Nguyễn Văn Lượng, công nhân Xí nghiệp may Vinatex bức xúc: “Người lớn chúng tôi còn không chịu nổi, chỉ tội nhất là đám trẻ con”.

Thời gian qua, tại phường Thuận Phước và Thanh Bình, đã có rất nhiều trẻ em mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Anh Lượng xắn hai ống quần lên cho chúng tôi xem: “Hôm trước, tôi có việc phải lội xuống hồ. Lội xong lên, hai chân tôi đỏ ửng và ngứa, mấy ngày sau thì lở loét và nhiễm trùng tới nay còn chưa lành”…

Xử lý kiểu muối bỏ biển!

Quá bức xúc về vấn đề này, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên phường, phường kêu lên quận và quận lại kêu lên thành phố. Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cũng đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ TN-MT nhưng không hiểu sao đến nay tình trạng ô nhiễm ở Đầm Rong 2 vẫn chưa được giải quyết?

Ngày 20/12/2005, UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 9780/QĐ-UBND giao quận Hải Châu trực tiếp quản lý và XLRT ở hồ Đầm Rong 2. Nhưng oái oăm, khi bàn giao Đầm Rong 2 cho quận Hải Châu, UBND TP không có văn bản nào để hướng dẫn.
Ngạc nhiên hơn, từ tháng 12/2005 đến tháng 12/2007, kinh phí để nạo vét kênh mương và khai thông dòng chảy đều do sự đóng góp ít ỏi của người dân và nguồn ngân sách hạn hẹp của quận Hải Châu.

Ông Dương Ngọc Sơn, Trưởng phòng TN-MT quận Hải Châu cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên TP, xin kinh phí để quận xử lý tình trạng ô nhiễm ở Đầm Rong 2 nhưng mãi tháng 01/2008, UBND TP mới đồng ý chi… 500 triệu đồng. Mà số tiền đó còn đang nằm trên giấy”. Ông Sơn nói: “Cải tạo hồ Đầm Rong 2 mà chỉ 500 triệu đồng, chẳng khác nào đem muối bỏ biển”!