Khai mạc Đại lễ phật đản Liên Hiệp Quốc: Vì một thế giới bình an, công bằng

Với chủ đề "Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", giới tăng ni, Phật tử trong nước và thế giới có dịp sẻ chia những quan điểm, tình cảm về một thế giới hòa hợp, bình an, văn minh, dân chủ và vạch ra những đường hướng phát triển của giới Phật tử trong tương lai

Sáng 14/05, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC) Hà Nội, lá cờ Phật giáo dài 26,32 m tượng trưng năm sinh lần thứ 2632 của Đức Phật sẽ được long trọng kéo lên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak LHQ 2008).

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2552 – Dương lịch 2008 được tiến hành trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới đất nước ngày càng đạt kết quả to lớn; uy tín và vị thế của Việt Nam (VN) trên trường quốc tế ngày càng nâng cao; tăng ni, Phật tử VN hòa cùng niềm vui chung với tăng ni, Phật tử thế giới chào đón Đại lễ Phật đản Vesak.

Vạch hướng phát triển trong tương lai

Với chủ đề “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, giới tăng ni, Phật tử trong nước và thế giới có dịp sẻ chia những quan điểm, tình cảm về một thế giới hòa hợp, bình an, văn minh, dân chủ và vạch ra những đường hướng phát triển của giới Phật tử trong tương lai. Vesak là tên gọi tháng tư âm lịch để kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại của Đức Phật là đản sinh, thành đạo và niết bàn. Đại lễ Vesak Tam Hợp LHQ là một sinh hoạt văn hóa do LHQ chủ xướng cách đây 9 năm (1999) và lần đầu tiên được long trọng tổ chức tại trụ sở LHQ, New York với sự tham gia của 34 đoàn đại biểu.

Kể từ năm 2000, dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Thái Lan và Giáo hội Phật giáo Thái Lan, Đại lễ Vesak đã được tổ chức 3 lần và 4 lần hội thảo quốc tế tại trụ sở LHQ ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan. Ngày 29/05/2007, trong lễ bế mạc đại lễ Vesak LHQ, VN được chọn đăng cai Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 5. Việc VN đăng cai Đại lễ Vesak thể hiện đường lối chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước VN, giúp bạn bè và nhân dân thế giới hiểu về đất nước và con người VN luôn yêu chuộng hòa bình, tự do, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết, đồng thời khẳng định Phật giáo VN luôn đồng hành với vận mệnh của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử.

Sẽ ra Tuyên ngôn Vesak tại Hà Nội

Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ cho biết Đại lễ Vesak được tổ chức tại nước ta chính là “một phúc duyên lớn” tạo ảnh hưởng to lớn và tích cực với đất nước, dân tộc ta. Hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Phó trưởng Ban Điều phối quốc gia kiêm Trưởng Tiểu ban nội dung, khẳng định: “Niềm vui này là niềm vui chung của những người con Phật VN trong và ngoài nước. Từ lâu Phật giáo đã là một phần văn hóa tâm linh của dân tộc. Phật giáo VN đã đồng hành cùng dân tộc VN, những giá trị của Đức Phật đã được tôn vinh trên đất nước thân yêu này”.

Trong 3 ngày diễn ra Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (14 đến 17/05), các đại biểu trong và ngoài nước sẽ thảo luận về các chủ đề vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh, sự đóng góp của Phật giáo trong xã hội, vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo, Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số… Trong lễ bế mạc, các đại biểu sẽ ra Tuyên ngôn Vesak tại Hà Nội tiếp theo một lễ thắp nến cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an.