Gõ cửa Đất “ba con sông”

Nó gắn với tên tuổi của những quan lang, tù trưởng – những nhân vật kiêu hùng trấn giữ nơi miền phên dậu. Nó cũng vẫy gọi những “nhà báo trung ương” lặn lội, hì hục lên ăn rừng, ngủ núi với khát vọng khám phá, khát vọng đi và viết. Đó là mảnh đất Tây Bắc, hay còn gọi là đất “ba con sông”…

Mấy năm gần đây, nhất là khi công trình thế kỷ lớn nhất Đông Dương mang tên Thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng, Tây Bắc trở thành đề tài rầm rộ của báo chí. Người ta đánh thức một người khổng lồ ngủ vùi trong rừng xanh, núi đỏ. Có cả khóc, có cả cười, có cả khen, cả chê…, nhưng tựu chung nhất ấy vẫn là sự kinh ngạc đến bàng hoàng của những ai lần đầu tiên vượt qua dốc Cun, lần đầu tiên biết thế nào là cổng trời, sừng trời, là sông Đà lúc hung dữ lúc hiền hòa như dải tóc lụa mềm của cô thiếu nữ trong tùy bút đồ sộ của cụ Nguyễn.

Đất ấy không “bút nào tả xiết”, vậy nên người viết cũng chỉ dám mạo muội đi “gõ cửa” vùng đất mà tiếng tăm đã lưu truyền trong những truyện thơ cổ “Tiễn dặn người yêu”, “Tiếng hát làm dâu”… của người Thái, người H’Mông thuở trước…

Đất “ba con sông”

Nhắc đến mảnh đất “ba con sông”, hẳn không ít người nghĩ tới thành phố Việt Trì – thủ phủ của tỉnh Phú Thọ ngày nay. Thế nhưng, tiếng gọi ấy nên dành cho vùng Tây Bắc bạt ngàn với núi đá, với sông sâu, rừng rậm, với những thổ vật tự thân nó đã hùng vĩ đến mức không cần đến “công nghệ quảng cáo, đánh bóng, lăng xê” của cái thời “khách hàng là thượng đế”.

Ai đã đọc cuốn “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” do cố Giáo sư Trần Quốc Vượng chủ biên, cuốn sách dùng cho sinh viên các trường ĐH, thì sẽ biết có 13 trang trong tổng số 288 trang dành để nói đến vùng văn hóa Tây Bắc. Tất nhiên, nội dung của nó cũng chỉ mới lướt qua như người đi dạo, nhưng chữ “đất ba sông” mà GS Vượng dùng để chỉ miền Tây Bắc thì quả đúng thật, nó thuyết phục người đọc ghê gớm.

Cái quy luật núi cao ắt nhiều sông, nhiều suối, núi càng hiểm trở, sông càng sâu, càng nhiều luồng lạch, nhiều dòng thủy lưu ẩn, nhiều dòng thủy lưu hiện. Điều đó đúng quá còn gì! Thế nhưng, cùng với núi, các dòng sông Tây Bắc cũng chia nhau trấn giữ miền biên viễn này, cô lập đất ấy bằng ba dòng thủy lưu chủ đạo.

Trước hết, ấy là dòng sông Hồng, con sông mà tiếng Thái gọi là dòng Nậm Tao, (tên tiếng Kinh là sông Thao). Dòng Nậm Tao chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử thiên di của người Thái đen vào Tây Bắc. Theo huyền thoại, tổ tiên người Thái là Tạo Xuông-Tạo Ngần bay từ trên trời xuống, phải vượt qua con sông rộng, lắm thác dữ.

Bờ phải của nó là ngút ngàn núi non hùng vĩ, những đỉnh, những ngọn được chọn làm cột mốc trên bản đồ: bức tường thành án ngữ phía đông của Tây Bắc là dải Hoàng Liên Sơn (Đỉnh Khau Phạ-“sừng trời) dài 180km, rộng 30km, độ cao trên 1.500m với những kỷ lục Đông Nam Á như Phanxipăng (3.142m); Yam Phình (3.096m); Pù Luông (2.983m)…

Tên thần thoại của dòng Nậm Tao là dòng “Sông Đắng-Sông Xối” (Nặm Ta Khôm-Nặm Ta Khái) ngăn cách địa phận trời và trần gian. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, tổ tiên người Thái thiên di vào Việt Nam, họ tạt qua bên phải, lấy đất Nghĩa Lộ (Yên Bái) làm bàn đạp rồi tiến mãi xuống Điện Biên ra giáp biên giới Lào.

Đất ấy, tên Thái là Mường Theng (Mường Trời), “cố đô” của nhiều đời tù trưởng, hiện vẫn còn những phế tích của thành xưa, nền cũ. Cho nên, dòng Nậm Tao chính là địa đầu của phía Đông và biên giới Lào là địa đầu phía Tây của vùng văn hóa Tây Bắc.
Lấy hai điểm đó làm mốc, dòng sông Đà phát nguyên từ phía Bắc kẻ một đường chéo Tây Bắc-Đông Nam, đi qua đất Hòa Bình rồi hợp lưu với dòng Nậm Tao ở ngã ba Việt Trì, làm nên dòng sông Cái.

Con sông có tiếng Thái là Nậm Té, ngay ở thượng nguồn đã được dòng Nậm Na tiếp sức, hợp lưu ở tỉnh lỵ Lai Châu (cũ) rồi dềnh dàng “đổ bộ” xuống mãi dưới đất Phú Thọ. “Cánh sông” cuối cùng là dòng sông Mã chạy sát biên giới Việt Lào, xuống đến phía Tây tỉnh Sơn La đột ngột quặt sang đất Lào, đến Mai Châu (Hòa Bình) lại thình lình ló dạng rồi ầm ầm xuôi về biển ở miền Tây Thanh Hóa.

Cái độc đáo nhất ấy là cùng “ăn ở” trên đất Tây Bắc nhưng mỗi dòng mỗi tính, mỗi dòng một màu nước đặc trưng. Dòng Nậm Té (sông Đà) chảy giữa vùng núi đá granít, sâu thẳm, xanh đen cho màu nước xanh. Dòng Nậm Tao dềnh dàng đãi gọt phù sa nên lúc nào cũng quặn thắt một màu đỏ gạch cua. Còn sông Mã lắm ghềnh, nhiều thác, có cả sóng bạc đầu canh giữ mỏ bạc khi xưa người Thái-La Ha khai thác nên có màu nước trắng.

Ba màu nước ứng với ba màu của nắng, của đất, của cây bỗng nhiên trở thành tín hiệu văn hóa cho người dân bản địa. Họ lấy đó để giải thích sự khác biệt với văn hóa của người vùng muối (người Kinh), người vùng sông Lô, sông Chảy…

Cùng với những cánh núi, những cánh sông đã ôm ấp, bao bọc cả một vùng văn hóa hùng vĩ, kỳ bí và thiêng liêng của đại ngàn. Nó là chìa khóa để mở ra một nền văn hóa với những phong tục gắn liền với những dòng sông mẹ-nơi cho người dân Tây Bắc con cá để ăn, dòng nước để uống, để tươi tốt những nương ngô, nương sắn… và những bản làng luôn chìm đắm trong sương…

“Gõ cửa” miền Tây

Cửa ngõ miền Tây bắt đầu tính ở đỉnh Cun – Hòa Bình. Con dốc hun hút khi xưa đã làm nản lòng bao tay lái đường trường, đến nay đã được bạt đỉnh, hạ độ cao nhưng vẫn không hết được những khúc cua tay áo “móc gan, móc ruột” người ngồi trên xe. Thuở trước, để lên Tây Bắc phải vượt sông Đà ở bến Chợ Bờ, Suối Rút, trải hơn 100km đèo mới đến cao nguyên Mộc Châu.

Con đường 6 do thực dân Pháp làm đã kẻ một trục dọc xuyên suốt vùng văn hóa Tây Bắc. Đến nay, người ta lên Mộc Châu không còn bắt gặp bạt ngàn những rừng ban nở trắng, những thông reo vi vút với ngút ngàn tre vầu cao lớn, dóng thẳng. Thế nên, cái tên chữ tiếng Thái “Trảng Tre-Trảng Ban” (Phiêng Xang-Phiêng Ban) để chỉ đất Mộc Châu cũng dần lui vào hoài niệm. Ngày 06/03/2005 đã trở thành ngày trọng đại của người dân Tây Bắc khi con đường 6 được Chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp với 2.600 tỷ đồng cho 251km đường, tiêu chuẩn đường chuẩn cấp 3 miền núi.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đánh thức những tiềm năng của một vùng đất khổng lồ. Theo sự dẫn dắt của đường 6, từ cao nguyên Mộc Châu đổ xuống thung lũng hẹp Yên Châu, leo qua dãy Chiềng Đông đổ xuống Nà Sàn về Sơn La. Vượt dãy Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo, nếu đi thẳng sẽ tới Hoàng Liên Sơn, men theo chân núi để lên vùng biên giới phía Bắc.

Rẽ trái vào Điện Biên để ngược lên đất Sìn Hồ, ngược nữa vào Mường Tè để nghe “một tiếng gà mang ba quốc tịch”. Nếu nói về những con đường, đó lại là cả một câu chuyện dài, câu chuyện đượm mùi măng đắng và ấm áp của bữa rượu ngô quanh bếp lửa người Mông, nghe tiếng khèn và tiếng đàn môi (kèn lá) của những chàng trai, thiếu nữ được cơn gió phong tình thì thầm gửi vào ngõ núi…

Nếu nói văn hóa Việt Nam là văn hóa gắn với sông nước, điều ấy đúng không chỉ với vùng đồng bằng hay vùng miệt vườn Cửu Long mà còn đúng với cả vùng Tây Bắc lắm núi cao, vực sâu này. Ven đôi bờ của ba con sông Nậm Tao, Nậm Té, sông Mã, những bản làng ẩn hiện trong sương, những tập tục văn hóa theo sự bồi tụ của sông mà dần định dạng.

Câu ngạn ngữ của người Thái: “Xá ăn theo lửa; Thái ăn theo nước; H’mông ăn theo sương mù” không chỉ cô đọng về nơi lạc nghiệp theo độ cao, tập quán sản xuất, sinh hoạt mà còn khái quát cả cội nguồn văn hóa. Người Thái, người Mường, người Dao làm ruộng trong các thung lũng, các vùng lòng chảo. Theo sách dã sử và truyền thuyết của người Thái, tổ tiên của người Thái là Lạng Chương chật vật lắm mới thắng được người Xá.

Truyền rằng, trong cuộc đấu tranh giành phần đất tốt, quân Xá (quân Nam á) có tên bằng đồng sắc nhọn. Người Thái chỉ có tên tre. Vị thủ lĩnh thông minh Lạng Chương mới lập kế tổ chức cuộc thi bắn tên vào đá. Tên của người Xá bằng đồng, gặp đá bật ra. Lạng Chương sai quân nạp sáp ong vào mũi tên tre, bắn vào đá dính như dính sáp. Người Xá thua, phải kéo nhau vào rừng sâu mà nhượng lại phần đất tốt cho người Thái. Có đất tốt, người Thái mở mang nền nông nghiệp, phát triển hệ thống thủy lợi “mương-phai-lái-lin” để lấy nước tưới tiêu.

Trong ruộng, người Thái thả cá. Hết mùa, nước ruộng được tháo cạn cũng là lúc cá được thu hoạch. Cá nuôi trong ruộng vừa ăn sâu bọ, vừa xục đất cho lúa tốt. Nhớ ơn tự nhiên, trong mâm cúng của người Thái luôn có món xôi và món cá. Người Kháng có tục uống nước bằng mũi (Ta mui).

Nước măng chua, hòa tỏi, rau thơm, chắt lấy nước, đổ vào vỏ quả bầu nậm, cho chảy vào mũi, trong lúc ấy miệng vẫn nhai thịt, cá. Cách uống lạ lùng này còn lưu truyền ở người Kháng sống ven sông Đà và Tà Xại (Sơn La). Người Kháng còn có biệt tài làm thuyền độc mộc. Người Laha được mệnh danh là chủ nhân của trống đồng và nổi tiếng với vũ điệu múa thực khí sinh động, rộn ràng trong tiếng đệm của đàn ống tre rỗng, đõ trên tấm ván với những thiếu nữ nhún nhảy trong lễ hội “mừng mùa măng mọc”…

Đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm đã cho Tây Bắc cái lạnh thấu xương. Đại ngàn ẩn giữ những hiểm nguy của thú dữ, quỷ thần… dạy cho người Tây Bắc cách giữ lửa quanh năm trong bếp. Đối với người H’mông, sự duy trì ngọn lửa trong nhà đồng nghĩa với sự duy trì những niềm hạnh phúc, sự sung túc và cho cảm giác bình yên.

Có lẽ, tục uống rượu của dân Tây Bắc hẳn là cách để con người xua đuổi cái giá lạnh quanh năm. Người ta sáng chế những loại rượu từ các sản vật miền núi: ngô, sắn, gạo nương, kết hợp với những lá cây rừng làm nên men lá. Trong cái ấm nóng của suối rượu mềm môi, những điệu xòe, tiếng đàn tính tẩu, Pí pặp, khèn bè (Thái); Ô ống ôi (Mường), hưn mạy (Khơ mú), đàn tròn và đàn ba dây (Hà Nhì)… thâu đêm suốt sáng đủ để cho con người hòa chung với tự nhiên.

Cái giá lạnh cũng là khởi nguyên để những người con gái Thái trước khi về nhà chồng phải miệt mài làm đủ số lượng chăn gối mang theo, vừa là của hồi môn, vừa là quà tặng cho người thân bên gia đình mới. Người ta cũng cắt nghĩa cho những sắc phục sặc sỡ của người H’mông là cách “làm điệu” của con người.

Giữa bạt ngàn màu xanh của đại ngàn, màu xám của núi đá, những chiếc váy với gam màu nóng như màu đỏ đan xen với màu vàng tươi, vàng đất, vàng rơm, da cam, tím sậm… đột ngột gặp như cánh bướm khổng lồ trải trên triền núi trong buổi chiều hanh nắng. Người con gái muốn mình nổi bật, không bị hòa trộn với màu xanh nhẫn nại ấy. Cũng như thế, những chiếc vòng bạc trên cổ, trên tay rung rinh theo nhịp bước phải chăng cũng là để xua vợi đi cái nỗi cô đơn trên chặng đường đi bộ xa ngút ngàn…

“Gõ cửa” khu mộ cổ của người Mường ở Đồng Thếch (Kim Bôi-Hòa Bình), đã say với rượu cần Mường Vang, đã si mê với vẻ đẹp của con gái Mường Thàng, thường rang (dân ca) Mường Bãi Nại; đã bị hút hồn bởi những lớp lang huyền thoại trên suốt dọc đường xâm nhập vùng văn hóa Tây Bắc đồ sồ, huyền bí và kinh ngạc trước sức người có thể bắt dòng sông Đà đổi dòng để ép cái thủy lực thành thủy điện…

Tất cả những tài sản vô giá ấy (vật thể và phi vật thể) nếu không có ý thức bảo tồn sẽ dần bị mai một. Cuộc thiên di của con người trong công cuộc chinh phục tự nhiên để tồn tại và phát triển đã tạo những bước đột phá đến kinh ngạc. Chỉ sợ rằng đến một mai, những ai yêu Tây Bắc chỉ còn được gặp Tây Bắc trong sách vở. Trong cõi nhân gian này, có điều gì là bất biến.

Thường thì tất cả đều bắt đầu từ thói quen. Khi cái thói quen ấy được nhiều người chấp nhận, nó trở thành tập quán của cả cộng đồng. Chỉ những người ngại qua đỉnh Khau Phạ sừng trời mới thấy Tây Bắc vời vợi xa xôi…