Miền đất nở

“Tổ quốc tôi như một con tàu./Mũi thuyền xé sóng, Mũi Cà Mau…”(Bài thơ Mũi Cà Mau – Xuân Diệu). Mảnh đất cực Nam, nơi tận cùng của Tổ quốc đã từng làm xao xuyến ngòi bút của các nhà văn, nhà thơ nhiều thời đại; nơi được mệnh danh là rừng Amazon của châu Á; đó cũng là nơi duy nhất trên đất nước Việt Nam có thể ngắm mặt trời mọc lên từ biển Đông và lặn xuống biển Tây…

Sau 3 giờ khởi hành từ TP Cà Mau, vượt qua quãng đường dài trên 100km bằng tàu cao tốc, đến bến Rạch Tàu, trung tâm xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Không gian đầy ắp gió. Âm thanh của sóng dưới sông, cái phóng khoáng mênh mang của đất trời và cảm xúc bồi hồi của lần đầu đến Đất Mũi… ào ạt ùa về.

Trụ sở UBND xã Đất Mũi kế bến sông Rạch Tàu; phía trước khuôn viên là bia tưởng niệm uy nghi, ghi danh các liệt sĩ, những người con của Đất Mũi đã ra đi trong hai cuộc kháng chiến.

Anh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, nói: “Thầy giáo Phan Ngọc Hiển, chiến sĩ cách mạng kiên cường đã làm rạng danh Đất Mũi, chính là người con của đất Cần Thơ”. Và câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai cách đây 67 năm tái hiện sinh động theo lời kể của Phó Chủ tịch xã Đất Mũi: Đêm 13/12/1940, thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa tấn công sào huyệt của bọn Pháp trên đảo Hòn Khoai, tiêu diệt tên chủ đảo. Đoàn quân khởi nghĩa chiến thắng trở về đất liền trong niềm tự hào cổ vũ của nhân dân. Sáng 15/12, đoàn quân của thầy giáo Phan Ngọc Hiển tấn công vào nhà Quận Kiểm Lâm, tiếp tục giành thắng lợi, nhân dân Rạch Gốc phấn khởi, quân thù khiếp sợ bỏ chạy vào rừng. Bọn Pháp đưa lính về Rạch Gốc, bắt bớ, tra tấn đồng bào và ráo riết truy bắt các chiến sĩ Hòn Khoai”.

Cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển bị kẻ thù dìm trong biển máu, nhưng lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của người dân Đất Mũi luôn sôi sục và vẫn bừng bừng khí thế.

Anh Thắng kể, mỗi năm chuẩn bị vào tháng 12, có ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, Đất Mũi lại rộn ràng đón khách du lịch trong và ngoài nước. Hòn Khoai bây giờ không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng mà còn là một danh lam thắng cảnh hấp dẫn.

Từ Vọng Hải Đài cao 21 mét nằm trong Khu Du lịch Đất Mũi, anh Thắng chỉ tay về hướng Đông Nam, nơi có cụm đảo Hòn Khoai giữa biển cả mênh mông, giọng hồ hởi: “Nhìn xem, trông xa đảo giống hệt củ khoai có lẽ vì thế mà các cụ tổ tông xưa đặt cho đảo cái tên rất ấn tượng đó. Vào mùa mưa, trên đảo cũng có nhiều loại khoai rừng và sản vật thiên nhiên của biển ban tặng cho con người. Hòn Khoai còn có ngọn hải đăng quan trọng của khu vực biển Đông đã chứng kiến cuộc khởi nghĩa oanh liệt của người lính Việt Minh thời Nam Kỳ Khởi Nghĩa…”.

Vọng Hải Đài lộng gió. 5 giờ 30 phút, sáng! Mặt trời “dậy sớm”, như quả cầu lửa lừng lững nhô lên mặt biển. Nước biển vốn đã đục bởi phù sa lại được mặt trời nhuộm đỏ tạo nên gam màu ấn tượng bao quanh 3 phía Đất Mũi! Cảm giác được khám phá miền đất tận cùng của Tổ quốc, được chứng kiến mặt trời từ nơi bao la nào đó hiện hữu tròn trịa, rực rỡ trước mặt mình khiến tâm hồn người lâng lâng. Mặt trời càng lên cao, biển càng sâu, trời càng rộng, không gian càng khoáng đạt.

Câu chuyện anh Thắng kể vẫn lưu luyến trong tâm tưởng người khách về 67 năm trước, cái thời thầy giáo Phan Ngọc Hiển, người con của đất Cần Thơ đến Đất Mũi làm cách mạng, vùng đất này hoang sơ lắm, không dài, không nhọn như bây giờ. Doi đất nơi tận cùng của Tổ quốc mỗi năm bồi ra biển 80 đến 100 mét đã làm cho Đất Mũi sinh sôi và lớn lên từng ngày.

Khu Du lịch Đất Mũi thuộc ấp Mũi, nằm lọt trong phần chót mũi trên bản đồ Việt Nam, cách trung tâm xã khoảng 7 km. Đường bê tông vào khu du lịch vòng vèo giữa hai bên rừng đước và mắm như tấm khăn choàng xanh quấn quanh vùng đất lấp lánh phù sa trước khi vươn dài ra biển. Một tiểu đảo mũi tàu với cánh buồm trắng, nổi bật dòng chữ đỏ thắm: Mũi Cà Mau, 8037’30’’ vĩ độ Bắc; 104043’ kinh độ Đông, hiên ngang hướng ra biển cả. Cách đó không xa, tiểu cảnh cột mốc xây hình 6 cánh hoa nở xòe. Du khách đến đây phải chụp cho được tấm hình cạnh “cánh hoa” mang dòng chữ: Mốc tọa độ quốc gia/Điểm tọa độ GPS 0001. Những biểu tượng này thức dậy cảm xúc bồi hồi: Mình đang ở nơi tận cùng của Tổ quốc. Một vùng đất thiêng trong tâm tưởng của người dân Việt Nam.

Doi đất nơi chót mũi Cà Mau, ngày đêm sóng biển vỗ ì oạp. Anh Thắng kể: Năm 2004, trong một lần về Đất Mũi, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gọi đây là vùng “đất nở”! Đất Mũi có biển, nơi giao giữa biển Đông và biển Tây với quy luật “bồi, lở” muôn đời của nước và hàng trăm loài thủy, hải sản phong phú mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho con người nên biển được gọi là “biển sinh sôi”! Rừng ở Đất Mũi cũng là “rừng biết đi”. Rễ mắm tua tủa vươn lên từ lòng đất, tiên phong trong công cuộc lấn biển. Còn cây đước, rễ mọc từ thân cây, mãnh liệt lao vào lòng đất để giữ đất cho con người. Cuộc sống từng ngày sinh sôi hướng ra biển lớn như khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người 300 năm trước, đến nơi cuối đất cùng trời để khai hoang, lập địa.

Ghé vào nhà hàng thủy tạ nằm nhô ra biển, anh Trần Minh Triều, Giám đốc Khu Du lịch Đất Mũi, đón khách trong không khí thân tình, cởi mở. Anh Triều kể: Đất Mũi có 3 mặt giáp biển, lại cách xa trung tâm TP Cà Mau và chưa có đường bộ, vì vậy giao thương còn nhiều hạn chế. Nhưng không vì thế mà ẩm thực ở đây nghèo nàn. Ngược lại, bờ biển bồi là bãi đẻ của hàng trăm loài thủy, hải sản cộng với rừng ngập mặn đã sản sinh ra vô số đặc sản “có một không hai”, như: bóp, vọp, lòi, gúng, hàu, ốc len, ba khía…

Cá bóp sống trong rừng ngập mặn, mỗi con nặng trên 30 ký ngon nhất là nấu canh chua với trái giác hái trong rừng để trộn lẫn vị ngòn ngọt, chua chua và sin sít chát, ăn xong tỉnh cả người. Loài vọp có họ hàng với nghêu biển, ruột trắng phau đem hấp với nước gừng hoặc lòng đỏ trứng gà, người nào đã thưởng thức một lần là không quên được.

Con cá thòi lòi ở Đất Mũi chỉ sống trong vuông, khoảng 5-6 con/ký, làm sạch, kho tộ hay nướng mỡ hành đều ngon tuyệt. Khi trời, đất vào xuân là đến mùa ba khía. Ba khía xúm xít dưới gốc mắm, con nào cũng no tròn, thịt chắc lụi, gạch ứ đầy mai… Vào mùa săn cua biển, người đi săn mang theo một can nhựa, có khoét lỗ bằng bàn tay và cây sắt dài chừng 2 mét. Lần theo các khe đá dọc bờ biển Tây, bắt được “dấu” cua thì dùng cây sắt lùa vào hang, cua sợ phải chui ra, bị sa bẫy, khóa càng, ném vào can nhựa. Những chú cua biển to bằng cái nồi, nặng hơn 1 ký; vàng óng ánh.

Anh Triều tâm đắc: “Nói chuyện ẩm thực ở Đất Mũi thì không thể kể hết một sớm một chiều, Đất Mũi giàu đặc sản giống như con người ở đây giàu lòng hiếu khách!”. Câu chuyện của vị giám đốc Khu Du lịch Đất Mũi làm khách chợt nhớ đến năm Du lịch Quốc gia 2008 đang chuẩn bị diễn ra tại ĐBSCL, Đất Mũi hấp dẫn và hào phóng sẽ là một trong những điểm du lịch hàng đầu không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước…

Trèo lên 58 bậc thang của Vọng Hải Đài lúc hoàng hôn xuống vì không muốn bỏ lỡ dịp được ngắm mặt trời lặn trên biển Tây. Mặt trời ở Đất Mũi “đi ngủ” trễ, sau một ngày tự cháy miệt mài, quả cầu lửa lại lờ lững trên biển, chỉ trong khoảnh khắc, nó đổ ụp xuống biển và biến mất.

Buổi chiều là thời điểm Đất Mũi sôi động nhất. Từ biển cả, những chiếc tàu phơi lưới, đầy tôm, cá, cua, mực xuôi theo sông lớn về đậu cặp những căn nhà sàn. Chỉ vài tiếng sau khi tàu về, công việc mua bán giữa chủ tàu và chủ vựa đã hoàn tất, những con tàu lại trống khoang, nằm lặng lờ dưới sông, chờ ngày làm việc mới. Người dân Đất Mũi quay về với những sinh hoạt thường nhật. Tiếng xào nấu, tiếng dao bằm trên thớt và mùi thơm nhức mũi trộn lẫn với khói bếp là là trên sông. Khoảnh khắc bình yên của Đất Mũi. Bữa cơm của người dân Đất Mũi rất đơn giản: Một tô canh chua cá dứa nấu trái giác, một dĩa cá lòng tong kho tiêu, thế nhưng sau khi thưởng thức, không thể quên vị chua chua, ngọt ngọt nơi đầu lưỡi và cái mặn mà của cá kho ăn với cơm trắng.

Đêm Đất Mũi êm như nhung. Nhà chú Ba Quí ở ấp Rạch Tàu, một điểm sinh hoạt thường xuyên của đội đờn ca tài tử. Có khoảng 20 thanh niên nam nữ cùng với các bác, các cụ quây quần quanh bàn nhậu. Đang lúc cao hứng, một thanh niên đứng dậy, đi vào phía sau mang ra 3 cây đàn đưa cho ba “bậc tiền bối” tuổi ngoài lục tuần, còn anh làm MC kiêm luôn ca sĩ.

Anh Thắng nói: “Đất Mũi có 15 ấp thì có ngần ấy đội đờn ca tài tử, nhiều thành viên tham gia đã lên hàng cụ nhưng hoạt động rất sôi nổi”… Tiếng ca mùi mẫn hòa với tiếng đàn ngọt lịm; lời ca dứt, tiếng vỗ tay rần rần…

Anh Thắng kể: Tổ tông của Đất Mũi vốn là dân tứ xứ đến đây khai hoang rồi sinh sống trong sự cưu mang của rừng và sự đùm bọc của biển. Dần dần thành ấp, xã rồi huyện như bây giờ. Từ đó, Đất Mũi được mệnh danh là vùng “đất mới”. Anh Thắng dặn dò, nếu có dịp về Đất Mũi vào ngày tết để được chứng kiến tục “làm ní” (giữa những người đồng tuổi với nhau) và “nhìn họ” (giữa những gia đình cùng họ với nhau) của người dân Đất Mũi. Những người dưng cùng đến Đất Mũi mưu sinh trở thành thâm tình máu mủ…

Chú Hai Tớn, người sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành từ khu căn cứ địa cách mạng Ba Khâu, một người “cộng sản nòi” nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đất Mũi có ký ức đầy ắp những câu chuyện về một thời oanh liệt của người dân Đất Mũi: Truyền thống yêu nước của người dân Đất Mũi được thầy giáo Phan Ngọc Hiển khơi dậy từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp và vẫn bền bỉ kiên cường suốt hơn 20 năm trường kỳ chống Mỹ.

Thời đó, Đất Mũi có những căn cứ địa Cách Mạng lừng danh, như rạch Ba Khâu, rạch Chòi, rạch Cả Bát… Năm chú Hai chỉ mới là cậu bé 6 tuổi, ông già đã kêu mang cơm ra sau nhà chờ người đến lấy. Lúc đó, Hai Tớn không biết đó là “Việt cộng nhà mình”. Khoảng thời gian ác liệt nhất là lúc Mỹ – Diệm thực hiện Luật 10/59, bọn tề ấp ráo riết chiến dịch “bảo vệ hương thôn”, truy lùng tàn sát Việt cộng thì người dân Đất Mũi cũng phát động “chiến dịch tình thương”, kiên cường nuôi chứa bộ đội. Bọn địch nghi ngờ nhưng không bắt được ai, có tra tấn người dân, đổ nước trào họng cũng không ai khai báo.

Chú Hai Tớn tự hào: Thời đó, Bác Ba Duẩn (cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) từng về Đất Mũi để chỉ đạo cuộc chiến đấu, người và rừng ở đây đã bảo vệ thành công người lãnh tụ cách mạng này; không có cán bộ cách mạng “bự” nào đến Đất Mũi bị địch bắt cả. Người dân Đất Mũi nuôi chứa cán bộ giỏi, tham gia đánh địch cũng tài tình không kém: Cửa biển Cái Mòi chính là mốc ra đi của đoàn tàu không số để vận chuyển vũ khí, đạn dược từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Nam; Đất Mũi còn có Đội du kích từng đánh thắng tiểu pháo hạm của Mỹ; dùng ghe đánh cá làm công sự, tấn công tàu địch ngoài khơi…

Câu chuyện chú Hai càng kể càng hào hứng. Nhiều người dân Đất Mũi đã ra đi sau cuộc chiến tranh nhưng câu chuyện mà họ viết lên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc thì con cháu họ và những người đời sau mãi mãi không bao giờ quên được.

Tạm biệt Đất Mũi khi mặt trời đang lưng chừng giữa biển, mang theo nỗi tiếc nuối. Dù đã đọc hàng trăm câu thơ, bài báo viết về Đất Mũi, nhưng đến đây rồi vẫn thấy mình bất lực khi không thể khám phá hết được sự hấp dẫn của thiên nhiên và con người nơi mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Chiếc ca nô lồng lên như ngựa chiến, mũi hếch lên phía trước, hướng về thành phố Cà Mau.

Anh Bảy Tiễn, Phó Bí thư huyện Ngọc Hiển, chuyện trò rôm rả, át tiếng máy nổ: Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu Công viên Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau, quy mô trên 100 ha với trên 20 hạng mục phát triển du lịch sinh thái tiềm năng. Mũi đất này sẽ hứa hẹn nhiều đổi thay mạnh mẽ!

Đây sẽ là khu làng rừng có nhà sàn nằm xen trong rừng đước, khu bảo tồn sinh thái, cây xanh ven sông, khu bãi biển nhân tạo, khu công viên rừng đước, khu vui chơi thể thao… vài năm nữa sẽ biến Đất Mũi ồn ả và hấp dẫn hơn. Nhưng cái bao la của đất, trời, cái mênh mông của biển cả và cái chân chất của con người vẫn là giai điệu thủy chung mà Đất Mũi giữ lại trong lòng du khách.