Trồng nho an toàn: Hướng đi mới cho nông dân Bình Thuận

ThienNhien.Net – Mô hình “trồng nho an toàn“ bằng phân hữu cơ sinh học trên diện rộng, cho hiệu quả kinh tế cao thay thế cách trồng truyền thống trên vùng đất khô hạn Tuy Phong đang khích lệ các hộ trồng nho ở Bình Thuận học tập và làm theo.

Người đầu tiên thực hiện mô hình trồng nho an toàn là ông Nguyễn Văn Mưa, người dân tộc Chăm, hiện đang là chủ tịch Hội làm vườn huyện Tuy Phong. Năm 2006, ông đầu tư trồng thử nghiệm 5 sào nho an toàn. Sau những vụ đầu tiên thu được lợi nhuận, ông đã mạnh dạng mở rộng mô hình. Đến nay, diện tích trồng nho của ông đã được 1,4ha. Trung bình mỗi năm 3 vụ, ông thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm.

Ông Mưa cho biết: Mô hình trồng nho an toàn ít tốn kém hơn so với trồng nho truyền thống (chi phí khoảng 3/4). Đây là mô hình không quá phức tạp, hiệu quả kinh tế cao (khoảng 300 triệu đồng/ha/năm), chỉ có thời điểm cắt cành kéo dài ngày hơn so với giống địa phương. Đặc biệt, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học và các chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh giúp cây nho khoẻ, tăng sức chống chịu và đề kháng đối với sâu bệnh, dịch hại, đã giúp giảm nhẹ chi phí sản xuất và sản phẩm nho đạt độ an toàn cao.

Mô hình này sử dụng chủ yếu là giống nho xanh RIBIER (Mỹ). Sở khoa học Công nghệ và Viện Công nghệ sau thu hoạch cũng đã cấp giấy chứng nhận cho mô hình nho an toàn của huyện Tuy Phong. Nhiều công ty, siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh đang quan tâm đến mô hình này, nên thị trường nho trong nước hiện nay rất lớn, sản phẩm nho an toàn đang được người tiêu dùng ưa chuộng và tin tưởng.

Từ thành công của ông, nhiều hộ dân đã đến tìm hiểu và đang chuyển đổi dần diện tích trồng nho thường sang trồng nho an toàn trên vùng đất cát ven biển. Từ 5 sào nho an toàn trồng đầu tiên năm 2006, đến nay diện tích nho an toàn của toàn huyện Tuy Phong đã có 15 ha nho an toàn/tổng số trên 100 ha nho toàn huyện.

Theo ông Mưa, mô hình nho an toàn đạt hiệu quả, nhưng xu hướng nông dân vẫn còn mặn mà với giống nho địa phương do dễ tính hơn, ít chăm sóc hơn. Dân nghèo không vốn, sợ tốn kém, sợ rủi ro nên họ chấp nhận giống cũ.