Làng cổ Lộc Yên dựa lưng vào núi

ThienNhien.Net – Làng cổ Lộc Yên với những ngôi nhà cổ và nhà truyền thống đặc trưng ở Quảng Nam, ẩn hiện dưới những tán lá bốn mùa tươi xanh như bức tranh thiên nhiên hữu tình. Qua bao năm "trơ gan cùng tuế nguyệt", những ngôi nhà cổ ở Lộc Yên đã trở thành “điểm nhấn” về bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ, nhà cổ, nhà truyền thống ở Quảng Nam.

Làng cổ Lộc Yên cách TP Tam Kỳ 35km về hướng tây, thuộc thôn 4 và thôn 5, xã Tiên cảnh, huyện Tiên Phước – Quảng Nam. Những ngôi nhà của cư dân nơi đây dựa lưng vào núi, trên những gò đồi xum suê cây trái với những sản vật nổi tiếng như hồ tiêu, lòn bon (còn gọi là “Nam trân” – một thứ ngọc phương Nam)… và một bên là những thửa ruộng bậc thang dài theo chân núi.

Nhà cổ ẩn mình dưới tán xanh

Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ, cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản – Di tích Quảng Nam, người suốt 11 năm qua gắn bó với công việc đo vẽ, nghiên cứu tại các ngôi nhà cổ, nhà truyền thống ở Tiên Phước, cho biết: “Tiên Phước có 17 ngôi nhà cổ được khảo sát lập hồ sơ, riêng làng Lộc Yên đã có 10 nhà. Trong đó, nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh, một trong 4 nhà được xếp hạng di tích ở Quảng Nam, đã trên 200 năm”.

Những ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên được tạo tác và dựng nên bởi sự kết hợp của đôi bàn tay tài hoa của phường thợ Văn Hà (Phú Ninh) và Kim Bồng (Hội An) xưa. Nhà được làm bằng gỗ mít, xây dựng theo kiểu “ăn chắc mặc bền”, vừa làm chỗ ở, thờ cúng, vừa có nhà phụ để làm bếp, chỗ ăn nghỉ, để nông cụ sản xuất, lương thực lại vừa có sân phơi, vườn cây ăn trái.

Nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh xây theo bố cục nhà ba gian hai mái. Vật liệu xây nhà toàn gỗ mít, với 16 cây cột cái to, chu vi vòng cột 10 cm và 20 cây cột chung quanh. Kết cấu kèo, xuyên, trính được chạm khắc tinh tế hình tùng lộc, mai điểu, chim bướm và nhiều hoa văn thanh thoát. Trải qua thời gian, nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh và các ngôi nhà cổ ở Lộc Yên đã không ít lần gia cố, xây tường vôi, lợp mái mới… nhưng vẫn giữ lại được những cấu kiện gỗ bên trong. Đó như là thứ “vật gia bảo” của cha ông để lại mà lớp con cháu có trách nhiệm gìn giữ, đắp bồi.

Làng cổ Lộc Yên là điểm tham quan, du lịch sinh thái làng quê trung du hấp dẫn ở miền Trung, được nhiều người biết đến. Nhưng lâu nay, nó như “công chúa ngủ trong rừng”, chưa được “đánh thức”. Mỗi năm, có hàng trăm người dân trong vùng và khách thập phương đến Lộc Yên tham quan nhà cổ, dã ngoại vui chơi sau những ngày lao động, học tập vất vả.

 
Ngõ đá xanh rêu làng cổ.

Những ngõ làng Lộc Yên quanh co theo triền núi với nhưng hàng cau cao vút lên trời xanh, những thửa ruộng lúa xanh rờn, những còn đường lát đá dẫn lên các nhà cổ rợp bóng cây xanh, những khuông viên nhà vườn mát mẻ và đặc biệt là những người dân quê thuần hậu, chất phác, thật thà mến khách. Thế nhưng, sự tham quan du lịch của du khách vẫn chưa được ngành du lịch và địa phương cũng như cư dân làng cổ quan tâm hay có ý thức phát triển du lịch – dịch vụ nhằm khai phóng tiềm năng và “vẻ đẹp tiềm ẩn” của làng cổ với những ngôi nhà cổ.

Khách đến tham quan các nhà cổ và nhà truyền thống Quảng Nam ở Lộc Yên thường được chủ nhân các ngôi nhà tiếp đón trà nước ân cần như khách quý; đang làm đồng, nghe có khách đến là bỏ cả đấy, tất tả về nhà. Đó là bản tính có phần… “hồn nhiên” của người dân nơi đây.

Các kiến trúc sư là những chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu, trùng tu và bảo tồn nhà cổ đang làm việc cho tổ chức JICA (Nhật Bản) đã “lấy làm tiếc” vì sự “bỏ phí” của làng cổ Lộc Yên bấy lâu nay. Họ cho rằng, “các bạn đang cất giữ một kho báu của cha ông, nếu không biết cách bảo quản, sử dụng, sẽ rất uổng phí”.

Bảo tồn, nâng cấp: Bài toán khó!

Làng cổ Lộc Yên hiện còn 4 ngôi nhà cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn. Gọi là “nguyên vẹn” nhưng trên thực tế nó đã không còn “nguyên mẫu” như trước. Nhà của các ông Nguyễn Huỳnh Anh, Trần Khiêm, Đồng Viết Mão, Nguyễn Đình Mẫn ở thôn 4; nhà ông Lê Văn Hào ở thôn 5 cũng đã thay mái lá bằng mái ngói; mái đất (theo phong cách nhà mái lá – hai tầng mái: mái lợp lá (tranh) chống mưa nắng ở bên trên, mái bằng đất bên dưới để chống nóng vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông và có chức năng bảo vệ cấu kiện gỗ khi hỏa hoạn xảy ra) vì thế cũng bị đập bỏ; tường xây đá chắp vá. Và đáng lo nhất là có nhà cổ gần như bỏ hoang, không ai trông coi, vì chủ nhân của nó mải tìm kế mưu sinh nơi khác.

Ông Trần Khiêm (77 tuổi), là chủ nhân của ngôi nhà cổ còn giữ được mái đất và tường đất, cho biết: “Ngôi nhà này từ đời ông nội tôi xây. Đã có người dạm hỏi mua gần 300 triệu đồng nhưng tôi không bán. Ngôi nhà còn là truyền thống gia phong còn, nó không tính giá trị bằng tiền”.

 
Cụ Trần Khiêm trong ngôi nhà cổ kết cấu nhà mái lá ở làng Lộc Yên

Ông Trần Khiêm cũng thừa nhận, việc giữ gìn (chứ không nói là “bảo tồn” như câu chữ của cơ quan chức năng – PV) nó là rất khó. Năm năm trước, nhà ông Khiêm phải dỡ bỏ mái tranh ở trên mái đất để làm mái ngói. Tiếc những rui mè bằng tre ngâm lâu ngày chắc chắn, ông để trên mái đất, dăm bữa nửa tháng lại trèo lên xem cho đỡ nhớ! Như thế, ngôi nhà mái lá cuối cùng ở Quảng Nam cũng không còn nguyên vẹn bởi thời gian tàn phá, sức chịu đựng có hạn và những khó khăn của gia chủ của nó.

Cụ Nguyễn Huỳnh Anh vừa mất cuối tháng 07/2007, hưởng thọ 93 tuổi. Lúc còn sống, cụ đặc biệt chăm lo bảo vệ, chống xuống cấp cho ngôi nhà của gia đình mình. Năm này qua tháng khác, trong nhà cụ không bao giờ thắp đèn dầu hỏa, chỉ thắp nến, vì sợ khói đèn làm hư hại các cấu kiện gỗ mít; trên nóc các kèo, cụ Anh cho treo những bó gai tre để dơi núi không có chỗ đeo bám, sợ phân dơi ảnh hưởng đến sơn thiếp, các hoa văn điêu khắc.

Nhờ “kỹ tính” như thế nên nhà của gia đình cụ Nguyễn Huỳnh Anh, đã trên 120 năm, vẫn còn giữ được nét xưa cổ kính, trở thành “một bảo tàng” về nhà ở truyền thống của đất Quảng miền Trung.

Không đủ cẩn trọng như cụ Nguyễn Huỳnh Anh, tiền của và đặc biệt là kiến thức bảo tồn nhà cổ nên chủ nhân của các ngôi nhà cổ, nhà truyền thống đều “bó tay” đứng nhìn sự xuống cấp của nó.

Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ, người “mê” nhà cổ Quảng Nam, lo lắng: “Mỗi ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn như ở làng Lộc Yên, được những người buôn nhà cổ trả mua đến hàng trăm triệu đồng. Rất may là chủ nhân của nó chưa bán! Nếu như không sớm trùng tu, bảo tồn, nâng cấp… thì với tốc độ xuống cấp như hiện nay, chẳng bao lâu nữa các ngôi nhà cổ sẽ đổ ập”.

Trong vòng 10 năm qua, 10/17 nhà cổ do họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ khảo sát, kẻ vẽ lập hồ sơ đã “bay” về đâu và lúc nào thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng không ai biết.

Làng cổ thành làng du lịch sinh thái?

Đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quần thể nhà cổ tại làng Lộc Yên” do UBND huyện Tiên Phước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản – Di tích Quảng Nam triển khai thực hiện từ cuối năm 2006, đã đánh giá nghiệm thu và triển khai thực hiện vào tháng 09/2007. Nó là tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, của các nhà nghiên cứu và niềm hi vọng của chủ nhân của những ngôi nhà cổ ở Lộc Yên.

Tuy nhiên, dự án đang ở gia đoạn nghiên cứu về “thực trạng”, còn “giải pháp” về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quần thể nhà cổ Lộc Yên còn phụ thuộc vào kinh phí, thời gian, sự phối hợp giữa ngành văn hóa và du lịch cùng nhiều, rất nhiều vấn đề liên quan khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trần Văn Đốc – Chủ nhiệm đề tài khoa học này, cho biết: “Địa phương xác định: Làng cổ Lộc Yên là di sản văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm nay. Bảo tồn và phát triển giá trị làng cổ song song với việc phát triển du lịch bền vững, sẽ vừa giữ được làng cổ, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của cư dân trong làng. Hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học về quần thể nhà cổ ở làng Lộc Yên là bước quan trọng trong lộ trình này, tiếp theo là huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện dự án”.

Ông Trần Văn Đốc cho rằng, bảo tồn phát triển giá trị văn hóa nhà cổ, đưa làng cổ Lộc Yên trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn. Địa phương có thừa quyết tâm những cũng thiếu rất nhiều “điều kiện” để thực hiện.

 
Dấu ấn thời gian trên tường nhà cổ Lộc Yên.

Hơn 10 năm tái lập, tỉnh Quảng Nam cũng đã nói nhiều về trùng tu, bảo tồn và xem làng cổ, nhà cổ là những di sản – di tích văn hóa – lịch sử – kiến trúc và là vốn quý của truyền thống văn hóa mang bản sắc đặc trưng của Quảng Nam. Thế nhưng, bao năm nay nhà cổ vẫn xuống cấp mà không được sự hỗ trợ nào. Tư nhân lùng sục ráo riết để mua nhà cổ. Và nạn “chảy máu” nhà cổ đang âm thầm xảy ra ở khắp các làng quê Quảng Nam. Nguyên nhân được cho là “lực bất tòng tâm”, vì tỉnh Quảng Nam còn nghèo, không có kinh phí đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, nâng cấp nhà cổ, trong đó có làng cổ Lộc Yên.

Phó Giám đốc Sở VHTT Quảng Nam Hồ Xuân Tịnh, cho biết: “Ngôi nhà cổ càng tăng thêm giá trị khi nó nằm trong quần thể không gian văn hóa. Làng cổ Lộc Yên hội đủ các yếu tố đó, vì nó vừa có nhà cổ, nhà rường truyền thống Quảng Nam, trong không gian làng quê trung du thoáng đãng và con người nơi ấy rất tuyệt vời. Với trách nhiệm cơ quan quản lý văn hóa, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ, vận động các gia đình gìn giữ các ngôi nhà cổ. Nhà nước chưa có giải pháp cụ thể nào cho việc bảo tồn, phát huy giá trị nhà cổ. Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Nam, chúng tôi chỉ biết kêu gọi bảo tồn làng cổ, nhà cổ, đặc biệt là làng cổ Lộc Yên theo hướng xã hội hóa: Nhà nước, địa phương và nhân dân cùng chung tay giữ gìn và phát triển giá trị nhà cổ”.

Theo ông Hồ Xuân Tịnh, những ngôi nhà cổ chưa xếp hạng di tích thì mặc nhiên, chủ nhân của nó có quyền sửa chữa, dỡ bỏ kết cấu, bán, cho, tặng… Làng cổ Lộc Yên ngày càng xuống cấp và “chảy máu” nhà cổ, bất cứ ai quan tâm cũng thấy xót. Phát triển du lịch, tạo điều kiện cho cư dân nhà cổ phát triển thêm các dịch vụ, trên cơ sở có định hướng, quy hoạch bài bản cũng là một giải pháp tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Lộc Yên.

Về phía cơ quan chủ quản du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam Đinh Hài, cho biết: “Thời gian qua, đã có 5 công ty lữ hành lớn ở khu vực miền Trung liên hệ với ngành du lịch Quảng Nam mở các tour về làng cổ Lộc Yên – Tiên Phước.

Ngoài ra, còn có nhiều “đơn đặt hàng” khác của du khách. Sở Du lịch Quảng Nam vừa có cuộc khảo sát tại làng cổ Lộc Yên. Nơi đây rất có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái làng quê… Để làng cổ Lộc Yên được đưa vào tour du lịch thì phải đầu tư cơ sở hạ tấng, tăng cường các dịch vụ, quản lý bảo tồn, trang bị kỹ năng, cách làm du lịch cho cư dân làng cổ.

Làng cổ Lộc Yên – Quảng Nam đang đặt ra những vấn đề bức xúc về quản lý, bảo tồn, phát triển du lịch bền vững trước nạn “xâm thực” của thời gian và nhân gian trong cơ chế thị trường hiện nay. Bao nhiêu năm dựa lưng vào núi, những ngôi nhà cổ ở Lộc Yên đã trụ vững trước thiên tai, chiến tranh và những bất chợt của đời người.

Một tour du lịch về làng cổ du khách có dịp ghé thăm nhà lưu niệm chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng, được tắm mình trên sông Tiên nước chảy ngược dòng và được thưởng thức các món đặc sản như lòn bon, mít mật, chuối tiêu, ốc đá, nước chè xanh… ở vùng trung du bán sơn địa phong cảnh thơ mộng, hữu tình.