Nông nghiệp – nông thôn và nông dân: Làm gì để hội nhập?

Nước ta hiện có khoảng 70% dân số là nông dân, nguồn thu nhập chính vẫn là từ sản xuất nông – lâm nghiệp. Với cách làm tiểu nông, lạc hậu nên chưa tạo ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh.Trong khi đó, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đồng nghĩa với việc chúng ta phải thay đổi cách làm manh mún, kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Liệu nông nghiệp – nông thôn và nông dân có thể chuyển mình khi đa số nông dân còn mù mờ về khái niệm WTO, thậm chí còn cho rằng hội nhập là chuyện của Nhà nước?

Quá nhiều khó khăn

Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn, sau 20 năm đổi mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp rất chậm. Năng suất lao động toàn xã hội tăng lên rất cao nhưng nông thôn, nơi có phần lớn lao động thì chững lại. Năm 2005, năng suất lao động nông nghiệp chỉ tăng 3,7%, năm 2006 còn 2,64%. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng tụt hậu trên là do đầu tư cho nông nghiệp quá thấp và quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập. Đơn cử, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp năm 2006 chỉ đạt 7%, đầu tư nước ngoài 3%, giảm 1% so với năm 2005. Có lẽ vì vậy mà nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa có được “cú hích” để thay đổi. Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng nông sản của ta vẫn “lép vế” trên thị trường quốc tế so với sản phẩm cùng loại của nước bạn. Thái Lan trồng lúa mùa năng suất chỉ đạt 2, 5 tấn /ha nhưng do tận dụng điều kiện tự nhiên nên không tốn nhiều chi phí giúp nông dân thu lãi cao, trong khi đó lúa cao sản Việt Nam năng suất lên tới 4-5 tấn /ha nhưng chi phí đầu vào quá cao, nếu có biến động giá thì người dân chỉ từ hoà đến lỗ.

Năm 2005, huyện Mường Khương (Lào Cai) có 5.490ha ngô, sản lượng 14.190 tấn. Ngô hiện là cây xoá đói giảm nghèo của huyện, nhưng theo bà Lê Kim Dung, Điều phối viên Vận động và Truyền thông Tổ chức Oxfam: “Nông dân trồng ngô ở Mường Khương sẽ gặp khó khăn hơn khi Việt Nam đã là thành viên của WTO. Đó là sự cạnh tranh về giá, ngô nhập về rẻ hơn do thuế nhập khẩu giảm. Ví dụ, mức áp thuế với ngô nhập từ Mỹ là 10% sẽ không còn”.

Những khó khăn và yếu kém này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thứ nhất, do xuất phát điểm thấp (tài nguyên, kết cấu hạ tầng, công nghiệp, thu nhập,…). Chi tiêu công cho nông nghiệp chỉ bằng 1-1,5% GDP, mặc dù nông nghiệp đóng góp khoảng 22% GDP cả nước. Công nghiệp và đô thị chưa phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Hiện cả nước mới có duy nhất Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp phục vụ cho nông nghiệp nhưng chỉ chiếm 25% thị phần. Ngoài ra còn do yếu tố rủi ro của thiên tai, dịch bệnh và sự “đỏng đảnh” của thị trường.

Nông dân cần hiểu luật chơi

Ông Nguyễn Quốc Vọng (Bộ Nông nghiệp New South Wales – ôxtrâylia) cho rằng, WTO mang đến cho nông nghiệp Việt Nam khoảng 5 tỷ khách hàng và kim ngạch nhập khẩu 635 tỷ USD /năm, nhưng đồng thời cũng bắt buộc nông dân phải đối diện với bốn luật chơi cực kỳ khó khăn. Đó là: Vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản phải có Chứng chỉ nông nghiệp an toàn (GAP-Good Agricultural Practices); chất lượng hàng nông sản phải bảo đảm (về nguồn gốc xuất xứ, hàm lượng prôtêin, chống ôxy hóa, vitamin, đồng bộ về giống, độ chín, kích cỡ và màu sắc…); số lượng đủ cung cấp cho thị trường lớn; giá cả đủ sức cạnh tranh.

Trong bốn luật chơi này, ông Vọng nhấn mạnh, nhà nông cần chú trọng đến GAP. Đây là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A đến Z của dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ, kể cả những yếu tố liên quan đến sản xuất như môi trường, các chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì và ngay cả điều kiện làm việc và phúc lợi của người làm việc trong nông trại.

Điển hình cho việc thực hiện thành công quy trình GAP là Hợp tác xã (HTX) thanh long Hàm Minh (Hàm Thuận Nam – Bình Thuận). Ngày 10/11/2006 là ngày đáng ghi nhớ của ngành nông sản Việt Nam, bởi lần đầu tiên trái thanh long của HTX Hàm Minh được Tổ chức EurepGap (Thụy Sĩ) công nhận đạt tiêu chuẩn “Thực hành nông nghiệp tốt và trái cây ngon EurepGap”. Để có được thành công này, theo anh Nguyễn Thuận, Chủ nhiệm HTX, chẳng dễ dàng gì. Gần 15 năm trong nghề trồng thanh long, anh nhận thấy chỉ có sản xuất theo hướng an toàn, quy mô lớn mới có thể đứng vững khi hội nhập. Được Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) do Cơ quan Quan hệ quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ, anh cùng bà con chuyên canh thanh long trong vùng bàn bạc, tính toán để sản xuất thanh long sạch.

Tháng 7/2005, 16 nông dân thôn Minh Hòa (Hàm Minh) quyết định đăng ký thành lập HTX Hàm Minh sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn châu âu với diện tích gần 50ha do anh Thuận làm chủ nhiệm. Tất cả các gia đình tham gia đều đầu tư xây dựng kho chứa dụng cụ lao động, phân bón, tủ thuốc bảo vệ thực vật, khu ủ phân hữu cơ, bảng hướng dẫn nội quy lao động, thực hành phân lô trang trại… theo yêu cầu của VNCI. Đặc biệt, giếng tưới phải phủ kín bằng tấm lưới dày hoặc nắp đậy để ngăn côn trùng và vật bẩn rơi xuống dưới. Cấm tuyệt đối xả rác (nylon, bao bì phân bón, chai lọ đựng thuốc trừ sâu…) trong vườn. Hiện thanh long vùng này không những nổi tiếng cả nước về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thanh long sạch mà còn xuất khẩu sang châu âu.

Làm gì để giúp nông dân hội nhập?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam phải thực hiện CNH -HĐH theo hướng “phát triển nguồn nhân lực”. Trước đây, chúng ta chỉ làm theo cơ bắp thì nay phải chú trọng tới chất xám. Phát triển nông thôn phải quan tâm tới giải quyết các vấn đề xã hội. Hiện nay, nạn cờ bạc, rượu chè, chích hút ma tuý rất nghiêm trọng ở nông thôn, là hậu quả của thất nghiệp, nghèo khổ… TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.ư) thì cho rằng: Phải làm mọi cách đưa nông dân gia nhập nền kinh tế hàng hoá. “Phải doanh nhân hoá nông dân, doanh nghiệp hoá nông thôn”. Phải học tập các mô hình một số nơi đã làm, biến nông dân trở thành cổ đông của các nhà máy. Nhà nước phải cam kết đầy đủ hơn nữa với nông dân khi có chính sách dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Với tư cách là người tham gia xây dựng Chương trình Nông thôn mới mà Chính phủ sẽ ban hành, ông Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) nêu lên 4 giải pháp cho nông thôn: ổn định ruộng đất lâu dài cho nông dân; hình thành từng bước nền kinh tế hàng hoá ở nông thôn; cải thiện hạ tầng kinh tế – xã hội; nghiên cứu một mô hình làng xã thích hợp cho nông thôn Việt Nam.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn đã đưa ra chiến lược: coi nông thôn là mô hình chiếc ly với 1/2 nước. Phần có nước là xây dựng tổ chức nông thôn, đổi mới quản lý Nhà nước; phần còn lại là khoan sức dân, tiếp sức dân. “Phần có nước” chú trọng cải cách hành chính, đổi mới dịch vụ công, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút đầu tư về nông thôn. Phần còn lại là miễn thuế, phí cho nông dân; hỗ trợ dịch vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ sản xuất; phát triển khoa học công nghệ…

Cam kết WTO không cho phép Chính phủ được thực hiện trợ cấp xuất khẩu nhưng được phép trợ cấp khuyến nông và phục vụ phát triển nông nghiệp. Do vậy, để giúp nông dân tham gia vào một cuộc chơi tuy thoáng nhưng đầy rủi ro, Chính phủ nên xây dựng chiến lược đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn và nông dân, giúp người nông dân tiến nhanh tới những quy trình sản xuất an toàn; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ lao động. Nói như một nhà quản lý: “Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm của mọi cải cách ở khu vực nông thôn để giúp bà con hội nhập vững vàng”.