Người Bắc ăn Tết trên đất Nam

“Con nhớ tranh thủ mua miến dong, nấm hương, hành kiệu, rau thơm, mấy cây bắp cải Hà Nội”, bà Hoàng Thị Thu, quận Tân Bình, TP. HCM vừa thoăn thoắt lột vỏ mấy ký hành tím để muối ăn dịp Tết, vừa dặn dò con gái sắp ra thủ đô.

Gia đình bà Thu chuẩn bị xong các loại đồ khô như măng, mộc nhĩ, nem thính, bánh tráng gói chả giò… từ một tuần trước Tết. Những mặt hàng này, bà Thu nhờ người thân ngoài Bắc mua, gửi dần vào từ trước Tết. Sót vài thứ, bà giao nhiệm vụ cho cô con gái út mua, nhân dịp cô này đi Hà Nội công tác .

Bà Thu cho biết, dù sống ở Sài Gòn, nhưng mâm cơm ngày Tết gia đình bà không thể thiếu các món cổ truyền dịp Tết của miền Bắc như canh măng khô nấu bóng với móng giò, thịt gà luộc rắc lá chanh, chả đa nem, thịt đông, dưa hành, nộm đu đủ, dưa hành muối nén… Ngoài bánh chưng, giò lụa tốn nhiều công, quá lích kích, những món khác, bà Thu đích thân làm hoặc “chỉ đạo” con gái, con dâu thực hiện. “Gia đình tôi phải tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên để tỏ lòng thành chứ không mua đồ làm sẵn”, bà Thu cho biết.

Vợ chồng bà Thu nguyên là giáo viên dạy cấp III ở Nam Định. Nghỉ hưu, ông bà chuyển vào sống gần các con đang lập nghiệp ở Sài Gòn. Các con bà đã có gia đình riêng nhưng tối giao thừa và sáng mùng 1, mùng 3, họ đều sum họp tại nhà bố mẹ để làm cơm cúng tổ tiên và chia sẻ niềm vui năm mới, như lệ thường khi còn ở quê.

 
Nhiều gia đình tại TP HCM vẫn tự gói bánh chưng hương vị Bắc vào dịp Tết.

“Mười lăm năm nay, gia đình tôi duy trì sinh hoạt Tết như thế. Có người nói vợ chồng tôi cực đoan, “bắt’ con cháu sinh hoạt tập trung và quá trung thành với món Bắc. Nhưng các con tôi luôn ủng hộ quan điểm ăn Tết truyền thống này. Ngày thường, chúng nó không câu nệ chuyện ăn uống, nhưng Tết đến, tất cả chỉ thích mẹ nấu món Bắc”, bà Thu ngưng tay bóc hành và tâm sự.

Còn chị Bùi Thu Hoa, quận Phú Nhuận, TP. HCM, cho biết, chị theo chồng vào Sài Gòn 10 năm, nhưng vẫn có thói quen sắp mâm ngũ quả theo phong tục miền Bắc như bưởi, dưa hấu, quả trứng gà (lêkima), đu đủ… và không thể thiếu một nải chuối xanh, bẹ to.

“Mâm quả theo phong tục miền Nam tuy có ý nghĩa “cầu vừa đủ xài sung” rất hay, nhưng tôi thích bày theo cách Bắc, vì tất cả các loại trái cây đều có thể trưng, miễn sao đẹp mắt, thể hiện không khí Tết”, chị Hoa bày tỏ.

Theo chị Hoa, người Nam cho rằng từ chuối có âm giống từ “chúi” nên không bày, nhưng nải chuối trên mâm ngũ quả của người Bắc thể hiện sự che chở của đất trời. Người Nam cũng không trưng quả cam bởi câu “quýt làm cam chịu”, còn mâm ngũ quả của người Bắc lại không thể thiếu quả cam với màu vỏ vàng tươi rói.

Chị Hoa cũng cho biết, năm nào không ra Bắc ăn Tết, vợ chồng chị cũng nhờ bạn bè ngoài Hà Nội gửi vào mấy bó hoa violet, cành đào phai để trưng Tết. Chị tâm sự, dù các loài hoa Đà Lạt và mai vàng rực rỡ tràn ngập khắp Sài Gòn, nhưng không có màu tím của viotlet và hoa đào, thấy thiếu và nhớ Hà Nội.

Riêng hương (miền Nam gọi là nhang) thắp bàn thờ, chị Hoa thường mua tại một cửa hàng bán đồ Bắc gần 10 năm nay. “Tôi chỉ quen mùi hương nhẹ nhàng, tạo cảm giác siêu thoát”, chị nói.

Khá cầu kỳ trong việc bày biện mâm ngũ quả, chơi hoa, nhưng mâm cỗ ngày Tết nhà chị Hoa lại dung hòa các món ăn cả hai miền. Ngoài việc nấu các món ăn truyền thống của người Bắc để cúng tổ tiên, chị cũng chuẩn bị các món Nam như trứng vịt kho nước cốt dừa, củ kiệu muối, canh mướp đắng nhồi thịt bằm, nem bì, các món nộm, dưa món làm từ đu đủ, cà rốt, hành củ, su hào tỉa hoa phơi nắng khô, ngâm nước mắm pha đường… Đây là những món chị Hoa dành để đãi gia đình chồng, bạn bè, đồng nghiệp.

Chị Hoa rất thích bánh tét vì có hình trụ dài thon gọn, dễ trang trí, bày biện. Khi cắt bánh thành từng khoanh nhỏ, nhân đậu xanh, thịt mỡ nổi lên ở giữa như nhụy hoa, đẹp và tinh tế. Nhưng Tết nào chị cũng mua một cặp bánh chưng để cúng ông bà, vì đây là bánh truyền thống của người Bắc.

Tâm lý “Bắc hóa” Tết Sài Gòn trong các gia đình người Bắc tại TP HCM như bà Thu, chị Hoa không cá biệt. Không chỉ người “đứng tuổi”, nhiều bạn trẻ cũng lưu luyến hồn Tết Bắc, dù sinh sống và lập nghiệp trên đất Nam.

“Tết ở TP HCM, gia đình tôi cũng theo bạn bè đi chơi nhiều hơn là ăn uống tiệc tùng. Nhưng năm nào tôi cũng mua cân giò, một cặp bánh chưng, vài thẻ hương Bắc để cúng ông bà. Vì những vật này gợi cảm giác gần gũi quê hương hơn”, anh Trần Văn Hiếu, 30 tuổi, nhân viên một công ty nước ngoài tại quận 1, cho biết.

 
Cửa hàng Hà Nội tại TP. HCM giúp các gia đình “Bắc hóa” Tết Sài Gòn.

Nhiều cửa hàng bán “đồ Bắc, đồ Hà Nội” tập trung ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình; Trần Quốc Toản, quận 3; Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh); Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) và một số siêu thị huy động nhiều hàng hơn dịp Tết.

Hiện tượng “Bắc hóa” Tết Sài Gòn thể hiện tâm trạng hoài hương, hoài cổ của số đông người dân sống xa quê, theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu Hôn nhân Gia đình, thuộc cơ quan phía Nam Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hà, hiện tượng trên có thể dẫn tới sự bất hòa giữa các thế hệ. Không ít bà nội trợ gọi điện đến Trung tâm tư vấn Tình yêu Hôn nhân Gia đình, than phiền về chuyện con cháu “mất gốc, mất nết” vào dịp Tết vì “kéo nhau đi du lịch”, không sum họp đại gia đình như mong muốn của họ.

“Tâm lý muốn duy trì phong tục Tết miền Bắc thường xuất hiện nhiều ở người cao tuổi, các bậc làm cha làm mẹ. Nhưng đa số lớp trẻ chỉ coi Tết như một dịp nghỉ dài, để được thư giãn, đi du lịch”, bà Hà nói.

Chuyên gia tâm lý này khuyên, các gia đình nên linh hoạt trong việc dung hòa phong tục Nam – Bắc, tránh xảy ra mâu thuẫn quan điểm giữa các thế hệ, khiến ngày Tết mất vui. Các bà nội trợ có thể chuẩn bị những mâm cơm hương vị Bắc để cúng tổ tiên, nhưng nên làm thêm món Nam phù hợp khẩu vị của con, cháu vì giới trẻ quen nếp sống, phong vị ẩm thực nơi mình sinh sống.