Người mẹ của cây cối châu Phi

ThienNhien.Net – Là một nhà hoạt động môi trường và chính trị, năm 2004, bà trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận được giải Nobel Hoà bình vì những đóng góp cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hoà bình của thế giới.

Người phụ nữ Đông Phi đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ

Wangwari Maathai sinh ngày 1/4/1940 tại ngôi làng nhỏ bé Ihithe của đất nước Kenya. Sau khi học xong phổ thông ở Kenya, Maathai sang học tiếp ở Mỹ và Đức. Bà nhận bằng cử nhân sinh học của truờng Cao đẳng Mount St. Scholastica (hiện nay là trường Cao đẳng Benedictine) năm 1964, và bằng Thạc sĩ của ĐH Pittsburgh của Mỹ năm 1966, sau đó trở về thủ đô Nairobi làm việc. Năm 1971, bà trở thành người phụ nữ Đông Phi đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ.

Không chỉ có một tri thức uyên bác, Maathai còn có một cuộc đời hoạt động xã hội sôi nổi trên cả hai phương diện: chính trị và môi trường. Suốt từ năm 1977 đến nay, bà liên tục có những đóng góp cho quê hương và thế giới.

Năm 1977, Maathai thành lập Phong trào Vành đai xanh (Green Belt Movement). Cho đến nay, phong trào này đã trồng hơn 30 triệu cây xanh rộng khắp châu Phi, giúp bảo tồn hệ sinh thái cho động vật hoang dã, chống xói mòn đất, tạo ra tài nguyên và thực phẩm cho các thế hệ nơi đây. Hơn ba vạn phụ nữ châu Phi nhờ vậy cũng có được công ăn việc làm và thu nhập ổn định.

Với nỗ lực bảo vệ môi trường của bà, hiện nay ở Kenya có khoảng 5.000 vườn ươm và khoảng 30 triệu cây xanh đã được trồng trong hơn 30 năm qua. Những cây này vẫn phát triển xanh tươi chứ không chết non như ở nhiều khu rừng trồng khác.

Wangari có quan điểm rất rõ ràng. Bà kiên quyết không chấp nhận những sai trái của chính quyền và đã từng tiên phong phản đối việc xây dựng một tòa nhà cao tầng ngay giữa công viên Uhuru – vốn là không gian công cộng quan trọng nhất của thủ đô Nairobi. Điều này khiến văn phòng của bà bị đe dọa đóng cửa.

Maathai cũng dành nhiều sự chú ý cho việc bảo vệ hệ động thực vật của Kenya. Bà đã đặt việc bảo vệ các loài hoang dã làm một trong những nhiệm vụ ưu tiên cho công tác môi trường của Kenya sau khi nhận được thông tin báo động về việc đàn voi của nước này giảm từ 170.000 con xuống chỉ còn 16.000 con. Chính bà đã hậu thuẫn cho Chiến dịch Cứu lấy đàn voi của Chính phủ Kenya. Trong chiến dịch này, người ta gắn các bộ cảm biến vào cơ thể voi để theo dõi mọi sự dịch chuyển của chúng và kiểm soát số lượng.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi trước giải Nobel về Hòa bình 2004, Maathai đã nhận được rất nhiều giải thưởng giá trị, trong đó có giải thưởng Goldman, được ví như giải Nobel của châu Phi.

Trong lễ trao giải Nobel hoà bình 2004, đại diện hội đồng Nobel Nauy đã phát biểu: “Maathai đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiêu người trong cuộc đấu tranh cho quyền dân chủ và đặc biệt đã ủng hộ nhiều phụ nữ đấu tranh vì một vị thế cao hơn.” Lời ca ngợi này có lẽ vẫn còn khiêm tốn với tất cả những cống hiến của bà, người mẹ của cây cối châu Phi.