Đại ngàn in dấu chân anh

Đại ngàn đã in dấu chân anh qua những cuộc tuần tra rừng đặc dụng dài ngày, những cuộc mật phục xuyên đêm trong rừng sâu, núi thẳm hay ở những chốt chặn hiểm yếu trong bất cứ thời điểm nào, kể cả những ngày lễ, Tết. Đây đều là công việc thường xuyên của các anh- những chiến sĩ Kiểm lâm Bắc Kạn.

Kiểm lâm và người dân sát cánh bảo vệ rừng.

Để quản lý, bảo vệ hơn 29.000ha rừng đặc dụng, công tác tuần tra, kiểm soát rừng là một trong những nhiệm vụ được lực lượng Kiểm lâm phối hợp với cấp chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong khu vực thường xuyên thực hiện, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Đặc biệt, trong những ngày lễ, Tết, việc tuần tra, kiểm soát rừng lại càng phải tăng cường hơn.

Bắc Kạn hiện có 03 khu rừng đặc dụng là Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Vườn Quốc gia Ba Bể. Đây là những diện tích rừng còn nhiều động, thực vật quý hiếm, đặc biệt là rừng gỗ quý tập trung. Trong những năm qua, các khu rừng này luôn bị “lâm tặc” đưa vào tầm ngắm, đặt lực lượng Kiểm lâm luôn trong tình trạng báo động. Đặc điểm của rừng đặc dụng là núi đá liền kề, trùng trùng, điệp điệp, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc cao nên di chuyển rất khó khăn, với hàng trăm đường mòn ngang dọc trên rừng. Bao bọc các khu rừng đặc dụng là hệ thống giao thông giăng mắc, ngày càng được nâng cấp hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội nhưng cũng thuận lợi cho “lâm tặc” hoạt động.

Một đặc điểm nữa đó là bao quanh, đan xen trong các khu rừng đặc dụng là hàng chục nghìn hộ đồng bào sinh sống, nghèo khó, trình độ dân trí chưa cao, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Cuộc sống phải dựa rất nhiều vào rừng như phát nương làm rẫy, khai thác thu hái lâm sản và các sản phẩm tận thu từ rừng. Việc khai thác gỗ nghiến làm nhà và làm thớt bán mang lại lợi nhuận rất cao nên không tránh khỏi bà con bị bọn đầu nậu lôi kéo dẫn đến khai thác gỗ trái phép… Trong khi đó, ý thức quản lý, bảo vệ rừng của nhiều người dân chưa cao; văn hóa làng xóm ngại tố giác nhau; hệ thống thông tin di động được phủ sóng là phương tiện để các đối tượng liên lạc nhằm canh gác, thông báo cho nhau khi có lực lượng Kiểm lâm tuần tra.

Các chiến sĩ Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể trên đường tuần tra.

Để bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, đại ngàn đã in dấu chân chiến sĩ Kiểm lâm qua các cuộc tuần tra rừng đặc dụng dài ngày, những cuộc mật phục xuyên đêm trong rừng sâu, núi thẳm. Các anh đã phải đối diện với biết bao thủ đoạn tinh vi, tàn độc bất chấp pháp luật của những kẻ phá rừng trái phép như đe dọa gia đình, người thân; ném đá, ném tro vào mắt để cản đường hòng chạy thoát khi bị truy đuổi; tấn công truy sát thô bạo lực lượng Kiểm lâm và cả dùng thủ đoạn mua chuộc… Và trong những “trận chiến” ấy, mồ hôi, nước mắt và cả máu của các anh đã đổ xuống, những đối tượng được gọi là “lâm tặc” đã bị bắt, bị khởi tố, bị trừng trị theo quy định của pháp luật.

Vườn Quốc gia Ba Bể là một kho tàng đa dạng hệ sinh thái rừng, luôn là tâm điểm nhòm ngó của các đối tượng xấu. Do vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão này, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể đã chủ động xây dựng kế hoạch trực tuần tra, kiểm soát 24/24h những khu vực trọng yếu. Trạm phó Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng, anh Triệu Xuân Nghiệp tâm sự: “Địa bàn chúng tôi quản lý rộng hơn 1.000ha, địa hình chia cắt mạnh với sông, hồ, núi, rừng gỗ quý. Tết đến là dịp sum họp gia đình nhưng anh em động viên nhau đã khoác áo xanh của lực lượng Kiểm lâm là niềm vinh dự, tự hào nên phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng bất kể thời điểm nào. Mặc dù phải tuần tra, kiểm soát trong dịp Tết vất vả nhưng anh em luôn cố gắng, bám địa bàn bảo vệ rừng”.

Anh Lường Quốc Hải, Trưởng BQL Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc cho biết: “Tết nào tôi cũng lên Trạm Kiểm lâm Bình Trai (trạm ở vùng cao lạnh giá nhất) trực Tết cùng anh em. Dịp Tết rất vất vả, nhưng cũng là thời gian để cán bộ Kiểm lâm có điều kiện thăm hỏi đồng bào nhằm tuyên truyền, thăm nắm tình hình để thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn. Cũng từ những cuộc gặp gỡ trò chuyện mà kiểm lâm và người dân trong Khu Bảo tồn hiểu nhau, gắn bó với nhau, cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ rừng”.

Bữa cơm tạm giữa đại ngàn.

Tại hầu hết các xã vùng đệm, vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đều có trạm kiểm lâm và được chia ca trực xuyên suốt trong những ngày lễ, Tết. Những khu vực trọng điểm như xã Kim Hỷ còn triển khai 2 trạm và tăng cường cả lực lượng Công an, Quân đội căng mình tham gia trực Tết. Vì vậy, khát vọng đoàn tụ gia đình trong những ngày Tết của các kiểm lâm viên phải kìm nén trong lòng vì nhiệm vụ gìn giữ màu xanh, tất cả mọi người đều vững tâm trực Tết. “Mặc dù là Tết Nguyên đán nhưng không thể lơ là, vì các đối tượng khai thác vàng, khai thác gỗ trái phép luôn rình rập, chỉ chờ chúng tôi mất cảnh giác là rừng bảo tồn bị xâm hại ngay”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ Lê Xuân Diệu chia sẻ.

Dẫu còn gian khổ trong sự nghiệp bảo vệ rừng, dù phải tuần tra giữ rừng cả những ngày lễ, Tết, ngày đông tháng giá, nhưng các chiến sĩ Kiểm lâm Bắc Kạn chưa bao giờ chùn bước. Những bước chân của các anh trên cung đường tuần tra đã góp phần chủ đạo để bảo vệ màu xanh thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giữ nước nguồn chảy mãi.