Bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ con người

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu mới đây, các hệ sinh thái (HST) khỏe mạnh – nguồn cung cấp cho con người những sản phẩm và dịch vụ tự nhiên cần thiết – thường gắn với các khu giàu đa dạng sinh học (ĐDSH). Như vậy, việc bảo tồn một HST cũng là bảo vệ những HST còn lại. Với tiêu đề “Bảo tồn ĐDSH và các dịch vụ HST toàn cầu”, báo cáo này nhấn mạnh giá trị của việc đặt ĐDSH lên ưu tiên hàng đầu trong các nỗ lực bảo tồn.

Báo cáo cho thấy rằng hơn 70% khu vực ưu tiên hàng đầu thế giới về bảo tồn ĐDSH chứa đựng những giá trị quan trọng của các dịch vụ HST như cung cấp nước sạch, thức ăn, kho tích trữ carbon, hạn chế thiên tai và cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Đây là tất cả các nhân tố cơ bản để duy trì cuộc sống của con người và hỗ trợ sự phát triển kinh tế xã hội.

Các nhà khoa học của tổ chức bảo tồn quốc tế (CI), Viện kinh tế sinh thái Gund thuộc Đại học Vermont và Quỹ môi trường toàn cầu cho rằng giá trị của các dịch vụ HST trong 7% ưu tiên bảo tồn ĐDSH hàng đầu của hành tinh lớn hơn gấp đôi giá trị trung bình toàn cầu. Nếu xét một cách toàn diện, giá trị mà các dịch vụ HST toàn cầu cung cấp hàng năm ước tính khoảng 33 nghìn tỉ USD, lớn hơn GDP của tất cả các quốc gia cộng lại.

Thomas M.Brooks giám đốc phụ trách bảo tồn CI nói rằng “Ở nhiều nơi trên thế giới, các chiến dịch bảo tồn ĐDSH cũng đang góp phần bảo vệ các hệ sinh thái, nhờ đó tăng cường sức khỏe con người và giảm đói nghèo”.

Báo cáo cũng đề xuất các chiến dịch bảo tồn ĐDSH song song với bảo tồn các dịch vụ HST nhằm tăng hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng của chúng. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng rừng nhiệt đới là những nơi cần được ưu tiên đặc biệt vì ĐDSH và dịch vụ HST phong phú của chúng cần thiết cho cuộc sống của 1 tỷ người nghèo trên thế giới.

Đáng chú ý là có nhiều cơ hội để vừa bảo tồn các loài vừa bảo tồn các dịch vụ HST, đặc biệt ở lưu vực A-ma-dôn, vịnh Công-gô, Ma-đa-gát-xca, Bóoc-nê-ô và Niu ghi-nê. Việc bảo vệ các cánh rừng nguyên sinh này là vấn đề then chốt để giảm phát thải do nạn phá rừng ở các nước đang phát triển, hỗ trợ sinh kế cho những dân bản địa và mang lại lợi ích cho toàn thế giới.

Với nhận thức rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa môi trường lớn nhất mà hành tinh đang phải đối mặt, nghiên cứu này cũng khuyến cáo rằng đầu tư để duy trì HST khoẻ mạnh và khả năng phục hồi chúng mang lại hiệu quả chi phí cho ĐDSH, cho sinh kế của dân địa phương và phát triển kinh tế. Nó cũng là cách lưu giữ lượng khí CO2 tích trữ trong các khu vực này không thoát ra ngoài.

Ngoài ra, việc khôi phục lại các khu rừng bị tàn phá là cần thiết để phục hồi môi trường sống bị mất, đảm bảo sự tồn tại bền vững của các loài, khôi phục các dịch vụ HST chủ yếu, đặc biệt là HST trong các khu vực đông dân như rừng Atlantic của Brazil và các vùng khác ở Đông Nam Á.