Quảng Ninh: Hậu họa từ khai thác đá ở Phương Nam

Nghề khai thác đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) đã có từ nhiều năm nay ở xã Phương Nam (Uông Bí, Quảng Ninh). Lúc đầu chỉ là nhỏ lẻ, nhưng vài năm gần đây với việc xuất hiện những công ty chuyên khai thác đá bằng nổ mìn đã làm “biến mất” nhiều ngọn núi đá có từ xa xưa. Hậu quả là cảnh quan môi trường bị tàn phá, hàng trăm hộ dân ở địa phương phải sống chung với bụi và nỗi nguy hiểm…

Về xã Phương Nam, một trong những vùng khai thác đá khá lớn trong tỉnh. Dọc đường vào Đá Bạc, Hồng Hải, Hồng Hà, Bạch Đằng I là các thôn nằm trong vùng ảnh hưởng của việc khai thác đá, đá văng đầy ruộng, vườn. Nhiều quả núi đã bị xẻ gần hết, nằm trơ trụi giữa trời, có nguy cơ sập xuống bất kỳ lúc nào.

Những chiếc xe tải chở đá khai thác chạy liên tục khiến cho cả một khu vực dân cư xung quanh bị bụi phủ trắng. Dưới chân núi, nhiều thửa ruộng cấy lúa trước đây giờ bị bỏ hoang, bởi không ai dám canh tác ngay tại sát khu vực mỏ đá với những đợt nổ mìn đến “đinh tai nhức óc”…

Ghé vào một gia đình nằm gần một mỏ đá đang khai thác, tiếng máy nổ ầm ầm. Đã hơn 19 giờ, mọi người dân trong thôn đi làm đồng đang vội vã trở về nhà, đồng thời để tránh mìn nổ vào giờ này.

Ông Phạm Văn Hiển, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hồng Hải nói: “Không thể không lo lắng. Phía bên kia là khu khai thác đá của Công ty cổ phần (CP) Phương Nam cách nhà tôi chưa đầy trăm mét. Hàng ngày họ nổ mìn vào buổi trưa và chiều tối. Bụi bay mù mịt, đá văng đến tận cửa nhà tôi, còn dưới ruộng và ao thì không đếm xuể đá, to, nhỏ đủ cả. Cứ sắp đến giờ nổ mìn là mọi người trong nhà lại tìm chỗ ẩn nấp. Cứ nghĩ đến chuyện đá bay vèo vèo, bụi mù mịt phủ cả xóm, làng thì sợ quá!”.

Gia đình ông được UBND xã cấp cho khu đất làm nông nghiệp này với thời hạn 20 năm. Nhưng mấy năm nay, do tình trạng khai thác đá, ông chỉ dám đào ao thả cá, không dám chăn nuôi. Cánh đồng xung quanh có diện tích khoảng 5 ha thuộc hai thôn Hồng Hải và Hồng Hà, giờ bị bỏ hoang nhiều vì nằm ngay sát chân mỏ đá của Công ty CP Phương Nam. Đi dọc bờ ao cá nhà ông Hiển và những thửa ruộng cạnh đó, chúng tôi thấy nhiều hòn đá lớn, nhỏ bị văng ra từ các cuộc nổ mìn trước đó.

Theo những gì khảo sát thực tế tại vùng mỏ đá này, được tận mắt chứng kiến cảnh nổ mìn phá đá làm ảnh hưởng tới đời sống người dân nơi đây như thế nào. Đem những lo lắng trên của người dân phản ánh lại với ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Kỹ thuật, Sở Công nghiệp, ông Hà bảo, ngày xưa khu khai thác đá là vùng hoang vắng, chưa có người dân đến ở nhiều như bây giờ. Đến khi có đường giao thông, nhất là khi có ba Công ty CP khai thác đá là Phú Cường, Phương Nam và Phương Mai đến khai thác thì dân mới đến xây dựng nhà cửa để ở. Nhiều người là dân “nhảy dù”, nên giờ bị ảnh hưởng thì còn kêu ca nỗi gì?

Ông Hà thừa nhận, hiện giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của hai Công ty CP Phú Cường và Phương Mai đã hết hạn, riêng Công ty CP Phương Nam còn hạn đến tháng 04/2008. Khi dẫn chứng các Công ty CP Phú Cường, Phương Mai vẫn nổ mìn phá đá, thì ông Hà cho rằng có thể họ nổ nốt chỗ thuốc còn lại hoặc thuê nổ mìn qua dịch vụ (?). Sở đã làm Tờ trình xin cấp lại giấy phép cho mấy công ty này và đang trình lên UBND tỉnh. Việc các công ty trên vẫn nổ mìn khai thác đá khi chưa được gia hạn giấy phép là vi phạm pháp luật.

Không đồng quan điểm với Sở Công nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch UBND xã cho rằng, người dân trong vùng bị ảnh hưởng không hoàn toàn là “di cư tự do”. Ông đưa ra số liệu hàng trăm hộ ở các thôn Hồng Hải, Hồng Hà, Bạch Đằng I bị ảnh hưởng bởi môi trường. Chỉ có khoảng gần chục hộ ở thôn Bạch Đằng là xây nhà trái phép vi phạm hành lang bảo vệ đê.

Những mỏ khai thác đá tuy có tạo được công ăn việc làm cho một số lao động địa phương, nhưng đang thực sự gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và đe dọa cuộc sống an toàn của hàng trăm hộ dân nơi đây. Việc nổ mìn khai thác đá của Công ty CP Phú Cường còn gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của Nhà máy cơ khí Quang Trung nằm ngay cạnh đó.

Mới đây nhất, UBND xã Phương Nam cương quyết không đồng ý cho việc khai thác tiếp một quả núi mang tên Hải Quân trong khu vực. Trong tháng 05/ 2007, hàng chục người dân xã đã kéo đến Công ty CP Phương Mai phản đối việc khai thác gây ô nhiễm môi trường, đồng thời yêu cầu chính quyền xã can thiệp. Xã đã phải rất vất vả để giải quyết việc này.

UBND tỉnh cũng đã thành lập tổ quan trắc nhằm đánh giá tác động tới môi trường đối với việc khai thác đá của 3 Công ty nói trên. Người dân Phương Nam hy vọng, việc khai thác đá của các công ty nói trên được quản lý chặt chẽ, tránh ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây.