Bali – Những thoả thuận chưa “cập bến”

ThienNhien.Net – Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-Moon gọi biến đổi khí hậu là “ một thách thức lương tâm của thế hệ chúng ta” và kêu gọi những hành động cấp bách. Tuy nhiên, nhiều thỏa thuận quan trọng của Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (UNFCCC) tại Bali vẫn chưa đạt được kết quả và sẽ phải kéo dài tới các phiên họp vào những năm tiếp theo.

Đàm phán không kết quả 


Hơn 10 ngày đàm phán và thảo luận của (UNFCCC) trôi qua nhưng kết quả đạt được không được như mong đợi của nhiều bên. Do không tìm được tiếng nói chung của các thành viên nên chủ tọa của nhiều phiên họp đã phải đề nghị chuyển các vấn đề sang bàn tiếp tại hội nghị sẽ diễn ra ở Bonn, Đức vào tháng 05/2008. 


Chủ tọa của phiên thảo luận về bổ sung tư vấn khoa học và công nghệ (SBSTA) lần thứ 27, ông Kumarsingh, cho biết không có thỏa thuận chung nào đạt được về vấn đề khí thải nhiên liệu trong vận tải đường biển và hàng không quốc tế. Đại biểu của các đoàn đề nghị chuyển vấn đề sang bàn tiếp ở SBSTA 28. Đại diện đoàn Na Uy bày tỏ sự đáng tiếc vì một số đoàn đã gây ách tắc trong tiến trình đàm phán và tuyên bố chướng ngại vật nhiên liệu nên đề cập như ưu tiên hàng đầu trong cơ chế hậu 2012, sau khi Nghị định thư Kyoto (KP) hết hiệu lực.  


Một số vấn đề trong KP cũng phải chuyển sang bàn ở SBSTA 28 như các vấn đề phương pháp dưới KP, chuyển giao công nghệ hay một số điều khoản như khoản 2.3, 3.14 trong nghị định thư.  


Chủ tịch của phiên thảo luận về các vấn đề phương pháp dưới KP (HFCs) Radunsky cho biết việc không có thỏa thuận chung là do thiếu thống nhất về các lựa chọn xác nhận thỏa đáng khí thải của HFC-23 đối với Cơ chế phát triển sạch (CDM). Đại diện Trung Quốc tỏ ra thất vọng và nhắc lại cam kết của Trung Quốc rút dần ra khỏi HFC-23 sau 10 năm theo lịch trình. 


Phiên thảo luận về chuyển giao công nghệ cũng không có kết quả khả quan. Chủ tịch phiên họp về vấn đề này, Uousukainen, lý giải nguyên nhân thất bại do thời gian quá ngắn nên không có thỏa thuận chung đối với lịch trình của phần bổ sung thực hiện (SBI) trong KP. 


Nguyên nhân dẫn đến không có nhiều thỏa thuận chung đạt được còn do các nước phát triển và các nước đang phát triển đều không muốn mình là nước tiên phong trong việc giảm khí thải. Kevin Rudd, Thủ tướng Australia – thành viên mới nhất của Nghị định thư Kyoto, phát biểu rằng ông muốn thấy các nước đang phát triển có “những cam kết rõ ràng” về giảm khí thải. Về phía mình, Trung Quốc và các nước trong nhóm G77 khẳng định họ sẵn sàng làm việc đó nếu các nước phát triển, trong đó có Australia hỗ trợ họ thực hiện các mục tiêu. 


Đại diện Việt Nam – ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Hội nghị lần này chắc chắn không đạt được nhiều thỏa thuận chung vì các nước đang phát triển muốn các nước phát triển phải thực hiện trước những điều khoản của KP như thủ tướng của một nước châu Phi từng phát biểu tại Bali.   


Đại biểu của nhiều đoàn tỏ ra thất vọng sâu sắc về kết quả thảo luận. Trong các phiên thảo luận không chính thức về tiến trình hậu 2012, nhiều người tỏ ra kém lạc quan về những cuộc nói chuyện “khó khăn” của việc “tăng cường tính phức hợp” theo tiến trình hội nghị. “Tôi không biết điều này sẽ dẫn chúng ta đến đâu nhưng đồng hồ sẽ ngừng vào thứ sáu (14/12)”, một đại biểu
cho biết. 


Những tuyên bố nằm trên giấy 
 


Thất bại trong việc đi đến thỏa thuận chung đối với những vấn đề quan trọng khiến những người theo dõi diễn biến của UNFCCC tại Bali thất vọng.  


Eric Kisiangani, đến từ Kenya – một đất nước chịu nhiều lũ lụt, hạn hán, bệnh dịch do biến đổi khí hậu, đến Bali cùng những người bạn để trưng tấm bưu thiếp về cuộc sống khốn khó của người dân KenyaBangladesh với dòng chữ “Ước gì bạn ở đây”. Eric cho biết không có gì khác so với những gì anh thấy năm ngoái: “Họ nói nhiều nhưng chỉ có những tuyên bố trên giấy, trên bàn vẫn chưa có tiền.” 


Nhiều tổ chức phi chính phủ nhận xét rằng một số sự kiện tại Bali là “lãng phí thời gian”. Peter Hardstaff, đứng đầu bộ phận chính sách của Phong trào phát triển thế giới (WMO)- một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giảm nghèo đói, phát biểu: “Cuộc gặp không chính thức của các bộ trưởng thương mại vào cuối tuần tại Bali không giúp gì cho đàm phán khí hậu tại Bali.” Ông còn nhấn mạnh: “Các bộ trưởng thương mại đến Bali chỉ để ra khỏi “bầu không khí nóng” giải quyến vấn đề khí hậu tại các thị trường mới mở.” 


Những người trẻ tuổi trên thế giới cũng bày tỏ sự mất niềm tin vào những người đứng đầu thế giới. Một thanh niên Mỹ 23 tuổi – Whit Jones, Phong trào khí hậu trẻ toàn cầu của UNICEF nói: “Các nhà lãnh đạo đã thất bại đưa ra những cam kết giảm khí thải để ngăn ngừa thảm họa 20C và như vậy, chúng ta có thêm 50% nguy cơ sống trong thảm họa”.  


Nhiều tổ chức phi chính phủ và cá nhân đã tổ chức các hoạt động gây sức ép lên các đại biểu tại khu vực diễn ra các cuộc họp chính thức. Một nhóm thanh niên mang tên “Thế hệ mặt trời” chào đón các bộ trưởng đến dự UNFCCC bằng 500 quả bóng bay nhỏ và 2 quả bóng bay lớn vẽ hình con mắt trước Trung tâm Hội nghị với ý nghĩa nhắc nhở các bộ trưởng rằng có nhiều con mắt đang dõi theo hành động của họ. Pattamon Rungchavamont, thiếu nữ 21 tuổi đến từ Thái Lan và là thành viên nhóm “Thế hệ mặt trời” trả lời phỏng vấn “Tôi muốn các bộ trưởng không quên có nhiều người như tôi đang lắng nghe và hi vọng ở họ”.  

Trên đường phố Nusa Dua cũng như trong Trung tâm Hội nghị (Bali), nhiều tấm áp phích biếm họa chăng trên đường bày tỏ sự hoài nghi về các thỏa thuận cắt giảm khí cácbon, buôn bán cácbon có thể đạt được.