Hoàn thiện Dự thảo về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương

Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường các cam kết quốc tế, khẳng định trách nhiệm của mình đối với vấn nạn rác thải nhựa đại dương khi là một trong các quốc gia tham gia xây dựng khung thoả thuận toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Nâng cao năng lực đàm phán Thỏa thuận toàn cầu

Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết và thiết lập cơ chế điều phối các bộ, ngành và địa phương liên quan trong quá trình Việt Nam đàm phán, tham gia thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (Đề án) trình Bộ trưởng phê duyệt.

Theo đó, Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng các mục tiêu được nêu trong Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực đàm phán, Kế hoạch cũng nêu rõ cần tiền hành thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu. Đồng thời rà soát, tổng hợp, đánh giá các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến rác thải nhựa mà Việt Nam đã tham gia; Rà soát, nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật trong nước có liên quan đến quản lý nhựa, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương.

Thu thập thông tin từ hoạt động động điều tra cơ bản và điều tra, khảo sát về rác thải nhựa từ các nhiệm vụ, dự án theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Điều tra, đánh giá và xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương; Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu từ các dự án, nhiệm vụ khác của các bộ, ngành, địa dương và các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân trong nước; đánh giá, phân tích và xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương.

Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm. (Ảnh minh họa)

Để quá trình tham gia đàm phán đạt được hiệu quả cao nhất, Kế hoạch đề ra giải pháp cần phải xây dựng và thực hiện Chương trình đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ về luật pháp quốc tế, kỹ năng đàm phán, các quy trình, thủ tục khi tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Đồng thời nghiên cứu, phân tích, đánh giá những thuận lợi, thách thức khi Việt Nam tham gia vào đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Trong quá trình tham gia đàm phán, Việt Nam cũng cần có đội ngũ phân tích, xây dựng các kịch bản đàm phán và phương án của Việt Nam khi tham gia vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Kế hoạch triển khai Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng cũng đề xuất phải thành lập Tổ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; xây dựng và thông qua Quy chế làm việc của Tổ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương

Đồng thời, xây dựng mạng lưới các bên liên quan ở trong nước (các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan) và cơ chế phối hợp giữa các bên có liên quan để thuận lợi cho việc trao đổi, cung cấp thông tin,… trong quá trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch hợp tác song phương, đa phương để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia khác, tổ chức quốc tế với những quan điểm, nội dung của Việt Nam dự kiến tham gia vào Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương, trong đó khẳng định trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Việt Nam hành động mạnh mẽ chấm dứt “ô nhiễm trắng”

Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với vấn nạn rác thải nhựa đại dương khi là một trong những quốc gia tiên phong trong giảm rác thải nhựa đại dương và là một trong các quốc gia tham gia xây dựng khung thoả thuận toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Thực tế, bản chất của chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, trao đổi thương mại dẫn tới chất thải nhựa và dòng chảy của nhựa ra đại dương, thách thức về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương là xuyên biên giới và trên phạm vi toàn cầu. Không quốc gia nào có thể một mình giải quyết một cách thỏa đáng các khía cạnh khác nhau của thách thức ô nhiễm nhựa đại dương.

Do đó, một khung thỏa thuận toàn cầu, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), dựa trên một tầm nhìn chung và rõ ràng với các mục tiêu tham vọng, các chỉ số phù hợp và các biện pháp cụ thể; một khuôn khổ hợp tác quốc tế cân bằng bao gồm các hành động phối hợp với sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm các Chính phủ, các ngành công nghiệp, cộng đồng khoa học, các tổ chức xã hội,… để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương, có tính đến điều kiện cũng như nhu cầu cụ thể của các quốc gia là cần thiết.

Khác với những cam kết về môi trường và khí hậu khác, với thỏa thuận này, Việt Nam là nước tiên phong, cùng các quốc gia xây dựng khung hiệp ước toàn cầu. Có thể thấy, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng và đồng hành cùng với quốc tế trong các tiến trình nhằm hướng tới một khung thoả thuận toàn cầu nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương.

Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Trong năm 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các đối thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và xây dựng các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động tham gia trong tiến trình hình thành Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) và thể hiện sự ủng hộ của mình bằng việc cử đại diện tham gia Nhóm công tác đặc biệt về rác thải nhựa đại dương của Hội đồng môi trường của Liên hợp quốc (AHEG). Tại Phiên họp AHEG lần thứ 3, Việt Nam đã thể hiện quan điểm:“Chúng tôi nhận thấy vấn đề rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề đáng quan tâm. Các thách thức về rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề toàn cầu và đòi hỏi các giải pháp và sáng kiến toàn cầu phù hợp với các ưu tiên vùng và quốc gia”.

Tiếp đó, đến tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương với mục tiêu xây dựng động lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã được tạo ra từ rất nhiều cuộc thảo luận quốc tế trước đó và đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này tại UNEA-5.2. Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhằm xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.

Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực. Cụ thể, thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.