Khai mạc cuộc vận động Bảo vệ sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Từ hôm nay đến hết ngày 20/06/2009, tại Thái Lan, Liên minh Cứu trợ Sông Mê Kông sẽ tổ chức một loạt các sự kiện hội thảo báo chí và công bố chiến dịch vận động ký bưu thiếp nhằm thuyết phục các chính phủ trong lưu vực sông Mê Kông hợp tác bảo vệ dòng sông lớn nhất Đông Nam Á này. Thủ tướng Abhisit Vejjajeva của Thái Lan đã đại diện phát biểu tại lễ khai mạc.
 
Hãy cứu dòng Mê Kông!


Sau ba tháng triển khai, chiến dịch vận động ký bưu thiếp đã thu hút được hơn 10.000 thành viên tham gia. Đối tượng tham gia tìm hiểu và ký bưu thiếp rất đa dạng về lứa tuổi và nghề nghiệp, từ các em học sinh ở Cam pu chia, các thành viên tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam đang sinh sống và học tập ở hạ nguồn sông Mê Kông cho đến những người nông dân đang sử dụng nguồn nước từ dòng Lan Thương, thượng nguồn của dòng sông. Bên cạnh đó là bạn bè quốc tế, những người có chung một mối quan tâm và ước nguyện “trả lại dòng chảy tự do cho dòng sông và cuộc sống yên lành cho người dân địa phương”.

Mục tiêu lớn nhất mà cuộc vận động hướng tới là thuyết phục chính phủ các nước trong khu vực dỡ bỏ kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông và tìm các giải pháp cung cấp năng lượng điện thay thế có tính bền vững hơn. Những ý tưởng thông điệp này được Thủ tướng Thái Lan Abhisit gửi đi trực tiếp thông qua lời phát biểu khai mạc.

Trong hai năm qua, trên dòng Mê Kông, người ta đã lập kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện lớn. Nếu như kế hoạch này trở thành hiện thực, hàng triệu người dân trong lưu vực sẽ bị ảnh hưởng, mất sinh kế và không được đảm bảo về lương thực. Việc xây đập cũng sẽ làm suy kiệt các loài cá di cư, một trong những nguồn thủy sản hứa hẹn nhất của sông Mê Kông, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và văn hóa, xã hội.

Tham gia sự kiện lần này, các nhà báo trong khu vực cũng sẽ ngồi lại với các nhóm bảo tồn sông Mê Kông khu vực và quốc tế bàn luận về chủ đề “Nguồn lợi thủy sản, An ninh lương thực và Sinh kế người dân: Lý do để bảo vệ dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông”.