"Giấc mơ thuốc" và vị Tiến sĩ đầu tiên người Sán Chỉ

“Một đêm, khi tôi đang ở trong rừng, gặp cậu bạn cùng bản gùi gạo, mắm, muối từ nhà lên lán để ba anh em ăn trong một tuần. Cậu ấy bảo: “Mày có cái giấy gì ở trên xã ấy!”. Cả đêm hôm ấy, tôi cùng anh trai đốt đuốc nứa lội rừng. Về đến bản cũng là lúc gà te te gáy. Thì ra, đấy là cái giấy gọi của trường Đại học Dược Hà Nội. Tôi được học theo diện Dự bị dành cho con em dân tộc thiểu số…”

“Ông” tiến sỹ đầu tiên người Sán Chỉ (chuyên ngành thực vật học) Trần Văn Ơn – Trưởng bộ môn Thực vật học, trường Đại học Dược Hà Nội bắt đầu câu chuyện từ một kỷ niệm như thế. Bây giờ mang học hàm tiến sỹ về thực vật học – một chuyên ngành cũng gắn liền với núi rừng, anh ấp ủ ước mơ khôi phục bảo tồn và phát triển những cây thuốc quý, và… đăng ký thương hiệu những bài thuốc của người dân tộc, trả lại cho họ để không bị… thất truyền! 


Bó đuốc, đêm băng rừng và giấc mơ đại học!
 


Câu chuyện bó đuốc nứa xuyên rừng suốt đêm của hai anh em cậu trai bản Trần Văn Ơn mấy chục năm trước, đã trở thành chuyện cổ tích thắp sáng lòng say mê học tập của nhiều thế hệ trẻ em người dân tộc thiểu số về sau. Đây cũng là câu chuyện lạ lùng nhất về hành trình Trần Văn Ơn trở thành tiến sỹ đầu tiên người Sán Chỉ – một dân tộc có số lượng khiêm tốn trong bản đồ các dân tộc Việt Nam.

Như tất cả những gia đình người Sán Chỉ sinh sống trong bản làng nơi heo hút của rừng núi Thái Nguyên, cậu bé Trần Văn Ơn theo học cái chữ qua lần lượt những lớp học của giáo viên cắm bản. Niềm ham học đã đưa chân anh từ bản làng xuống trung tâm xã, từ trung tâm xã xuống trường dân tộc nội trú trên huyện…

Học xong chương trình PTTH, không như nhiều bạn bè khác ở nhà, lấy vợ, đẻ con và lại tiếp tục gắn bó với góc rừng, mảnh nương, con suối…, Ơn nộp hồ sơ dự thi Đại học. Thi rồi, cũng không nghĩ rằng mình sẽ đỗ. Vì cái chữ của người miền núi, chẳng có gì làm thước đo, liệu nó có đủ cao để vượt qua kỳ thi tuyển khốc liệt hay không…?  

Rồi, sau cái đêm lội rừng ấy, về đến bản trời đã hưng hửng sáng, anh đến tận nhà người đưa thư, gọi cửa để lấy “cái tờ giấy gì ở trên xã” như cậu bạn miêu tả. Đó là giấy gọi nhập học, lớp dự bị dành cho con em dân tộc thiểu số của trường Đại học Dược.

Rời bản, rời góc rừng, rời cái lán mà hai anh em Ơn nằm đó cả tháng trời kiếm gỗ về làm nhà, anh tấp tểnh xuống Hà Nội. Một năm sau hệ dự bị, anh đăng ký thi ngành Thực vật học – bộ môn không mấy sinh viên yêu thích, vì sự khô khan và hóc búa của nó. Trên bảng điểm kết quả thi, Trần Văn Ơn trúng tuyển! Giấc mơ của cậu bé người Sán Chỉ lặn lội từ rừng về phố, như mồi lửa nhỏ được nhen nhóm đốt cháy những đám cỏ phát để làm mảnh nương gieo ngô, trồng sắn. 

Cuộc sống sinh viên những năm cuối thời kỳ bao cấp của Trần Văn Ơn là những bữa cơm cá khô ăn đằng đẵng cả tháng trời. Con cá khô mặn chát, dè sẻn một bữa một con. Hết những con lành, những đầu mẩu cá khô vụn được làm “nguyên liệu” để nấu canh.  

Bốn năm trời, Hà Nội sự hiểu biết của Ơn là khoảng không gian nhỏ bé trong trường Đại học Dược, mở rộng ra một chút là Hồ Gươm, là nhà ga Long Biên nơi anh mấy tháng một lần, chen chúc mua vé về nhà để “tiếp tế” lương thực.

Anh kể, đoạn đường dài 120 cây số từ trường về nhà, phải đi làm ba chặng. Tờ mờ sáng ra xếp hàng mua vé, ngồi vạ vật đợi giờ tàu chạy, cũng là để tranh nhau chỗ nhét vừa đủ một chân theo đúng nghĩa. Về đến ga Kép, bắt một chuyến xe xuống huyện. Từ trung tâm huyện Đồng Hỷ, cuốc bộ về nhà ở tít cuối bản mất vài chục cây số nữa. Hôm nào may mắn, đi nhờ được chiếc xe trâu của người cùng bản lên chở thóc, chở muối về. “Quãng đường chim bay” ấy, anh phải lặn lội mất gần 2 ngày trời!  

Từ những chuyến xe trâu đi nhờ, từ những bữa cá khô ướp muối, cậu bé Trần Văn Ơn từ góc rừng Thái Nguyên thuở nào đã trở thành người thầy của rất nhiều thế hệ sinh viên trường Dược, và là tiến sỹ đầu ngành của bộ môn Thực vật học ở Việt Nam. 

Giấc mơ về “người thầy thuốc chân đất”! 

Với các sinh viên Khoa Thực vật học (trường ĐH Dược Hà Nội), ấn tượng lớn nhất về người thầy tiến sỹ, kiêm trưởng bộ môn Trần Văn Ơn là lòng yêu khoa học, và làm khoa học một cách nghiêm túc. Thầy Ơn truyền niềm đam mê ấy cho sinh viên của mình, với một sự nghiêm khắc và đòi hỏi cao: nghiên cứu khoa học là một việc làm không thể cẩu thả, đối với công tác nghiên cứu khoa học của ngành dược, điều đó lại càng dòi hỏi sự tỷ mỉ và chính xác cao! 

Trong gia đình năm anh em, Trần Văn Ơn là người may mắn được bố mẹ cho đi học “đến đầu đến đũa”. Các anh chị trên Ơn, đều học hết cấp 2, cấp 3 rồi nghỉ. Đối với người Sán Chỉ, lại từ thời điểm những năm 80 về trước, bố mẹ anh đã là những người cực kỳ cấp tiến. Ông nội, ông ngoại Ơn đề là những thầy lang có tiếng của vùng.

Anh sống trong môi trường gia đình có truyền thống về cây thuốc. Ngay từ nhỏ, sự gắn bó với những cây thuốc, cây cỏ xung quanh bản làng đã “thổi” vào Ơn sự gắn bó và niềm đam mê. Nhớ lại hồi đó, Ơn đã tự làm cho mình một cuốn sổ nhỏ để ghi chép các đặc điểm, kèm theo hình vẽ minh hoạ về một loài cây thuốc, trong những lần vào rừng lấy thuốc cùng ông.

Lên Đại học, anh trở thành “học trò cưng” của các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành trong khoa thực vật học của trường Đại học Dược: GSTS khoa học Trần Quang Thành; GS Vũ Văn Chuyên – giáo sư “độc ngữ” về môn Latinh. Ba năm liền, một thầy một trò lăn lộn về thực vật. Vừa học thầy về kiến thức, Ơn vừa học luôn từ những người thầy đáng kính (mà sau này anh may mắn trở thành đồng nghiệp của họ) tác phong, phong cách và niềm đam mê khoa học, để đến khi làm thầy, anh lại “truyền lửa” cho các thế hệ sinh viên của mình. 

Trong suy nghĩ của Tiến sỹ Trần Văn Ơn, xu thế quay trở lại với tự nhiên sẽ là một xu thế mới trong tương lai không xa, con người hoà nhập trở lại với thiên nhiên cây cỏ. Những cây thuốc trong tự nhiên sẽ trở thành nguồn vốn quý quan trọng với sức khoẻ con người. Người phương Tây đã sớm nhìn ra vấn đề đó, cho nên, trong công tác nghiên cứu khoa học về Dược liệu, họ bắt đầu chú ý đến phương Đông – xứ sở của những cây thuốc quý và là chiếc nôi mấy ngàn năm về Đông y dược.

Trung Quốc và Việt Nam là hai “vựa thuốc” quý báu ấy, thế nhưng ở nước ta, vốn cây thuốc quý, những bài thuốc trong dân gian chưa được hệ thống hoá và sử dụng hết những giá trị công dụng của nó. Công trình nghiên cứu khoa học “Bảo tồn, phát triển những loài thuốc quý” đồng thời cũng là đề tài bảo vệ luận án tiến sỹ của Trần Văn Ơn được hình thành. Vậy là ngót chục năm trời, từ những năm 1990, anh lăn lộn trên khắp các bản làng để hệ thống hoá lại các cây thuốc, mô tả đặc điểm nhận dạng, công dụng và phát triển thành tài liệu giảng dạy cho sinh viên. 

“Việt Nam có rất nhiều cây thuốc quý. Thế nhưng, những loài được dân gian biết đến rất ít và còn lại không nhiều. Những thầy lang trong một bản làng, từ xưa đã có vai trò rất quan trọng đối với cả cộng đồng của bản làng đó, và được coi là nguồn tri thức tổng hợp khá đầy đủ về tất cả các mặt, các lĩnh vực trong cuộc sống. Có rất nhiều bài thuốc của các thầy lang, trong quá trình đưa sinh viên đi thực tập, hay trong suốt chục năm trời tôi đi thực tế để thực hiện công trình nghiên cứu nói trên, đã ngày càng bị rơi rụng và mất mát dần. Chúng ta không có ai đứng ra ghi chép, tổng hợp và thừa kế những bài thuốc theo kiểu “gia truyền” ấy, khiến nó bị mất đi khi những thầy lang theo tuổi già bị chết vì tuổi cao… Người Trung Quốc đã sớm nhận thức được điều này, và họ đang là nước đứng đầu về lĩnh vực Đông y!”.

10 năm liền, ông tiến sỹ người Sán Chỉ ấy lại cùi cụi nghiên cứu, ghi chép và trồng cây thuốc, vì sợ nó biến mất trong nay mai. 

Năm 2003, một lần lên Tả Khoang, Tả Phìn (Sa Pa) thực địa, anh thấy các nhà nghỉ, khách sạn xung quanh điểm nghỉ mát Sa Pa mọc lên nhan nhản dịch vụ “tắm thuốc của người Dao đỏ”. Việc kinh doanh là một chuyện, thế nhưng, bài thuốc ấy là tri thức, thành quả của người Dao đỏ. Những người Kinh từ nơi khác đến, đã “chiếm dụng”, “ăn cắp” tri thức của người dân tộc, thương mại hoá và làm sai lệch hoàn toàn những bài thuốc quý.

Anh lại tẩn mẩn mấy năm trời, cùng các sinh viên, cộng sự của khoa Bộ môn thực vật học lên Sa Pa lấy mẫu về nghiên cứu các thành phần của bài thuốc tắm. Anh và cộng sự chiết xuất, đưa ra công thức để chuyển đổi từ bài thuốc tắm thủ công theo kiểu “xông cảm” của dân gian thành sản phẩm các “hộp thuốc tắm”.

Dự án thành công, bộ môn thực vật học đăng ký bản quyền cho người Dao Tả Phìn (Lào Cai), trả lại công thức cho người Dao. Anh lại đứng ra vận động chính quyền xã Tả Phìn mở hợp tác xã để khai thác chính bài thuốc của cha ông, làm bài toán xóa đói giảm nghèo cho bà con trong bản. Và đầu năm 2007, một công ty chuyên sản xuất thuốc tắm từ bài thuốc tắm do những người dân tộc Dao bản Tả Phìn, đã được ra đời.

Tiến sĩ Trần Văn Ơn tâm sự, anh muốn khôi phục lại tất cả những bài thuốc quý của các dân tộc, đồng thời phát động phong trào giáo dục tìm hiểu cây thuốc trong toàn thể cộng đồng, từ đó có kế hoạch bảo tồn, phát triển nguồn gien quý từ thực vật đang ngày càng mất dần… Ước mơ lớn nhất của anh, là tất cả những bài thuốc quý sẽ được giữ lại, được sử dụng như những chiếc “cần câu” để xoá nghèo cho đồng bào thiểu số.